• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.246,15 -3,40/-0,27%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 1:15:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.246,15   -3,40/-0,27%  |   HNX-INDEX   221,86   +0,17/+0,08%  |   UPCOM-INDEX   92,64   -0,16/-0,17%  |   VN30   1.314,95   -2,00/-0,15%  |   HNX30   461,32   +1,07/+0,23%
21 Tháng Giêng 2025 1:17:33 CH - Mở cửa
Mệt mỏi vì Covid, người Mỹ càng chi tiêu nhiều hơn
Nguồn tin: VnEconomy | 08/01/2022 9:05:00 SA
Tiêu dùng của người Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục ở mức cao trong năm 2022, mặc cho sự hoành hành của biến chủng Omicron...
 
Biến chủng Omicron của Covid-19 có thể gây trở ngại cho thị trường lao động, gây áp lực lên hệ thống y tế, cản trở đi lại và các sự kiện trực tiếp, nhưng khó có thể cản trở người Mỹ chi tiêu. Thậm chí, người Mỹ có thể mua sắm nhiều hơn khi không thể đi du lịch – trang CNN Business dẫn một báo cáo của ngân hàng Wells Fargo cho hay.
 
Theo báo cáo trên, tiêu dùng của người Mỹ sẽ tiếp tục ở mức cao trong năm 2022, mặc cho sự hoành hành của Omicron và tốc độ lạm phát cao chưa từng thấy đối với đại đa số người dân nước này.
 
Lý do để Wells Fargo đưa ra triển vọng lạc quan như vậy là người tiêu dùng Mỹ ngày càng trở nên mệt mỏi và chán nản với sự kéo dài của đại dịch, nên muốn chi tiêu nhiều hơn để cảm thấy thoải mái hơn. Khi Covid-19 bước sang năm thứ ba, người dân nước này không còn muốn phải quay lại với những biện pháp hạn chế gia tăng, nhất là sau khi họ đã được hưởng một “bình thường mới” trong năm 2021 nhờ sự sẵn có của vaccine và ngành dịch vụ mở cửa trở lại – theo các chuyên gia kinh tế của Wells Fargo.
 
“Sự mệt mỏi vì Covid là có thật”, chuyên gia Tim Quinlan của Wells Fargo nói với CNN Business. “Và nhất là bởi đánh giá cho rằng biến chủng Omicron không nguy hiểm bằng các biến chủng trước, tôi không cho rằng làn sóng lây nhiễm hiện nay sẽ khiến người tiêu dùng Mỹ phải thay đổi hành vi”.
 
Ông Quinlan nói rằng người tiêu dùng Mỹ đang trở nên ngày càng ít nhạy cảm với mỗi làn sóng bệnh dịch mới, và sự miễn dịch gia tăng – nhờ tỷ lệ tiêm chủng tăng và mũi tiêm nhắc lại – cũng giữ một vai trò quan trọng trong việc khuyến khích người Mỹ chi tiêu. Trong tháng 12/2021, một chỉ số của Wells Fargo cho thấy niềm tin người tiêu dùng và chi tiêu thẻ tín dụng ở Mỹ đều tăng so với tháng trước, mặc cho số ca nhiễm mới Covid hàng ngày tăng chóng mặt.
 
Trong tháng 11, tiêu dùng của người Mỹ tăng 104,7 tỷ USD so với tháng trước, tương đương tăng 0,6% – theo dữ liệu chính thức được công bố vào cuối tháng 12.
 
Tương tự, dữ liệu của công ty tư vấn McKinsey & Company cũng cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ và mức chi tiêu của họ tăng lên. Một báo cáo công bố vào tháng trước của công ty này cho thấy các xu hướng chi tiêu, hoạt động mua sắm trực tiếp, niềm tin vào sự phục hồi kinh tế sau đại dịch, và các trải nghiệm phương sắm đa kênh đều tăng kể từ tháng 3/2021.
 
“Tôi cho rằng chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến mức chi tiêu gia tăng cho cả thực phẩm và các mặt hàng ngoài thực phẩm, vì người tiêu dùng vẫn chưa thể thoải mái đi du lịch – lựa chọn số 1 trong các chi tiêu không thiết yếu của họ”, chuyên gia cấp cao Jessica Moulton của McKinsey phát biểu.
 
“Người tiêu dùng đang ngày càng trở nên tự tin hơn và khả năng của họ trong việc quản lý các thách thức về sức khỏe do đại dịch gây ra”, bà Moulton nói. “Dần dần, họ sẽ cảm thấy thoải mái hơn”.
 
Tuy nhiên, ông Quinlan nhấn mạnh việc dự báo có thể không chính xác, nhất là trong “giai đoạn khó đoán định” hiện nay. Ông cho rằng tâm lý thận trọng vẫn còn lớn và “tôi không nghĩ ai cũng chủ quan về những rủi ro”. Dù vậy, Omicron có vẻ như không đặt ra trở ngại lớn đối với nền kinh tế Mỹ nói chung và hoạt động tiêu dùng nói riêng như làn sóng biến chủng Delta vào mùa hè năm ngoái – vị chuyên gia nói.
 
“Nếu có một thứ gì đó đáng ngại hơn Omicron, thì tôi nghĩ đó chính là lạm phát”, ông Quinlan phát biểu.
 
Theo số liệu gần nhất của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 11 tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất 39 năm. Lạm phát leo thang đã buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải đẩy nhanh thắt chặt chính sách tiền tệ để ứng phó.