Đồng Nai đã thành lập 32 khu công nghiệp (KCN) nhưng mỗi khu có diện tích chỉ vài trăm ha. Gần đây, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch cho tỉnh thêm 2 KCN có diện tích lên đến hơn 6,2 ngàn ha.
Khu vực được quy hoạch Khu công nghiệp Xuân Quế - Sông Nhạn (H.Cẩm Mỹ). Ảnh: H.Giang
Theo UBND tỉnh, 2 KCN lớn đã được Chính phủ đưa vào quy hoạch KCN Việt Nam là: KCN Xuân Quế - Sông Nhạn thuộc địa bàn 2 xã Xuân Quế, Sông Nhạn (H.Cẩm Mỹ) rộng 3.595ha; KCN Bàu Cạn - Tân Hiệp rộng 2.627ha, nằm ở 2 xã Bàu Cạn, Tân Hiệp (H.Long Thành).
* Đang thực hiện thủ tục để thành lập
Ngày 25-12-2020, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 1836/TTg-CN phê duyệt Đề án Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các KCN trên địa bàn Đồng Nai. Trong đó, chấp thuận cho Đồng Nai bổ sung 2 KCN có diện tích lớn nhất tỉnh từ trước đến nay. Đồng thời, yêu cầu tỉnh đưa 2 KCN này vào quy hoach của tỉnh giai đoạn 2021-2030 để triển khai thực hiện. Hiện diện tích đất công nghiệp của Đồng Nai để cho doanh nghiệp (DN) thuê còn rất ít nên triển khai xây dựng 2 KCN này sẽ góp phần giúp công nghiệp của tỉnh, vùng phát triển.
Phó trưởng ban Quản lý các KCN Đồng Nai Dương Thị Xuân Nương cho biết: “Hai KCN Xuân Quế - Sông Nhạn và Bàu Cạn - Tân Hiệp đã được chủ đầu tư đề xuất theo Luật Đầu tư năm 2020. Trong năm 2021, UBND tỉnh đã có văn bản góp ý và giải trình một số nội dung theo yêu cầu của Bộ KH-ĐT với các dự án. Cuối tháng 7-2022, Bộ KH-ĐT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng về dự án. Tỉnh đang tiếp tục hoàn tất hồ sơ để sớm thành lập và triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật”.
Do vướng các thủ tục liên quan đến đất đai nên hiện 2 KCN Xuân Quế - Sông Nhạn và Bàu Cạn - Tân Hiệp vẫn còn nằm trên giấy. Hiện trạng các khu vực trên vẫn chưa có thay đổi.
KCN Bàu Cạn - Tân Hiệp có chủ đầu tư là Công ty CP KCN Tân Hiệp. KCN Xuân Quế - Sông Nhạn do Công ty CP KCN Xuân Quế làm chủ đầu tư. Thế nhưng, 2 KCN trên chưa được thành lập vì còn một số khúc mắc liên quan đến đất đai chưa được tháo gỡ nên sau gần 2 năm vẫn chưa thành lập được, ảnh hưởng lớn đến tiến độ của dự án.
Trưởng phòng Quy hoạch Sở TN-MT Đào Thị Thanh Hoài cho hay: “Dự án KCN đang gặp khó khăn là những diện tích đất công trong đó chưa quy định rõ ràng là đấu giá hay đấu thầu. Nếu đấu giá quyền sử dụng đất thì tỉnh tiến hành thu hồi đất và giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh làm thủ tục để đấu giá. Tuy nhiên, số tiền bồi thường để có đất sạch tiến hành đấu giá rất lớn, tỉnh rất khó có đủ điều kiện để thực hiện”.
Các KCN này chủ yếu lấy đất cao su nhưng Luật Đất đai năm 2013 lại không quy định rõ đất cao su có được đấu giá hay không. Đây cũng là một vướng mắc lớn khiến 2 KCN “khủng” của Đồng Nai đang ách tắc mà chưa thể hoàn thiện thủ tục để tiến hành đấu giá hoặc đấu thầu để triển khai.
* Khó đẩy nhanh tiến độ?
Theo đại diện các sở, ngành, những vướng mắc về đất đai, thủ tục liên quan đến đầu tư không được tháo gỡ nhanh thì Đồng Nai rất khó đẩy nhanh tiến độ các dự án KCN mới để đón “làn sóng” của DN trong nước, nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp. Như vậy, Đồng Nai sẽ tiếp tục bỏ lỡ các dự án lớn của các DN, tập đoàn nước ngoài từ vài trăm ngàn đến hàng tỷ USD như thời gian vừa qua.
Đại diện Sở Tài chính cho rằng, ngoài 2 KCN nói trên, Đồng Nai còn có 6 KCN khác đã được Chính phủ phê duyệt nhưng chưa thành lập được cũng vì vướng vào đất cao su, đất rừng, điều chỉnh quy hoạch chi tiết. Trong đó, vướng mắc về đất rừng, điều chỉnh quy hoạch chi tiết thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh có thể tháo gỡ nhanh, còn vướng mắc do đất cao su thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính nên phải đợi bộ có ý kiến cụ thể.
Các chủ đầu tư KCN mới trên địa bàn tỉnh đều có chung đánh giá, quá trình thực hiện thủ tục của dự án có nhiều điểm thiếu đồng nhất giữa Luật Đầu tư năm 2020, Luật Đất đai năm 2013, Luật Quản lý tài sản công đã cản trở, kéo dài thời gian của dự án. Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư hạ tầng KCN. Do đó, Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành khác đang chờ đợi những vướng mắc liên quan đến đất đai sẽ được giải quyết trong thời gian tới.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng đánh giá: “Thủ tướng đã cho chủ trương để Đồng Nai mở thêm 9 KCN mới, nhưng đến nay đã gần 2 năm mà tỉnh vẫn chưa thành lập được KCN nào. Do đó, các sở, ngành phải phối hợp với địa phương, chủ đầu tư để tháo gỡ những khó khăn thuộc thẩm quyền của mình, còn những vướng mắc liên quan đến luật hay các bộ, ngành thì cần tổng hợp gửi UBND tỉnh để kiến nghị Chính phủ sớm có giải pháp tháo gỡ. Đồng Nai không thành lập được các KCN mới sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp”.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng vừa yêu cầu các sở, ngành, địa phương làm rõ vướng mắc của từng dự án KCN mới trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là 2 KCN có diện tích đất lớn để có giải pháp tháo gỡ cho từng khu. Hiện có nhiều nhà đầu tư trong nước, nước ngoài đang chờ đợi Đồng Nai sớm xây dựng xong hạ tầng các KCN mới để vào thuê đất xây dựng nhà xưởng sản xuất.