15h00
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 10,37 điểm (0,78%) lên 1.343,98 điểm. Toàn sàn có 274 mã tăng, 134 mã giảm và 40 mã đứng giá. HNX-Index tăng 3,17 điểm (0,91%) lên 350,44 điểm. Toàn sàn có 143 mã tăng, 69 mã giảm và 139 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,47 điểm (0,5%) lên 94,83 điểm.
Giao dịch trong phiên chiều có phần chậm chạp hơn nên khiến thanh khoản cả phiên giảm so với phiên trước. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 21.579 tỷ đồng, giảm 2,9%, trong đó, giá trị khớp lệnh của sàn HoSE giảm 3% và còn 17.956 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng khơn 500 tỷ đồng ở sàn HoSE.
Diễn biến giao dịch khối ngoại sàn HoSE. Nguồn: FireAnt.
13h45
Sắc xanh đang có phần chiếm ưu thế hơn ở nhóm vốn hóa lớn và điều này giúp củng cố sắc xanh của các chỉ số. Trong đó, VN-Index tăng 6,08 điểm (0,46%) lên 1.339,69 điểm. HNX-Index tăng 2,12 điểm (0,61%) lên 349,4 điểm. UPCoM-Index tăng 0,02 điểm (0,02%) lên 94,38 điểm.
Các cổ phiếu lớn như ACV, MWG, HVN, VJC, VRE, MSN, PLX... đều đồng loạt tăng giá tốt. ACV tăng 6,7%, HVN vẫn tăng trần lên 23.950 đồng/cp, VRE tăng 3%, MSN tăng 2,5%...
11h30
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 6,3 điểm (0,47%) lên 1.339,91 điểm. Toàn sàn có 224 mã tăng, 167 mã giảm và 48 mã đứng giá. HNX-Index tăng 2,19 điểm (0,63%) lên 349,47 điểm. Toàn sàn có 103 mã tăng, 66 mã giảm và 72 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,06 điểm (0,06%) lên 94,42 điểm.
Thanh khoản thị trường cải thiện nhẹ so với phiên sáng hôm qua. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 12.372 tỷ đồng, tăng 1,7%, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE tăng 3,8% lên 10.369 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng khoảng hơn 200 tỷ đồng trên sàn HoSE.
Diễn biến giao dịch khối ngoại sàn HoSE. Nguồn: FireAnt.
11h29
Nhiều cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ thuộc nhóm xi măng, thép, vận tải biển... đồng loạt tăng giá. Trong đó, VNA tăng 11%, VOS tăng trần, HAH tăng 5,8%, TVN tăng 5,3%, HSG tăng 2,8%, TLH tăng 1,9%...
9h56
Nhóm cổ phiếu hàng không và dịch vụ hàng không đồng loạt tăng. Trong đó, HVN được kéo lên mức giá trần 23.950 đồng/cp, AST tăng 3,1% lên 50.000 đồng/cp, VJC tăng 1,8% lên 126.800 đồng/cp.
Ngày 8/9, thông tin từ Cục Hàng không cho biết cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, ông Đinh Việt Thắng vừa có văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải phê duyệt kế hoạch khai thác các đường bay thường lệ trong giai đoạn dịch bệnh.
9h32
Các cổ phiếu Midcap (vốn hóa trung bình) cũng có sự phân hóa mạnh. Các mã như DXG, REE, VSH, HSG, GMD... đều tăng giá tốt. Trong khi đó, sắc đỏ bao trùm các cổ phiếu như APH, TCH, ASM, KDC...
9h30
Sự phân hóa ở nhóm cổ phiếu lớn trong khoảng thời gian đầu phiên 9/9 vẫn diễn ra rõ nét. Trong đó, các cổ phiếu như HVN, HPG, SSI, GAS... đồng loạt tăng giá và góp phân nâng đỡ các chỉ số. Hiện tại, HVN tăng 2,2%, HPG tăng 1,6%, SSI tăng 0,9%, GAS tăng 0,9%.
Ở chiều ngược lại, sắc đỏ vẫn bao trùm lên nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn khác như VCB, KDC, MBB, TCB, SAB, VIC... nên áp lực đến các chỉ số vẫn còn lớn.
Hiện tại, VN-Index tăng 0,7 điểm (0,05%) lên 1.334,31 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 84,6 triệu cổ phiếu, trị giá 2.367 tỷ đồng. HNX-Index tăng 1,59 điểm (0,46%) lên 348,87 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 22,8 triệu cổ phiếu, trị giá 485 tỷ đồng. UPCoM-Index tăng 0,11 điểm (0,12%) lên 84,47 điểm.
Thị trường chứng khoán tiếp tục rung lắc trong phiên 9/9 và VN-Index có phiên thứ 2 giảm điểm. Thanh khoản thị trường giảm mạnh so với phiên trước. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 22.230 tỷ đồng, giảm 29,4%.
Khối ngoại giao dịch vẫn theo chiều hướng tiêu cực và bán ròng hơn 400 tỷ đồng trên toàn thị trường.
Theo Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), VN-Index có thể tiếp tục điều chỉnh với ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 1.330 điểm (MA50) và xa hơn là ngưỡng hỗ trợ tâm lý quanh 1.300 điểm.
Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng VN-Index có thể tiếp tục giằng co trong vùng 1.330 – 1.340 điểm trong phiên giao dịch kế tiếp.
Một số thông tin quốc tế đáng chú ý:
Chốt phiên 8/9, Dow Jones, Nasdaq và S&P 500 đều giảm. Dow Jones giảm 68,93 điểm, tương đương 0,2%, xuống 35.031,07 điểm. S&P 500 giảm 5,6 điểm, tương đương 0,13%, xuống 4.514,07 điểm. Nasdaq giảm 87,69 điểm, tương đương 0,57%, xuống 15.286,64 điểm.
Các thị trường chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương trái chiều trong phiên 8/9. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản giảm 0,61%. Tại Nhật Bản, Nikkei 225 tăng 0,89% còn Topix tăng 0,79%. Thị trường Trung Quốc đi xuống với Shanghai Composite giảm 0,04%, Shenzhen Component giảm 0,101%. Hang Seng của Hong Kong giảm 0,12%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,77%. ASX 200 của Australia giảm 0,24%.
Chốt phiên 8/9, giá dầu Brent, WTI đều giảm. Giá dầu Brent tương lai tăng 91 cent, tương đương 1,3%, lên 72,6 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai tăng 95 cent, tương đương 1,4%, lên 69,3 USD/thùng.