• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.243,19 +8,49/+0,69%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 1:35:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.243,19   +8,49/+0,69%  |   HNX-INDEX   222,92   +0,67/+0,30%  |   UPCOM-INDEX   91,96   +0,14/+0,16%  |   VN30   1.301,69   +9,75/+0,75%  |   HNX30   475,08   +3,34/+0,71%
26 Tháng Mười Một 2024 1:36:05 CH - Mở cửa
Cổ phiếu tăng bằng lần, hoạt động kinh doanh nhóm 'Louis' như nào?
Nguồn tin: Người đồng hành | 06/09/2021 8:43:33 SA

Từ đầu năm, Louis Holding liên tục thâu tóm các công ty niêm yết trên sàn như BII, TGG, AGM, SMT.
Cổ phiếu các đơn vị này tăng vọt sau khi Louis Houldings có động thái thâu tóm.
BII tăng giá 17 lần, TGG gấp 28 lần,  AGM cũng gấp 2,5 lần cuối năm ngoái...
Hầu hết kết quả kinh doanh của nhóm "Luois" đều tăng trưởng hơn cùng kỳ.

 
Bàn tay “Midas” của Louis Holdings khiến cổ phiếu tăng đột biến 

Tập đoàn Louis Holdings của doanh nhân Đỗ Thành Nhân gây chú ý khi liên tục thâu tóm nhiều doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán từ đầu năm. Đặc biệt, sau khi Louis Holdings “chạm tay” vào công ty nào, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp đó đều tăng đột biến. 

Doanh nghiệp đầu tiên là Louis Land, tên cũ là Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bảo Thư (HNX: BII). Ông Đỗ Thành Nhân bất ngờ mua lượng lớn cổ phần để trở thành cổ đông lớn tại Louis Land từ đầu năm. Diễn biến này đi cùng với việc cổ phiếu BII trần nhiều phiên liên tiếp, khối lượng giao dịch cũng tăng từ vài trăm nghìn lên 1-5 triệu cổ phiếu một phiên. Tháng 8 vừa qua, thông tin Louis Holdings đầu tư thêm công ty mới cũng khiến giá BII chứng kiến nhiều phiên tăng trần. Hiện thị giá ở mức 17.100 đồng/cp, tương đương tăng giá 17 lần trong gần năm qua.

Bảng so sánh Louis Land với các doanh nghiệp cùng ngành

Chuỗi tăng trần 11 phiên liên tiếp của cổ phiếu Đầu tư và Xây dựng Trường Giang (HoSE: TGG) cũng bắt đầu từ phiên 21/6 sau khi Louis Holdings mua 5,11% vốn từ ông Đỗ Thành Nhân. Cổ phiếu này tiếp tục tăng 17 phiên trong tháng 8 vừa qua, nâng thị giá lên 33.000 đồng/cp, gấp 28 lần cuối năm ngoái. Vốn hóa doanh nghiệp hiện hơn 900 tỷ đồng. Sau khi tham gia hệ sinh thái “Louis”, Xây dựng và Đầu tư Trường Giang đổi tên thành Louis Capital.

Bảng so sánh Louis Capital với các doanh nghiệp cùng ngành

Tập đoàn tiếp tục chuỗi thâu tóm khi mua hơn 51% cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex - HoSE:AGM) từ nhóm Nguyễn Kim. Ông Đỗ Thành Nhân cũng trở thành Chủ tịch doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn nhất tỉnh An Giang từ giữa tháng 7. Tương tự, biên độ dao động cổ phiếu AGM cũng ở mức cao nhất 11 phiên liên tiếp trong giai đoạn thâu tóm từ đầu tháng 5. Đến nay, thị giá gấp hơn 2,5 lần cuối năm ngoái lên 31.900 đồng/cp. 

Bảng so sánh Louis Capital với các doanh nghiệp cùng ngành
Bảng so sánh Angimex với các doanh nghiệp cùng ngành

Mới đây nhất, Louis Capital đã mua 22,8% cổ phần của Sametel (HNX: SMT) - công ty chuyên về điện và viễn thông. Ngoài ra, nhóm “Louis” có thể đón nhận thêm công ty chứng khoán thời gian tới sau khi Louis Capital thông báo kế hoạch đầu tư 200 tỷ đồng để mua cổ phần Chứng khoán APG.  

