VPBank hướng tới vị trí top 3 ngân hàng giá trị nhất Việt Nam vào năm 2022.
Dòng tiền từ bán FE Credit sẽ bổ sung trực tiếp vào vốn chủ sở hữu của ngân hàng.
Với tầm nhìn trở thành top 3 ngân hàng giá trị nhất Việt Nam vào 2022, VPBank đã và đang chứng minh sự hiệu quả trong chiến lược kinh doanh khác biệt và linh hoạt của mình với việc tập trung và tạo vị thế trong mảng cho vay tiêu dùng và rộng hơn là cho vay bán lẻ.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, VPBank đã thực hiện chiến lược gia tăng nhanh và bền vững Vốn chủ sở hữu để nâng cao năng lực tài chính của ngân hàng. Trong nửa đầu năm 2021, VPBank đã công bố ký kết thương vụ chuyển nhượng 49% vốn điều lệ FE Credit (FEC) cho đối tác chiến lược Sumitomo (SMFG) giúp gia tăng đáng kể vốn chủ sở hữu của ngân hàng nhằm hoàn thành mục tiêu chiến lược ban đầu đã đề ra. Ngoài ra, chuyên gia MBS kỳ vọng sức khỏe và chỉ số tài chính của ngân hàng cũng sẽ được cải thiện và nâng cao, tạo tiền đề cho tiềm năng tăng trưởng của VPBank trong giai đoạn sắp tới.
Dòng tiền từ thương vụ FEC: mảnh ghép hoàn chỉnh trong việc hiện thực hóa tầm nhìn
Vào ngày 12/8, VPBank đã tổ chức một buổi họp công bố thông tin với sự tham gia của ban lãnh đạo cấp cao của ngân hàng gặp gỡ và trao đổi cùng nhiều chuyên gia phân tích cũng như các nhà đầu tư (NĐT) trên toàn thị trường. Trong buổi họp, ban lãnh đạo ngân hàng đã chia sẻ ngân hàng sẽ bắt đầu nhận được dòng tiền từ thương vụ bán vốn FEC trong quý III.
Thực tế, do FEC là công ty con của VPBank nên trên khía cạnh báo cáo tài chính hợp nhất, chuyên gia MBS nhận định rằng khoản tiền này sẽ được bổ sung trực tiếp vào vốn chủ sở hữu của
VPB. Với cách ghi nhận này cùng với kết quả kinh doanh khả quan, vốn chủ sở hữu sau hợp nhất của VPBank sẽ dự kiến gia tăng lên mức trên 90,000 tỷ đồng. Vậy khoản tiền này ngụ ý thế nào đến giá trị cổ phiếu
VPB và trên khía cạnh tăng trưởng sẽ có những tác động nào, mang lại lợi ích gì cho VPBank trong tương lai?
Đầu tiên, với P/B (Price-to-book) trung bình của toàn ngành ngân hàng ở mức 2,2x, mức định giá hợp lý của VPBank sẽ xấp xỉ 200.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý III, giúp VPBank trở thành ngân hàng có giá trị vốn hóa lớn thứ 2 ngành ngân hàng, sau Vietcombank. Điều này cho thấy ngân hàng đã từng bước hiện thực hóa mục tiêu dài hạn của mình bằng việc gia tăng nhanh chóng vốn chủ sở hữu thông qua hoạt động kinh doanh cũng như bằng chiến lược “đại dương xanh” giúp FEC có vị thế độc tôn trong mảng cho vay tiêu dùng qua đó cho cổ đông ngân hàng có được thành quả rực rỡ hôm nay.
Thứ hai, việc gia tăng vốn chủ sở hữu cũng giúp cho hệ số an toàn vốn (CAR) của VPBank tăng lên đáng kể, đây là một trong những chỉ tiêu quan trọng nhất trong việc có được phê duyệt hạn mức hoạt động từ Ngân hàng Nhà nước, trong đó có hạn mức tín dụng - yếu tố cốt lõi cho sự tăng trưởng của VPBank trong tương lai.
