Mặc dù bán lẻ xăng dầu tăng 26% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận xăng dầu 9 tháng của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam ước lỗ 780 tỷ đồng.
Mới đậy, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã dẫn đầu Đoàn công tác của Bộ Công Thương làm việc với Công ty Xăng dầu khu vực 1, trực tiếp khảo sát Tổng kho Xăng dầu Đức Giang - thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên khảo sát Tổng kho Xăng dầu Đức Giang - Petrolimex.
Chủ tịch HĐQT Petrolimex Phạm Văn Thanh đã báo cáo nhanh về tình hình kết quả sản xuất kinh doanh 9 tháng năm 2022 của Tập đoàn.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng sản lượng tạo nguồn của toàn Tập đoàn là 8.061.579 m3, đạt xấp xỉ 104% tổng nguồn tối thiểu được giao (Tổng nguồn tối thiểu được giao năm 2022 là 7.7 triệu m3), trong đó nhập khẩu chiếm 42% và 58% còn lại mua từ 2 Nhà máy lọc dầu trong nước. Sản lượng xuất bán hợp nhất 9 tháng đầu năm 2022 là 10.118.000 m3/tấn tăng 8% so với cùng kỳ và đạt 83% kế hoạch.
Ông Thanh cho biết, trong những ngày đầu tháng 10/2022, tình trạng khan hiếm cục bộ tại một số tỉnh phía Nam đã dồn áp lực sang hệ thống phân phối của Petrolimex, đơn cử sản lượng bán lẻ của TP.HCM ngày 10/10/2022 tăng 72% so với ngày 09/102022, Bình Dương tăng 77%, Cần Thơ tăng 58%, Bà rịa - Vũng tàu tăng 60%...
Với những đặc điểm và khó khăn như vậy, mặc dù sản lượng nội địa của Tập đoàn tăng 20% so cùng kỳ, riêng bán lẻ tăng 26% so cùng kỳ nhưng lợi nhuận xăng dầu 9 tháng của Tập đoàn ước lỗ -780 tỷ đồng.
Đối với công tác dự trữ, hiện, Petrolimex cho biết đang bảo quản khoảng 70% lượng xăng dầu dự trữ quốc gia tại 9 điểm kho của các Công ty xăng dầu thành viên trên cả nước. Tuy nhiên, phần lớn xăng dầu dự trữ quốc gia được bảo quản chung với hàng thương mại của đơn vị do hệ thống bồn bể còn hạn chế, chi phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia còn thấp.
Để đảm bảo việc các đầu mối xăng dầu thực hiện đúng các nghĩa vụ trong việc nhập khẩu và bán xăng dầu theo đúng quy định tại Nghị định 95, tại buổi làm việc, Chủ tịch Petrolimex kiến nghị Bộ Công Thương tiến hành rà soát và quy hoạch lại số lượng các đầu mối xăng dầu và thương nhân phân phối để tăng khả năng kiểm soát của nhà nước và sự chịu trách nhiệm về nguồn cung của thương nhân đầu mối/thương nhân phân phối.
Cùng với đó, ông Thanh cũng đề xuất cần tăng cường công tác kiểm tra đột xuất trong những thời điểm khó khăn về nguồn và hoặc khi giá biến động với biên độ cao để đảm bảo các thương nhân kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm chấp hành đúng các qui định của pháp luật; kịp thời điều chỉnh định mức kinh phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia phù hợp với chi phí thực tế của doanh nghiệp để đảm bảo hiệu quả kinh doanh.
Trường hợp Chính phủ quyết định nâng mức Dự trữ quốc gia, Petrolimex đề xuất hoàn thành quy hoạch hệ thống kho bể chứa hàng dự trữ quốc gia trên toàn quốc. Đồng thời nghiên cứu đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, kho dự trữ xăng dầu hoặc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối đầu tư thông qua các cơ chế khuyến khích, tháo gỡ khó khăn.
Sau báo cáo của Petrolimex, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế của Tập đoàn trong thời gian qua cần phải khắc phục để làm tốt hơn nữa trong thời gian tới như: Trong hoạt động điều phối kinh doanh của mình, từ thương nhân phân phối đến cửa hàng bán lẻ, có lúc, có nơi chưa thật tốt, một số thời điểm chưa cung ứng xăng dầu kịp thời đến những nơi cần thiết; Dự trữ thương mại có lúc chưa bảo đảm về khối lượng và thời gian theo đúng quy định; ở một số khu vực, dự trữ Nhà nước còn bị trộn lẫn với dự trữ thương mại; Điều kiện để thực hiện dự trữ đạt yêu cầu theo quy định hiện hành, nhưng trên thực tế có những nơi chưa phù hợp với thực tiễn.
Bộ trưởng cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế này. Trong đó, Bộ trưởng Diên chỉ ra những nguyên nhân chủ quan, mà trước hết là ý thức chấp hành các quy định chưa thật tốt; chưa làm tốt công tác dự báo nên việc lên các phương án dự phòng chưa sát tình hình thực tế; mối liên kết trong các chuỗi cung ứng từ Tập đoàn đến các Công ty thành viên, thương nhân phân phối, cửa hàng bán lẻ chưa thật sự chặt chẽ, hợp lý; cùng với đó là công tác kiểm tra, giám sát chưa kịp thời, thiếu kiểm soát, xử lý chưa kiên quyết.
Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng giao cho Tập đoàn Petrolimex và Công ty Xăng dầu khu vực I với 5 nhiệm vụ cụ thể, trong đó cần tập trung triển khai các nhiệm vụ kinh doanh, dự trữ xăng dầu theo quy định hiện hành, đồng thời chấn chỉnh, xốc lại tổng thể các mối liên kết trong chuỗi cung ứng hoạt động kinh doanh xăng dầu từ Tập đoàn đến các đơn vị bán lẻ, kể cả ngoài hệ thống của mình.