• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,11 +6,75/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,11   +6,75/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,48   +1,64/+0,74%  |   UPCOM-INDEX   93,11   +0,69/+0,75%  |   VN30   1.313,48   +10,23/+0,78%  |   HNX30   462,19   +6,15/+1,35%
19 Tháng Giêng 2025 9:18:46 CH - Mở cửa
HTP: Chuyển động ngầm tại In SGK Hòa Phát
Nguồn tin: Nhà đầu tư | 04/01/2022 8:20:00 SA
Thương vụ M&A Hưng Vượng Developer đã phần nào hé lộ tiềm lực chủ mới của In SKG Hòa Phát, với dấu ấn đậm nét của doanh nhân 9X Lại Minh Hậu.
 
 
CTCP In Sách Giáo Khoa Hòa Phát tiền thân là Xí nghiệp In Sách Giáo khoa Hòa Phát được thành lập từ năm 1996. Doanh nghiệp chính thức cổ phần hóa năm 2004 và sau đó được chấp thuận niêm yết lên sàn HNX vào tháng 11/2006 với mã là HTP.
 
Với quy mô vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn vài chục tỷ đồng, thêm vào đó cổ phiếu khó giao dịch, gần như “chết” thanh khoản, HTP trong thời gian dài không thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Dù vậy, từ đầu năm 2021, mã này bất ngờ “hồi sinh” với khối lượng giao dịch đều đặn dao động từ vài nghìn đến vài trăm ngàn đơn vị. Đi kèm với đó là đà tăng đột biến lên 40.900 đồng/CP chốt phiên 31/21/2021, tương đương tăng gần 4,1 lần so với hồi đầu năm.
 
Để lý giải diễn biến này, phải ngược về thời điểm doanh nghiệp này hoàn tất chào bán riêng lẻ 90 triệu cổ phần để tăng vốn lên 916 tỷ đồng (đầu năm 2021). Cơ cấu cổ đông cũng được thay máu với các cá nhân gồm: Trịnh Ngọc Khánh (4,8%), Hồng Bảo Ngân (4,8%), Trương Hiền Vũ (4,8%), Nguyễn Thu Thảo (4,8%), Mai Lê Hồng Sương (24,44%), Võ Mỹ Tiên (27,28%), Nguyễn Thị Kim Hiếu (27,28%). Trước đó, hồi đầu năm 2020, công ty cũng có tân Chủ tịch HĐQT là ông Lê Quốc Kỳ Quang (SN 1980).
 
Với số tiền huy động được, cùng nguồn vốn tự có, HTP đã chi 902 tỷ đồng để mua 62,75% vốn Hưng Vượng Developer từ các cổ đông hiện hữu (tương ứng giá mua trung bình 11.900 đồng/CP), đồng nghĩa gián tiếp là công ty mẹ CTCP Thương mại và Dịch vụ Danh Việt – chủ dự án Lạc Việt Resort (tỉnh Bình Thuận). Theo tìm hiểu, dự án có quy mô 73ha, tổng mức đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng. 
 
Thương vụ này đã phần nào hé lộ về những ông chủ thực sự đứng sau HTP.
 
Bóng doanh nhân Lại Minh Hậu tại HTP
 
Trước khi về tay HTP, 3 cổ đông góp vốn tại Danh Việt là ông Lại Minh Hậu, Ngô Võ Thanh Hằng, Võ Văn Đài. Tuy nhiên, dù HTP đã là công ty mẹ Danh Việt, song các vị trí cấp cao như Người đại diện theo pháp luật, Chủ tịch HĐQT đơn vị này vẫn do ông Lại Minh Hậu (SN 1990) nắm giữ, trong khi cựu Chủ tịch HĐQT HTP ông Lê Quốc Kỳ Quang là Tổng giám đốc.
 
Tương tự, ở CTCP Hưng Vượng Developer, ông Quang cũng là Tổng giám đốc, còn ông Duong Hai Ngoc (SN 1983) đóng vai trò Chủ tịch HĐQT, Người đại diện theo pháp luật.
 
