Tổng tài sản của ngân hàng tăng 16,3% trong 9 tháng đầu năm và vượt mốc 2 triệu tỷ đồng. Đây là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam đạt quy mô này.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển (BIDV – mã:
BID) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022, ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 6.673 tỷ đồng, tăng 150% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, lãi trước thuế của BIDV đạt 17.676 tỷ đồng, tăng 64,7% so với 9 tháng đầu năm 2021. Lý do chính là ngân hàng đã giảm khá mạnh chi phí dự phòng rủi ro trong kỳ báo cáo này.
Cụ thể, chi phí dự phòng rủi ro 9 tháng của BIDV ở mức 19.266 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
BIDV vẫn là ngân hàng có tổng thu nhập hoạt động cao nhất hệ thống, 3 quý đầu năm đạt 51.912, tăng 10,1% so với cùng kỳ. Động lực tăng trưởng chính là mảng cốt lõi - thu nhập lãi thuần tăng 15,5% so với cùng kỳ , đạt 41.531 tỷ đồng. Ngoài ra, lãi từ kinh doanh ngoại hối cũng tăng 62%, đạt 2.011 tỷ đồng. Lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư đạt 117 tỷ đồng trong khi cùng kỳ hoạt động này bị lỗ 342 tỷ đồng.
Trong khi đó, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh kém khả quan, ghi nhận lỗ 62 tỷ đồng, đối lập với cùng kỳ lãi 570 tỷ. Lãi thuần từ hoạt động khác của BIDV đạt 3.850 tỷ đồng, giảm 19,6% so với cùng kỳ.
Chi phí hoạt động của ngân hàng trong 9 tháng ở mức 14.969 tỷ đồng, tăng 13,3%. Trong đó, chi cho hoạt động quản lý công vụ tăng khá mạnh (tăng 51% lên 3.239 tỷ đồng). Tỷ lệ CIR (chi phí hoạt động/tổng thu nhập) ở mức 28,8%, tăng nhẹ so với 28% cùng kỳ năm 2021.
Tại ngày 30/9/2022, tổng tài sản của BIDV chính thức vượt mốc 2 triệu tỷ đồng, tăng 16,3% so với đầu năm. Đây cũng là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam đạt quy mô này.
Dư nợ cho vay khách hàng của BIDV tăng 10,4% trong 9 tháng lên hơn 1,49 triệu tỷ đồng. Ngân hàng tăng nắm giữ chứng khoán nợ (chủ yếu là trái phiếu) của các tổ chức tín dụng khác (tăng 92% so với đầu năm lên 104.539 tỷ đồng).
Tiền gửi khách hàng tại BIDV tăng 2,5% lên hơn 1,41 triệu tỷ đồng. Trong đó, tổng tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi vốn chuyên dùng là 265.567 tỷ đồng, giảm 2,6% so với đầu năm. Theo đó, tỷ lệ CASA sụt giảm từ 19,7% xuống 18,8%.
BIDV cũng tăng huy động vốn thông qua phát hành giấy tờ có giá, số dư cuối tháng 9 là hơn 144 nghìn tỷ đồng, tăng 17%. Trong đó, trái phiếu là 13.426 tỷ đồng, chứng chỉ tiền gửi 89.244 tỷ đồng.
Kho bạc Nhà nước đang gửi có kỳ hạn tới hơn 120 nghìn tỷ đồng tại BIDV, tăng gấp hơn 12 lần so với đầu năm.
Nợ xấu của BIDV tăng 48,6% so với đầu năm lên 20.125 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng 80% lên 13.131 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay tăng từ 1% lên 1,35%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức 214%, tương đương với hồi đầu năm.