• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,11 +6,75/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,11   +6,75/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,48   +1,64/+0,74%  |   UPCOM-INDEX   93,11   +0,69/+0,75%  |   VN30   1.313,48   +10,23/+0,78%  |   HNX30   462,19   +6,15/+1,35%
20 Tháng Giêng 2025 2:05:10 SA - Mở cửa
Thách thức từ thị trường xuất khẩu gỗ chủ lực
Nguồn tin: VTV News | 14/10/2022 3:45:00 CH
Việc xuất khẩu đồ gỗ nội thất sang Mỹ trong những tháng cuối năm đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.
 
 
9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt hơn 40 tỷ USD. Trong đó có sự đóng góp lớn của ngành gỗ. Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ đạt 12,4 tỷ USD, tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 9 tháng qua tuy có tăng trưởng, nhưng từ tháng 5 đến nay doanh số giảm và tháng 9 chỉ đạt hơn 1,1 tỷ USD giảm 21% so với tháng trước đó. Đây là mức giảm sâu nhất trong lịch sử ngành hàng này
 
Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Thông thường, những tháng cuối năm thường là giai đoạn các mặt hàng này được tiêu thụ mạnh. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của lạm phát, tình hình đã có một số thay đổi.
 
Tại Mỹ, những tháng cuối năm thường là giai đoạn người dân sẽ trang hoàng, sửa chữa lại nhà cửa để chuẩn bị đón một loạt các dịp lễ quan trọng như Noel, năm mới. Thông thường vào giai đoạn này, nhu cầu đối với các mặt hàng đồ gỗ nội thất sẽ tăng cao. Tuy nhiên năm nay, do ảnh hưởng của lạm phát và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang duy trì lãi suất ở mức cao để chống lạm phát đã ảnh hưởng đến thói quen tiêu dùng của người dân.
 
Đa phần người dân Mỹ đều chi tiêu bằng tín dụng (mua hàng trước, còn tiền có thể trả sau). Vì vậy, lãi suất tăng cao sẽ buộc người dân phải thắt chặt chi tiêu, đặc biệt là đối với các mặt hàng không được coi là thiết yếu như đồ gỗ nội thất.
 
 
9 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ đạt 12,4 tỷ USD, tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Bên cạnh đó, do lạm phát, giá thuê nhà tăng cao nên nhu cầu chuyển nhà mới của người dân cũng ít hơn. Ít chuyển nhà cũng đồng nghĩa với việc đồ nội thất sẽ ít được sắm sửa hơn.
 
Thực tế, trong báo cáo kết quả kinh doanh đến hết quý 2 của một số hãng bán đồ nội thất lớn tại Mỹ như: Wayfair, Ikea, Home Depot… đều cho thấy lượng hàng tồn kho đang nhiều hơn so với trước đây. Đơn cử như Home Depot, lượng hàng tồn kho đến cuối quý 2 đã tăng 35% so với cùng kỳ 2021, lên hơn 26 tỷ USD.
 
Làm gì để giữ vững thị trường những tháng cuối năm?
 
Được biết, trong giai đoạn giá cả mọi thứ đều tăng, chất lượng sản phẩm sẽ là yếu tố quan trọng để người mua có quyết định chi tiền hay không.
 
Theo một số khảo sát gần đây, dù có xu hướng hạn chế mua sắm các mặt hàng không thiết yếu, tuy nhiên, 64% số người được hỏi cho biết vẫn sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho các đồ dùng có chất lượng tốt, độ bền cao, tốt cho sức khỏe và thân thiện với môi trường, thay vì chi tiền cho các mặt hàng có tính chất "thời vụ" như trước đây.
 
Vì vậy, câu chuyện đối với các hãng sản xuất đồ nội thất Việt Nam là cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm để hợp với thị hiếu của người tiêu dùng; bên cạnh đó cũng cần đa dạng về chủng loại và mẫu mã để phù hợp với các tầng lớp khách hàng khác nhau.
 
Xúc tiến thương mại sản phẩm gỗ gắn quản lý rừng bền vững
 
Những thách thức của ngành gỗ từ nay đến cuối năm là rất lớn. Ngoài câu chuyện ứng phó lạm phát, thắt chặt tiêu dùng, còn là những vụ việc liên quan đến biện pháp phòng vệ thương mại. Đặc biệt là các biện pháp phòng vệ thương mại từ Hoa Kỳ, thị trường xuất khẩu chủ lực của đồ gỗ Việt Nam.
 
Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng về lâu dài cần đảm bảo tuân thủ triệt để các quy định của thị trường quốc tế, đặc biệt là về nguồn gốc xuất xứ, tính hợp pháp của nguyên liệu gỗ.
 
Mới đây, một diễn đàn xúc tiến thương mại sản phẩm gỗ gắn với quản lý rừng bền vững từ chia sẻ với Phần Lan đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.
 
Hiện hệ sinh thái rừng Việt Nam được khai thác rất rộng rãi như: cung cấp nguyên liệu gỗ, chế biến gỗ, cung cấp lâm sản ngoài gỗ, đa dạng sinh học rừng... Tuy nhiên, hàng năm Việt Nam cũng nhập khẩu khoảng 2 tỷ USD gỗ nguyên liệu. Phần Lan là một trong những thị trường khi mỗi năm đất nước này khai thác khoảng 80 triệu m3 gỗ.
 
Tại diễn đàn, kinh nghiệm để có độ che phủ rừng lớn nhất châu âu và có khoảng 2/3 diện tích rừng đến từ các hộ gia đình đã được chia sẻ. Việt Nam và Phần Lan đã có những thỏa thuận hợp tác trong chuyển giao công nghệ chế biến gỗ cũng như quản lý rừng bền vững.
 
Viên nén gỗ có thể trở thành ngành hàng tỷ USD
 
Việc phát triển rừng bền vững cũng là cơ sở để phục vụ nguyên liệu cho một ngành hàng rất tiềm năng, đó là sản phẩm viên nén gỗ. Xung đột tại châu Âu đang làm giảm nguồn cung khí đốt từ Nga cho các quốc gia khu vực châu Âu.
 
Việc nhiều người dân châu Âu chuyển sang sử dụng viên nén đốt lò sưởi trong mùa đông sắp tới đã tạo cơ hội cho Việt Nam. Giá xuất khẩu viên nén hiện tăng hơn 27% so với năm 2021.
 
Theo Tổng cục Hải quan, nếu tốc độ tăng trưởng được duy trì như hiện nay, kim ngạch xuất khẩu viên nén trong cả năm nay có thể đạt trên dưới 700 triệu USD.
 
Hiện gần 100% lượng viên nén của Việt Nam được xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc. Thời gian tới việc nâng cao chất lượng viên nén gắn với chứng minh xuất xứ nguồn gốc sẽ giúp Việt Nam mở rộng thị trường sang các nước châu Âu.
 
Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc cũng đang có những động thái chuyển một phần nguồn điện và hệ thống sưởi chạy bằng than đá sang viên nén, khiến nhu cầu sản phẩm này sẽ còn tăng mạnh.
 
Trên cơ sở này, Tổng cục Lâm nghiệp cũng đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản sẽ đạt từ 18 - 20 tỷ USD vào năm 2025 và từ 23 - 25 tỷ USD đến năm 2030. Những khó khăn của năm nay đang được các doanh nghiệp tập trung tháo gỡ. Mục tiêu năm nay đạt giá trị kim ngạch 16,5 tỷ USD phụ thuộc nhiều vào việc đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.