Thông tin tập đoàn tiếp tục mở rộng danh mục đã giúp cổ phiếu APG tăng trần 7 phiên liên tiếp và hiện tại đang dừng ở mức 18.000 đồng/cp. Vốn hóa công ty chứng khoán này qua đó lần đầu vượt mốc 1.000 tỷ đồng. Hay thương vụ thâu tóm Sametel cũng khiến mã cổ phiếu của công ty trần 8 phiên liên tiếp lên 16.300 đồng, tăng 55% so với cuối năm ngoái.

Giá TGG, BII, AGM... tăng đột biến từ đầu năm. Nguồn: Tradingview

Angimex, Louis Land và Louis Capital đồng loạt tăng vốn

Ngoài tăng giá cổ phiếu, các công ty sau khi có sự tham gia của Louis Holdings đồng loạt lên kế hoạch tăng vốn. Tại cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường tổ chức ngày 30/8 vừa qua, cổ đông Louis Land đã thông qua phương án phát hành tối đa 15 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương đương 26% lượng cổ phần đang lưu hành. Vốn điều lệ dự kiến tăng từ 576,8 tỷ lên 726,8 tỷ đồng.

Với giá chào bán 10.000 đồng/cp, số tiền thu về là 150 tỷ đồng. Doanh nghiệp có kế hoạch sử dụng 40 tỷ đồng để thanh toán toàn bộ khoản vay tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB); 80 tỷ đồng để nộp tiền thuê đất tại cụm công nghiệp Tân Bình 1; số tiền còn lại góp vốn vào công ty con Toccoo Việt Nam – đơn vị chuyên bán buôn gạo, lúa mỳ, ngũ cốc… để đầu tư trang thiết bị, xây sửa nhà máy.

Nguồn: Louis Land

Louis Capital cũng có kế hoạch tăng vốn gấp hơn 2 lần lên gần 573 tỷ đồng thông qua chào bán riêng lẻ tối đa 30 triệu cổ phiếu cho dưới 100 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Với giá chào bán 15.000 đồng/cp, doanh nghiệp dự kiến thu về 450 tỷ đồng. Trong đó, 200 tỷ đồng để mua cổ phần Chứng khoán APG; 100 tỷ đồng để góp vốn vào Quản lý và Khai thác tài sản Louis AMC và 150 tỷ đồng còn lại sử dụng cho mục đích đầu tư dự án du lịch nghỉ dưỡng Ao Giời Suối Tiên.

Ngoài phương án chào bán riêng lẻ, tại cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường dự kiến tổ chức ngày 6/9, Louis Capital dự kiến trình cổ đông thông qua hạn mức vay vốn 300 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của công ty. 

Nguồn: Louis Capital

Angimex cũng vừa công bố quyết định HĐQT thông qua phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ và tổ chức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản việc này. Ngày 15/9 là ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông lấy ý kiến, thời gian thực hiện lấy ý kiến từ 23/9 đến 3/10. Nội dung chi tiết chưa được công bố.

Nhóm "Louis" kinh doanh ra sao trong những năm qua?

Trước khi về tay Louis Holdings, hai mảng kinh doanh chính của Louis Land (HNX:BII) là cho thuê đất khu công nghiệp và kinh doanh vật liệu xây dựng tại tỉnh Bình Thuận. Hoạt động này mang về doanh thu hơn 100 tỷ đồng mỗi năm cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên từ năm 2016, kết quả kinh doanh sụt giảm do hoạt động cho thuê đất cụm công nghiệp có dấu hiệu chững lại, thậm chí không phát sinh nguồn thu. Việc hạn chế xuất khẩu cát trắng đã qua chế biến và chính sách không sử dụng gạch nung cũng tác động tiêu cực đến doanh thu bán vật liệu xây dựng. Đến năm 2019, đơn vị lỗ gần 100 tỷ đồng do hoạt động kinh doanh chủ lực kém khả quan, cộng thêm trích lập dự phòng các khoản phảu thu, tạm ứng… Nửa đầu năm ngoái không ghi nhận doanh thu do các nhà máy sản xuất gạch, cát tạm dừng hoạt động. 