Đáng chú ý, không chỉ Danh Việt, 2 doanh nhân 8X và 9X đời đầu còn gắn bó tại nhiều doanh nghiệp, thường có họ là “HQ”.   
 
Cụ thể, ông Quang hiện là Người đại diện theo pháp luật, Giám đốc tại CTCP Đồng Nai HQ Investment. Đây là công ty mới thành lập vào tháng 1/2020 với cơ cấu cổ đông gồm: Công ty TNHH Uy Nghi Investment (40%), Công ty TNHH Eco United Holdings (34%), Lương Văn Quang (26%). Theo tìm hiểu, ông Lại Minh Hậu là Người đại diện theo pháp luật, Tổng giám đốc, cổ đông góp 10% vốn Uy Nghi Investment.
 
Tương tự, CTCP HQ Investment Group (thành lập tháng 4/2020) cũng có cơ cấu cổ đông như Đồng Nai HQ Investment.
 
Tại Công ty TNHH Eco United Holdings (thành lập vào tháng 4/2019), cơ cấu cổ đông gồm: Trương Thị Lan (36%), Trần Ngọc Đính (32%) và ông Lê Quốc Kỳ Quang (32%).
 
Dù ông Hậu không trực tiếp tham gia điều hành hay góp cổ phần tại Eco United Holdings, song các cá nhân Trương Thị Lan, Trần Ngọc Đính đều ít nhiều có mối liên hệ với doanh nhân này từ CTCP DRH Holdings (HOSE: DRH).
 
Theo tìm hiểu, bà Trương Thị Lan là mẹ ông Duong Hai Ngoc – Chủ tịch HĐQT Hưng Vượng Developer như đề cập. Ngoài ra, ông Ngoc cũng có thời gian dài công tác tại DRH.
 
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Đính từng sở hữu 3,2 triệu cổ phiếu DRH và là Phó Chủ tịch HĐQT DRH  trong giai đoạn tháng 3/2016-6/2020.
 
Liên quan tới DRH, ông Lại Minh Hậu chính là cá nhân chuyển nhượng dự án Khu căn hộ cao cấp tại số 277 Bến Bình Đông, phường 14, quận 8, TP.HCM cho DRH. Khu đất có diện tích 5.465,4 m2, vốn đầu tư dự kiến 576 tỷ đồng.
 
Hay hồi tháng 4/2016, cũng xuất hiện 1 cá nhân tên Lại Minh Hậu nằm trong danh sách các nhà đầu tư tham gia mua cổ phiếu chào bán riêng lẻ của DRH.
 
Ngoài ông Lê Quốc Kỳ Quang, doanh nhân 9X Lại Minh Hậu còn cùng bà Võ Diệp Cẩm Vân sáng lập 1 doanh nghiệp họ “HV” là Công ty TNHH HV Investment với tỷ lệ lần lượt là 20:80; Công ty TNHH Uy Nghi Investment với tỷ lệ là 10:90. Như đã biết, bà Cẩm Vân là ái nữ cựu Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HOSE: TTF) – ông Võ Trường Thành.
 
Ở một chi tiết đáng chú ý, vào năm 2021, ông Hậu còn góp 30% vốn thành lập CTCP Hưng Vượng Cần Đuốc cùng bà Đinh Thị Hoài Thương (10%) và Trương Hiền Vũ (60%) - cổ đông nắm 4,8% vốn tại HTP như đề cập.
 
Bà Nguyễn Thu Thảo - cổ đông HTP cũng là thể nhân góp 0,2% vốn vào Công ty TNHH Xây dựng Hưng Phát (tính đến tháng 8/2020). Hồi tháng tháng 12/2020, XD Hưng Phát huy động thành công 260 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 1 năm, với bên bảo lãnh chính là Hưng Vượng Developer.
 