Ngoài ra, nguồn vốn vững chắc là cơ sở để Ngân hàng mở rộng các cơ hội kinh doanh của phân khúc chiến lược cũng như đầu tư vào các mảng mới để hỗ trợ các hoạt động kinh doanh truyền thống như ngân hàng đầu tư (investment banking) hay quản lý tài sản (wealth management) để gia tăng giá trị cho các cổ đông.
VPBank hướng đến vị trí top 3 trên thị trường. Ảnh: VPBank
Cuối cùng, sự tham gia của SMFG vào FEC cũng được kỳ vọng sẽ thổi một làn gió mới vào hoạt động của công ty tài chính hàng đầu này. SMFG hiện là tổ chức ngân hàng lớn thứ hai về tổng tài sản và vốn hóa thị trường ở Nhật Bản. Tập đoàn là 1 trong 3 tổ chức ngân hàng lớn nhất cùng với MUFJ Financial Group và Mizuho Financial Group, thống trị thị phần hệ thống tài chính của Nhật Bản. Thực tế, với 69% dân số chưa có tài khoản ngân hàng và 10% chưa có điều kiện tiếp cận các dịch vụ tài chính cơ bản, chuyên gia MBS tin rằng, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam còn nhiều tiềm năng tăng trưởng.
Sự tham gia của SMFG được kỳ vọng FEC sẽ còn tiến xa hơn trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng màu mỡ thông qua 4 yếu tố. Thứ nhất là mô hình quản trị rủi ro tín dụng chuẩn quốc tế tích hợp công nghệ cũng như chuyển giao kinh nghiệm phát triển quy trình hoạt động và quản trị rủi ro tín dụng.
Thứ hai là sức hấp dẫn của mô hình kinh doanh sinh lời cao trong bối cảnh Nhật Bản duy trì lãi suất siêu thấp, chuyên gia MBS kỳ vọng cố đông chiến lược SMFG sẽ hỗ trợ Ngân hàng tiếp cận những khoản huy động ngoại tệ dài hạn có chi phí vốn rẻ hơn, từ sẽ giúp VPBank có nhiều phương án hơn trong việc gia tăng tỷ lệ CASA. Thứ ba là các sản phẩm tài chính mới cho tệp khách hàng hiện hữu với lịch sử tín dụng uy tín, cũng như tệp khách hàng mới đang tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam. Thứ tư là FE Credit có thể thâm nhập thị trường Trung Quốc, Hồng Kông và Thái Lan - nơi SMFG đã có hoạt động và có lượng khách hàng nhất định nếu được cổ đông lớn SMFG hỗ trợ cộng với danh tiếng của thương hiệu Promise (thương hiệu tài chính tiêu dùng của SMFG).
Dù hiện tại không còn nắm 100% FEC, chuyên gia MBS vẫn cho rằng VPBank đang nắm 50% FEC “mới” với dung lượng thị trường (“market size”) và tiềm năng tăng trưởng nhanh chóng cũng như bền vững hơn trước nhiều lần.
Xét về thanh khoản giao dịch của thị trường, mặc dù trong 4 tuần vừa qua theo diễn biến không quá bùng nổ, thanh khoản của ngân hàng đã giảm dần từ mức 30% trong một phiên giao dịch về mức 15% trong tuần trước. Tuy nhiên, trong tuần vừa qua thanh khoản của ngân hàng đã khởi sắc trở lại ở mức tỷ trọng 18,1% so với thị trường, đạt trên 4.000 tỷ đồng/phiên. Điều này phần nào cho thấy sự nhìn nhận của các nhà đầu tư cũng như thị trường về tiềm năng và giá trị của ngành ngân hàng đã được hồi phục phần nào và chuyên gia MBS kỳ vọng giao dịch của ngành ngân hàng sẽ còn khởi sắc hơn trong các tháng cuối năm.
Như vậy, với việc phục hồi thanh khoản của toàn ngành cũng như các nhận định tích cực từ nguồn vốn mới cho ngân hàng mẹ cũng như những thay đổi về chất của FEC sau sự tham gia của cổ đông chiến lược thì có thể kết luận rằng VPBank xứng đáng được nhìn nhận như một mã cổ phiếu đem lại giá trị cao cho cổ đông đồng thời có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong trung - dài hạn.