 
Đầu năm nay, sau khi "về tay” Louis Holdings - đơn vị chuyên cung ứng gạo nội địa và xuất khẩu, Louis Land bắt đầu tái cấu trúc, lấy bất động sản công nghiệp làm nền tảng và sản xuất chế biến lương thực, nông sản làm bàn đạp. Đồng thời, đơn vị thoái vốn tại các công ty dự án chiếm dụng vốn cao và không hiệu quả để tập trung vào mảng cốt lõi

Sau khi đổi chủ, Louis Land ghi nhận doanh thu và lãi sau thuế đạt kỷ lục lần lượt 159 tỷ và gần 35 tỷ đồng. Doanh thu chủ yếu đến từ việc kinh doanh gạo, giá vốn hàng bán cao nên lãi gộp còn vỏn vẹn 5,7 tỷ đồng. Nguyên nhân chính giúp lợi nhuận nửa đầu năm nay tăng nhờ hơn 87 tỷ đồng thoái vốn góp tại 6 công ty con. Với kết quả kinh doanh bán niên, doanh nghiệp thoát lỗ lũy kết và có hơn 12 tỷ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/6. 

Về Louis Capital (HoSE: TGG), hoạt động mang lại nguồn thu chính là kinh doanh vật liệu xây dựng và thi công xây lắp công trình. Từ năm 2019, công ty có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại khi doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm phân nửa so với các năm trước đó. 

Đặc biệt, doanh thu năm ngoái chỉ khoảng 10 tỷ đồng và lợi nhuận âm gần 44 tỷ do giá vật liệu xây dựng biến động thất thường, đặc biệt giá thép xây dựng tăng mạnh nên doanh thu thương mại giảm. Ngoài ra, đơn vị không có nguồn thu từ hoạt động xây lắp và thi công công trình do một số công trình cũ chưa tiến hành nghiệm thu, cùng diễn biến phức tạp của dịch bệnh ảnh hưởng đến hoạt động xây dựng. Mảng kinh doanh chính này những năm gần đây cũng tăng trưởng chậm do tình trạng nợ đọng vốn trong xây dựng. 

Mặt khác, ngành chăn nuôi mà công ty tập trung đầu tư cũng gặp khó về giá và thị trường trong năm ngoái. Tại BCTC năm 2020, đơn vị kiểm toán nêu ý kiến nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục.

Tuy nhiên, nửa đầu năm nay, doanh thu từng bước cải thiện với kết quả gần 18 tỷ đồng, gấp 8 lần cùng kỳ. Tuy nhiên giá vốn chiếm gần hết doanh thu nên lãi gộp còn khoảng 390 triệu đồng. Nhờ hoàn nhập dự phòng gần 43 tỷ đồng nên lợi nhuận sau thuế đạt 42,6 tỷ đồng, cải thiện so với số lỗ 4 tỷ đồng cùng kỳ và gấp 21 lần kế hoạch năm. Theo đó, công ty không còn lỗ lũy kế, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối quý II là hơn 7,8 tỷ đồng.

Sau khi tham gia hệ sinh thái “Louis”, đơn vị chuyên thi công xây lắp các công trình dân dụng, cơ sở hạ tầng đã được định hướng mở rộng vào các hoạt động tư vấn, đầu tư M&A doanh nghiệp.

