Cá nhân trong nước tiếp tục mua ròng mạnh trong tuần từ 6-10/9 và là nhân tố quan trọng giúp thị trường đi lên.
Tổ chức trong nước (không gồm tự doanh) và khối ngoại đều bán ròng mạnh.
Khối tự doanh biến động tích cực và mua ròng nhẹ ở tuần này.
Các chỉ số chứng khoán biến động hẹp ngay trong tuần giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ. Trong đó, VN-Index kết thúc tuần giao dịch ở mức 1.345,31 điểm, tăng 10,66 điểm (0,8%) so với phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ. HNX-Index tăng 6,63 điểm (1,93%) lên 350,05 điểm. UPCoM-Index tăng 1,4 điểm (1,49%) lên 95,41 điểm.
Nhà đầu tư cá nhân tiếp tục mang đậm dấu ấn trong tuần giao dịch vừa qua khi duy trì trạng thái mua ròng trong khi tổ chức trong nước cùng khối ngoại đều bán ròng mạnh.
Giá trị mua, bán ròng phân loại theo nhà đầu tư. Đơn vị: Tỷ đồng.
Theo dữ liệu của FiinPro, cá nhân trong nước trong tuần từ 6-10/9 tiếp tục mua ròng 4.619 tỷ đồng, gấp đôi so với tuần trước đó. Nếu tính về khớp lệnh thì dòng vốn này cũng mua ròng 4.286 tỷ đồng, gấp 2,3 lần tuần trước.
10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của cá nhân trong nước lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng.
Cá nhân trong nước mua ròng rất mạnh mã VHM với giá trị lên đến 3.375 tỷ đồng, bỏ xa mã đứng sau là VIC với 459 tỷ đồng. SSI và VNM cũng được mua ròng lần lượt 363 và 260 tỷ đồng. Trong khi đó, APH bị bán ròng mạnh nhất với giá trị 329 tỷ đồng. HSG đứng sau với giá trị bán ròng là 227 tỷ đồng. Các mã gồm VPI, VND, CTG và VCB đều bị bán ròng trên 100 tỷ đồng.
Khối tự doanh của các công ty chứng khoán cũng có môt tuần giao dịch tích cực khi mua ròng165 tỷ đồng, nếu tính theo giao dịch khớp lệnh thì dòng vốn này mua ròng 238 tỷ đồng.
10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của tự doanh lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng.
VHM là cổ phiếu được dòng vốn tự doanh mua ròng mạnh nhất với 157 tỷ đồng. Tiếp sau đó, chứng chỉ quỹ ETF FUEVFVND cũng được mua ròng gần 119 tỷ đồng. SSI đứng thứ ba trong danh sách mua ròng với giá trị 97 tỷ đồng. Chiều ngược lại, FPT bị bán ròng mạnh nhất với 58 tỷ đồng. BCG và TCB bị bán ròng lần lượt 44 tỷ đồng và 33 tỷ đồng.
Trái ngược với nhà đầu tư cá nhân trong nước và khối tự doanh, tổ chức trong nước (không gồm tự doanh) tiếp tục bán ròng gần 1.920 tỷ đồng, tăng 89% so với tuần trước.
10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của tổ chức trong nước (không gồm tự doanh) lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng.
Tổ chức trong nước (không gồm tự doanh) bán ròng mạnh nhất mã VHM với 1.710 tỷ đồng. Các cổ phiếu ngân hàng như MBB, MSB, SSB hay VPB đều bị bán ròng trên 100 tỷ đồng. Trong khi đó, APH được mua ròng mạnh nhất vơi s358 tỷ đồng. VPI và VNM được mua ròng lần lượt 144 tỷ đồng và 104 tỷ đồng.
Đối với khối ngoại, dòng vốn này có tuần bán ròng thứ 5 liên tiếp ở HoSE với giá trị gấp 2,4 lần tuần trước đó và ở mức 2.863 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng là 28,4 triệu cổ phiếu. Tính chung cả 5 tuần vừa qua, dòng vốn ngoại sàn này bán ròng tổng cộng 12.919 tỷ đồng.
10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của khối ngoại lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng.
Khối ngoại bán ròng tập trung mã VHM với giá trị lên đến 1.822 tỷ đồng. SSI và VIC đều bị bán ròng trên 400 tỷ đồng. VNM và MSN cũng bị bán ròng lần lượt 352 tỷ đồng và 196 tỷ đồng. Chiều ngược lại, CTG được mua ròng mạnh nhất với 195 tỷ đồng. MBB và HSG được mua ròng lần lượt 191 tỷ đồng và 170 tỷ đồng. VCB và VND cũng đề được mua ròng trên 100 tỷ đồng.