• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,11 +6,75/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,11   +6,75/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,48   +1,64/+0,74%  |   UPCOM-INDEX   93,11   +0,69/+0,75%  |   VN30   1.313,48   +10,23/+0,78%  |   HNX30   462,19   +6,15/+1,35%
19 Tháng Giêng 2025 11:13:35 CH - Mở cửa
Khó khăn xuất hiện, vẫn tự tin xuất siêu trong năm 2022
Nguồn tin: Báo Hải quan | 12/10/2022 9:10:00 CH
Dù đối mặt không ít thách thức trong những tháng cuối năm, đặc biệt là tình trạng lạm phát tăng cao, thiếu đơn hàng XK ở nhiều ngành hàng chủ lực, song dự báo cả năm 2022, tổng kim ngạch XNK sẽ đạt trên 700 tỷ USD và Việt Nam vẫn duy trì trạng thái xuất siêu.
 
 
Lạm phát tăng cao ở hầu hết các quốc gia là khó khăn, nổi cộm với XK hàng hóa những tháng cuối năm. Ảnh: T.Bình
 
Đơn hàng của một số ngành hàng suy giảm
 
Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 9 tháng năm 2022, tổng kim ngạch XNK hàng hóa vượt mốc 500 tỷ USD, ước đạt 558,52 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 24,9%). Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng năm 2022 ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,44 tỷ USD). Cụ thể, về mặt XK, trị giá XK 9 tháng qua ước đạt 282,52 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.
 
Ở góc độ ngành hàng XK, theo Bộ Công Thương, 9 tháng năm 2022, nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn là động lực trong tăng trưởng XK chung của cả nước với kim ngạch ước đạt 243 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 86% trong tổng kim ngạch XK.
 
Vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng XK trong 9 tháng qua, song tình hình những tháng cuối năm được dự báo đối mặt không ít thách thức. Đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh: “Lạm phát tăng cao ở hầu hết các quốc gia, là các thị trường lớn của Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu, gây sụt giảm nhu cầu hàng hoá NK từ các nước. Thị trường XK đối mặt với thách thức bị thu hẹp khi kinh tế Mỹ và nhiều nước có nguy cơ rơi vào suy thoái, làm gia tăng áp lực lên nguồn thu ngoại tệ, cán cân thanh toán quốc tế.... Những yếu tố này dẫn tới nhiều hệ lụy cho tăng trưởng kinh tế và hoạt động XNK trong nước do nền kinh tế nước ta có độ mở lớn”.
 
Từ góc độ DN, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) chia sẻ: từ tháng 7 đến nay, đơn hàng XK của các mặt hàng thủ công mỹ nghệ bắt đầu suy giảm. Hiện tượng suy giảm này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khi hầu hết các thị trường lớn của ngành đã có dấu hiệu suy thoái.
 
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Việt Nam thông tin thêm: XK đồ gỗ nội thất đang sụt giảm rất mạnh, đặc biệt là tại 2 thị trường chiếm khoảng trên 70% kim ngạch XK đồ gỗ của Việt Nam là Mỹ và EU. “Bởi vậy dự kiến năm nay, XK gỗ và các sản phẩm từ chỉ có thể đạt từ 16 - 16,5 tỷ USD”, ông Lập nói.
 
Tương tự, theo bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), tỷ lệ lạm phát cao tại nhiều quốc gia trên thế giới đang ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng. Trước đây, thị trường Mỹ luôn ổn định và có sự tăng trưởng kim ngạch XK hàng năm, nhưng hiện nay người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu, tận dụng tối đa sản phẩm tái chế. Việc đưa các sản phẩm ra thị trường nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn hoặc có đơn hàng XK nhưng giá trị cũng sụt giảm mạnh.
 
Bên cạnh gỗ, hồ tiêu, dệt may cũng là ngành hàng đối mặt với khó khăn chất chồng trong những tháng cuối năm. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM chia sẻ: các DN ngành dệt may đang rất khó khăn do đơn hàng sụt giảm. Trong tháng 8, nhiều DN còn đơn hàng tồn để XK nhưng sang tháng 9, tháng 10, lượng đơn hàng giảm rất nhiều. Do đó, mục tiêu của năm sẽ rất khó hoàn thành.
 