Ngoài ra, như từng đề cập, CTCP United Holdings thành lập tháng 6/2016, cơ cấu cổ đông sáng lập gồm: Trần Ngọc Đính (33,334%), Võ Diệp Cẩm Vân (33,334%), Phan Tấn Đạt (33,334%). Dù vậy các cá nhân này hiện đã thoái hết vốn khỏi công ty.
 
Bên cạnh các đơn vị kể trên, bà Võ Diệp Cẩm Vân còn góp 48% vốn tại Công ty TNHH HQ Holdings (thành lập vào tháng 12/2021) cùng ông Đàm Mạnh Cường (5%), Lê Quốc Kỳ Quang (16%), Lương Văn Quang (16%), Phạm Duy (5%), Phạm Văn Huy (5%), Nguyễn Lâm Tùng (5%).
 
2 cổ đông HQ Holdings - Phạm Duy và Phạm Văn Huy được biết đến lần lượt là tân Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc HTP kể từ ngày 23/12/2021. Ở chiều ngược lại, ông Lê Quốc Kỳ Quang đã không còn là Chủ tịch HĐQT công ty từ tháng 12/2021.
 
Hệ sinh thái của giới chủ HTP không dừng lại ở đó. Dữ liệu Nhadautu.vn cho thấy, nhiều thể nhân trong “Group” kể trên nắm các chức vụ cấp cao tại CTCP Vận tải Đa Phương Thức Duyên Hải (HOSE: TCO).
 
Cụ thể, ông Đàm Mạnh Cường – cổ đông sáng lập HQ Holdings, là Người đại diện theo pháp luật tại CTCP Vận tải Đa Phương Thức Duyên Hải (HOSE: TCO).
 
Ngoài ra, ông Trần Hoàng Anh Tuấn – cựu Thành viên HĐQT HTP (miễn nhiệm từ tháng 11/2021), là Thành viên HĐQT TCO. Đáng chú ý, ông Tuấn và CTCP HQ Investment Group – pháp nhân thuộc nhóm “HQ”, là 2 nhà đầu tư duy nhất nằm trong danh sách TCO chào bán riêng lẻ cổ phiếu với số lượng lần lượt là 15,6 triệu cổ phiếu và 386.540 cổ phiếu. 
 
Hay, tân Tổng giám đốc HTP – ông Phạm Văn Huy, từng là Phó Tổng Giám đốc TCO từ tháng 3/2021 đến tháng 12/2021.
 
Về phía TCO, doanh nghiệp này trong năm 2021 đã chi 19,9 tỷ đồng để mua cổ phiếu DGT của CTCP Công trình Giao thông Đồng Nai và 11,1 tỷ đồng mua cổ phiếu HTP của CTCP In sách giáo khoa Hoà Phát.
 
Ông Lại Minh Hậu cũng là cổ đông sở hữu 600.000 cổ phiếu DGT (tỷ lệ 9,26%). Sát cánh cùng ông Hậu là bà Đinh Thị Hoài Thương – cổ đông Hưng Vượng Cần Đuốc, khi cùng nắm 600.000 cổ phiếu DGT (tỷ lệ 9,26%).
 
Sự hiện diện của TPS tại TCO
 
Bên cạnh vai trò Người đại diện theo pháp luật tại TCO, ông Đàm Mạnh Cường hiện còn đứng tên tại CTCP Chứng khoán Tiên Phong – chi nhánh Hà Nội.
 
Ngoài ông Cường, bà Nguyễn Thị Minh Hạnh (SN 1990) – thành viên HĐQT độc lập TCO, cũng từng có thời gian đảm nhiệm vai trò Trưởng bộ phận Quản lý giao dịch trái phiếu của CTCP Chứng khoán Tiên Phong, và sau đó chuyển sang làm giám đốc đầu tư của CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (Việt Cát) kể từ tháng 3/2021.
 
Việt Cát có kế hoạch đổi tên thành Công ty Quản lý quỹ Tiên Phong (TPFM), đồng thời chuyển trụ sở chính về toà nhà Doji Tower ở số 5 đường Lê Duẩn (Hà Nội).
 
