Cả doanh thu và lợi nhuận của FPT đều tăng trưởng 20% trong năm qua.
CTCP FPT vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4 năm 2021, tuy bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, công ty vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng trong năm 2021.
Doanh thu thuần của FPT trong năm 2021 đã tăng gần 20% so với năm ngoái lên mức 35.657 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận gộp chỉ tăng khoảng 16%, do đó, biên lợi nhuận gộp đã giảm từ mức 39,6% của năm 2020 xuống 38,4%.
Các khoản chi phí của doanh nghiệp cũng tăng cao trong năm 2020, cao nhất là chi phí tài chính đã tăng gấp 2 lần năm ngoái lên 1.143 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng thêm gần 1.000 tỷ tăng thêm 37% so với năm ngoái, chi phí quản lý doanh nghiệp không có nhiều biến động chỉ tăng nhẹ 1,7%.
Lợi nhuận trước thuế tăng 20% lên 6.335 tỷ đồng.
Lợi nhuận của công ty chủ yếu đến từ lợi nhuận của phần mềm xuất khẩu và viễn thông. Dịch vụ công nghệ thông tin nước ngoài đem về doanh thu 14.541 tỷ đồng, tăng 21,2%, LNTT 2.423 tỷ đồng tăng 23%, chiếm tỷ trọng 38% LNTT của Tập đoàn. Dịch vụ viễn thông đem về doanh thu 12.079 tỷ đồng tăng 11,2%, LNTT 2.119 tỷ đồng tăng 16,5% chiếm tỷ trọng 33%.
Một điểm đáng chú ý về FPT đó là trong vòng mười năm qua, lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của FPT đang trong xu hướng tăng và đặc biệt tăng mạnh từ đầu năm 2020. Tính đến hết năm 2021, lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của FPT đã tăng lên đến 26.149 tỷ đồng. Năm 2021 cũng là năm đầu tiên, doanh thu từ lãi tiền gửi của FPT vượt 1.000 tỷ đồng.
Dù gửi tiền ngân hàng nhiều nhưng FPT cũng đang đi vay khá nhiều, trong năm 2021 chi phí lãi vay của công ty đã tăng hơn 25% từ 385 tỷ lên 482 tỷ đồng. Trong năm qua, công ty đã phát sinh thêm 5.815 tỷ đồng nợ dài hạn tăng 50%, 1.538 tỷ đồng nợ ngắn hạn tăng 131% so với năm ngoái. Tính tổng lại công ty đã phát sinh thêm khoản nợ trị giá 7.353 tỷ đồng trong năm tăng hơn 57%, tổng giá trị tiền nợ của FPT vượt mốc 20 nghìn tỷ lên 20.090 tỷ đồng.