 
Angimex (HoSE: AGM), doanh nghiệp tập trung mảng nông nghiệp trong nhóm “Louis”, kinh doanh ổn định với doanh thu khoảng 2.000 tỷ đồng mỗi năm. Trong cơ cấu doanh thu, xuất khẩu gạo chiếm hơn 60%, tiếp đến là mảng kinh doanh gạo nội địa khoảng 20%, và còn lại là bán xe gắn máy, phụ tùng, vật tư nông nghiệp… 

Mặc dù doanh thu nghìn tỷ nhưng giá vốn hàng bán cao nên lợi nhuận thu về mỗi năm đều dưới 50 tỷ đồng. Lãi sau thuế của doanh nghiệp tăng dần từ năm 2016, song đổi chiều giảm gần nửa về 25 tỷ đồng năm ngoái do giá vốn tăng đáng kể trước ảnh hưởng của thời tiết và gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Đại dịch vẫn tiếp tục tác động đến kết quả nửa đầu năm nay, tuy nhiên Angimex cho biết sự thay đổi chủ sở hữu từ đầu tháng 6 đã giúp cho các chỉ số tài chính kịp bứt phá trong tháng cuối quý II. Cụ thể, mảng lương thực được kết hợp thế mạnh ngành gạo từ công ty mẹ Louis Holdings, Angimex đã tăng cường bán hàng xuất khẩu, ký kết các hợp đồng mới và tăng sản lượng tiêu thụ gạo nội địa. 

Lĩnh vực phân bón được đẩy mạnh xúc tiến bán hàng, khai thác các khách hàng mới trên nền tảng đối tượng khách hàng mục tiêu từ nhóm cổ đông mới của Angimex.

Kết quả, doanh thu tăng 5% lên 1.036 tỷ đồng, hoàn thành 27% kế hoạch. Trong đó, doanh thu nội địa tăng mạnh từ 686 tỷ đồng lên 905 tỷ đồng, trong khi doanh thu xuất khẩu giảm từ 303 tỷ về 131 tỷ đồng. Lãi sau thuế tăng 19% lên 14 tỷ đồng, tương đương 32% chỉ tiêu cả năm nhờ giảm chi phí lãi vay và chi phí bán hàng.

Đến cuối quý II, “vua gạo” tỉnh An Giang có hơn 144 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, bên cạnh 120 tỷ quỹ đầu tư phát triển. Dòng tiền kinh doanh âm 349 tỷ đồng do giá trị hàng tồn kho gấp 2 lần cuối năm trước và tăng các khoản phải thu. Nhờ tiền gửi ngân hàng và tiền từ hoạt động tài chính khác nên tiền và tương đương tiền vẫn dương hơn 57 tỷ đồng, nhưng giảm 48% so với cuối năm trước.

 
Về thành viên mới Sametel (HNX: SMT) – đơn vị chuyên sản xuất, kinh doanh thiết bị điện và viễn thông, doanh thu nửa đầu năm giảm 13% xuống hơn 88 tỷ đồng. Do tổng các chi phí cao hơn 16 tỷ đồng lợi nhuận gộp nên lãi sau thuế âm 4,2 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm ngoái. 

Giai đoạn 2015-2018, lợi nhuận mỗi quý duy trì từ 2 đến 5 tỷ đồng, nhưng từ 2019 đến nay công ty đã có 5 quý lỗ, trong đó có hai quý đầu năm nay. Doanh nghiệp cho biết các sản phẩm viễn thông truyền thống đã bão hòa. Lĩnh vực kinh doanh thiết bị điện năng lượng mặt trời solar nhiều đối thủ có thương hiệu và tiềm lực. Giá FIT2 làm bùng nổ thị trường solar những tháng cuối năm 2020, dẫn đến tổng công suất các nhà máy điện tăng vượt trội trong khi phụ tải truyền điện không đáp ứng kịp truyền tải làm nhu cầu đầu tư solar năm 2021 thấp. 

 
Đơn vị có thể gia nhập vào nhóm là Chứng khoán APG (HoSE: APG) đạt hơn 47 tỷ doanh thu, gấp 4 lần cùng kỳ. Trong đó, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ FVTPL gần 17 tỷ đồng, cùng kỳ không ghi nhận. Ngoài ra, lãi từ khoản vay margin và phải thu cũng đem về hơn 9 tỷ, trong khi nửa đầu năm ngoái hơn 436 triệu đồng. Doanh thu môi giới chứng khoán gần 7 tỷ, gấp 5 lần. Kết quả, lãi sau thuế gấp 7 lần, đạt gần 32 tỷ đồng, hoàn thành 57% kế hoạch.

Thảo Anh