Phép tính của giới chủ HTP
 
Với việc M&A thành công Hưng Vượng Developer, giới chủ nhóm HQ, HV đã đưa các tài sản của mình lên sàn chứng khoán dưới pháp nhân HTP (hay có thể nói ngắn gọn là nghiệp vụ “niêm yết cửa sau”).
 
Thời gian tới, HTP sẽ tiếp tục huy động hơn 1.512 tỷ đồng thông qua chào bán cổ phiếu ra công chúng (918 tỷ đồng), chào bán cổ phiếu riêng lẻ (570,7 tỷ đồng) và ESOP (23,3 tỷ đồng).
 
Không ngạc nhiên khi các cổ đông trong danh sách phát hành riêng lẻ là những nhà đầu tư “quen mặt” như: Thành viên HĐQT HTP từ ngày 22/12/2021, bà Vũ Lã Ngọc Hân, vợ ông Lê Quốc Kỳ Quang, cựu Chủ tịch HĐQT HTP; ông Trần Thứ Khiêm – Tổng giám đốc, Người đại diện theo pháp luật CTCP In Sách Hòa Phát – công ty con HTP nắm 52% vốn, và ông Phạm Duy – tân Chủ tịch HĐQT HTP.
 
 
Danh sách các nhà đầu tư tham gia mua cổ phiếu phát hành riêng lẻ của HTP.
 
HTP cho biết nguồn tiền huy động được sẽ dùng để mua 152,2 triệu cổ phần chào bán của Hưng Vượng Developer với giá 10.000 đồng/CP. Lưu ý rằng, các cổ đông hiện hữu tại Hưng Vượng Developer sẽ không tham gia vào đợt chào bán này.
 
Nguồn tiền Hưng Vượng Developer thu về dự kiến dùng để mua 99% cổ phần CTCP Cổ kim Mỹ Nghệ (872 tỷ đồng); góp vốn hợp tác đầu tư cùng Công ty TNHH Du lịch Tazon phát triển dự án Khu du lịch Tazon (411,3 tỷ đồng), góp vốn hợp tác đầu tư cùng Công ty TNHH Tây Sơn Long phát triển dự án Khu du lịch Tây Sơn Long Hải (215,4 tỷ đồng) và bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh (23,32 tỷ đồng).
 
Với thị giá 40.900 đồng/CP chốt phiên 31/12/2021, vốn hóa HTP hiện đạt khoảng 3.755 tỷ đồng.
 
Ngoài Hưng Vượng Developer, HTP (thông qua Danh Việt) đang có khoản hợp tác đầu tư với CTCP Thương mại Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bách Khoa Việt thực hiện dự án Nhà máy pha chế xăng nhiên liệu sinh học E5 với quy mô 12-15 triệu lít/năm và kho chứa xăng dầu với sức chứa 155.000m3, tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng tại KCN hậu cần Cảng Tam Hiệp. Trong giá trị đầu tư 530 tỷ đồng của công ty, có 385 tỷ đồng là nhận ủy thác đầu tư hộ cá nhân ông Lại Minh Hậu.
 
Hồi tháng 5/2020, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam đã thông báo bán khoản nợ có tài sản đảm bảo của Bách Khoa Việt để xử lý thu hồi nợ vay. Theo đó, tổng dư nợ của công ty này tại VietinBank Ngô Quyền đến ngày 13/5/2020 là 541 tỷ đồng (trong đó nợ gốc là 468 tỷ đồng) và 16 triệu USD (tương đương với khoảng 375 tỷ đồng).
 
Bên cạnh đó, HTP còn sở hữu lô đất 157 Tôn Đức Thắng, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, (TP. Đà Nẵng), diện tích 3.242,5m2. Tại ĐHĐCĐ bất thường ngày 15/1/2020, các cổ đông thông qua việc chuyển đổi nguồn gốc đất tại dự án kể trên thành đất thuê 50 năm trả tiền một lần (theo chủ trương của tỉnh), phục vụ hoạt động kinh doanh lâu dài của công ty.