Xuất khẩu tăng, GDP cũng tăng theo
 
Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng GDP của năm nay. Theo đó, phương án thấp là cả năm 2022 tăng trưởng GDP đạt 7,5%. Phương án cao, dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP cả năm khoảng 8%. Muốn vậy, tăng trưởng GDP quý cuối năm này phải đạt từ 7,5-8%. Với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, tăng trưởng XK được nhìn nhận là một trong những “chân kiềng” quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế nói chung. Như Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu: “XK luôn là một biến số rất quan trọng trong GDP nên khi XK tăng thì GDP cũng tăng theo”.
 
Nhìn nhận về triển vọng XK những tháng còn lại của năm, bên cạnh các yếu tố bất lợi cho hoạt động XNK, Bộ Công Thương cho rằng cũng vẫn có một số yếu tố thuận lợi tác động tích cực tới XK hàng hóa trong quý cuối năm. Nhu cầu tiêu dùng của thị trường thế giới sẽ tăng trong dịp cuối năm. Việc các nước EU cắt giảm sản xuất đối với một số mặt hàng công nghiệp nặng, hóa chất, phân bón, thép... (do chi phí năng lượng tăng cao) và nhiều nước hạn chế XK lương thực để ổn định trong nước là cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh XK các mặt hàng này.
 
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục Trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, nhiều khả năng tổng kim ngạch XNK cả năm 2022 sẽ đạt trên 700 tỷ USD, vượt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đã đặt ra là tăng 7-8%. Cán cân thương mại có thể duy trì xuất siêu. Tuy nhiên, kết quả này có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố tác động, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi những thách thức, rủi ro vẫn còn. Đặc biệt, xung đột giữa Nga và Ukraine chưa chấm dứt có thể làm đứt gãy chuỗi cung ứng và việc suy thoái của một số thị trường cũng ảnh hưởng đến nhu cầu, tác động đến hoạt động NK hàng hóa của Việt Nam vào các thị trường này.
 
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, các nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, cộng đồng chung châu Âu, Trung Quốc là những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam đang chịu áp lực của lạm phát cao. Người dân phải cắt giảm chi tiêu và thay đổi cơ cấu tiêu dùng, kinh tế có nhiều dấu hiệu rơi vào suy thoái làm giảm tổng cầu. Điều này sẽ ảnh hưởng đến kim ngạch XK hàng hoá Việt Nam. Để vượt qua các yếu tố cản trở tăng trưởng XK, Chính phủ, các bộ, ngành cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo môi trường vĩ mô thuận lợi cho hoạt động XNK hàng hoá, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong XNK. Đặc biệt, cần nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và sản phẩm XK.
 
“Bộ Công Thương phải dự báo thị trường kịp thời, chính xác; tăng cường hoạt động thông tin, truyền thông về XNK; hỗ trợ các tập đoàn, DN, đặc biệt các DN XNK để đa dạng thị trường; đồng thời, tận dụng hiệu quả hơn những lợi thế do các Hiệp định thương mại tự do mang lại”, ông Nguyễn Bích Lâm nói.
 
Nhấn mạnh vào giải pháp tháo gỡ khó khăn cho XK hàng hóa, ông Trần Thanh Hải nêu rõ: “Các cơ quan quản lý nhà nước vẫn đang tích cực vào cuộc hỗ trợ cho các DN XK trong các ngành hàng; ví dụ, tháo gỡ khó khăn cho XK nông sản qua biên giới Trung Quốc, mở cửa thị trường... Bên cạnh đó, về các mặt hàng công nghiệp, trước tác động của đứt gãy chuỗi cung ứng, gia tăng chi phí logistics…, Bộ Công Thương đã chỉ đạo hệ thống các cơ quan thương vụ vào cuộc hỗ trợ DN thông qua việc tích cực tìm kiếm thêm đối tác, bạn hàng mới để giúp DN có thể tận dụng tốt các FTA đã ký kết”.