Sinh năm 1962 (Nhâm Dần), mùa Xuân này doanh nhân Đỗ Quang Hiển (còn được gọi thân mật là bầu Hiển) vừa tròn một hoa giáp.
Ở tuổi này, nhiều người đã tính chuyện nghỉ ngơi, nhưng với bầu Hiển, nhiệt huyết cống hiến trong sự nghiệp kinh doanh vẫn chưa hề vơi cạn. Và quan trọng như tính cách của người tuổi Hổ, làm gì cũng phải tính toán kỹ càng, có lộ trình và khi thực hiện phải nhanh.
Ngoài những thành công lớn trong nhiều lĩnh vực như ngân hàng, cơ khí, công nghiệp, nông nghiệp, thời gian gần đây, Bầu Hiển và Tập đoàn T&T Group đang nổi lên như một “ông lớn” trong lĩnh vực năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, điện khí với hàng loạt dự án đã đi vào hoạt động và đang triển khai trên khắp mọi miền tổ quốc.
Hiện thực hóa những ấp ủ
Có thể nói, những ấp ủ của Bầu Hiển trong việc khai mở nhiều lĩnh vực, trong đó có năng lượng tái tạo đã trở thành hiện thực.
Nói hiện thực hóa những ấp ủ là bởi với lĩnh vực này, như tâm sự của bầu Hiển thì ông đã có sự quan tâm khá kỹ từ hơn 15 năm trước – thời điểm mà VN chủ yếu tập trung vào thủy điện và điện than, trong khi các nước phát triển lại tập trung phát triển năng lượng tái tạo.
“Tôi luôn đau đáu, ấp ủ và tìm hiểu vấn đề này và dự báo ở Việt Nam cũng theo xu hướng này, nên đã nghiên cứu và đặt vấn đề hợp tác với một số đối tác để phát triển năng lượng tái tạo (NLTT)”. Bầu Hiển nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Hiển cũng hiểu rằng việc này cần có lộ trình, chuẩn bị thật kỹ, bởi nếu làm sớm quá thì giá điện mặt trời, điện gió rất cao, chưa phù hợp với mức thu nhập của đại đa số người dân Việt Nam. Vì thế, Tập đoàn T&T đã có nghiên cứu, tìm hiểu, hợp tác với một số đối tác, đồng thời hoạch định chiến lược phù hợp với chủ trương, chính sách của chính phủ khi mở rộng quy hoạch NLTT, kịp thời đăng ký tham gia và đầu tư.
Chính nhờ sự chuẩn bị kỹ nên khi bắt tay vào thực hiện rất nhanh, rất quyết liệt. Kết quả là đến nay Tập đoàn T&T đã đầu tư vào các dự án điện mặt trời, điện gió trên bờ với công suất gần 2.000 MW, trong đó đã hòa lưới điện quốc gia được xấp xỉ 1.000 MW (Cũng lưu ý là Thủy điện Hòa Bình có công suất 2400 MW).
Đặc biệt, thời gian gần đây, T&T Group công bố hợp tác với nhiều đối tác lớn về năng lượng tái tạo trên thế giới. Với điện gió trên bờ, T&T lựa chọn bắt tay với Tập đoàn Total của Pháp; trong khi điện gió ngoài khơi là sự hợp tác cùng Tập đoàn Orsted của Đan Mạch.
Vừa qua, trong khuôn khổ Hội nghị COP 26 tại Vương quốc Anh, Ngân hàng Standard Chartered – một định chế tài chính lớn của châu Âu đã cam kết tài trợ 8 tỷ USD cho phát triển bền vững ở Việt Nam. Bầu Hiển tiết lộ, riêng với Tập đoàn T&T, ngân hàng này dành ra 6 tỷ USD cho các dự án năng lượng và môi trường xanh.
Hợp tác trên cơ sở bền vững
Khi được hỏi lý do vì sao các “ông lớn” năng lượng thế giới lại chọn T&T làm đối tác, doanh nhân Đỗ Quang Hiển cho biết, so với các DN trên thế giới thì tuổi đời của T&T chưa nhiều, nhưng so với các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam thì T&T cũng nằm trong nhóm những công ty được thành lập sớm nhất (năm 1993) - nghĩa là kinh nghiệm ở thị trường nội địa có bề dày rất lớn. Thứ hai, khi các tập đoàn nước ngoài tìm đối tác trong nước, họ rất quan tâm quá trình phát triển, trong đó đặc biệt chú ý đến tính cộng đồng, xã hội của DN.
“Cái này tôi nghĩ cũng là một thế mạnh của T&T Group” – bầu Hiển nói. Tuy nhiên, những cuộc “hôn nhân” này ban đầu cũng không dễ dàng, bởi theo bầu Hiển, khi hợp tác với đối tác nước ngoài, T&T Group luôn đề nghị điều kiện phải chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực cho phía Việt Nam, để trong thời gian nhất định chúng ta tự chủ được về công nghệ, quản trị.
“Quan điểm của tôi là các đối tác nước ngoài khi vào Việt Nam không thể chỉ đầu tư kiếm lợi nhuận rồi rút đi, bởi như thế đất nước ta cuối cùng không tiếp cận được công nghệ, con người không được đào tạo. Tôi nói thẳng quan điểm này với đối tác, ban đầu họ không thích bởi có phần bị ép, nhưng sau đó thì rất trân trọng” – bầu Hiển kể lại.
Về giá trị cốt lõi mà một DN mang lại cho cộng đồng, doanh nhân Đỗ Quang Hiển cho rằng, đầu tư, làm ăn mà chỉ nghĩ đến tiền thì rất khó để thành công, tạo dựng được giá trị bền vững cho công ty. Khi chúng ta làm được sản phẩm, dịch vụ có giá trị và chất lượng cao; bảo vệ được môi trường, góp phần tăng trưởng xanh và bền vững thì lợi nhuận cũng sẽ tự tìm đến. Để làm được điều đó tất nhiên phải có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm.
Song điều quan trọng nhất hiện nay là phải dựa vào công nghệ, chuyển đổi số bên cạnh đó là đào tạo nguồn nhân lực cao.
Người ta nói hổ là biểu tượng của sự khí phách, mạnh mẽ. Con người bầu Hiển cũng như bản mệnh vốn thẳng thắn, quyết liệt, và luôn nỗ lực không ngừng cho khát vọng làm một cái gì đó thực sự tạo ra được giá trị bền vững cho xã hội, cho đất nước.