Điều trở ngại của nhiều doanh nghiệp sản xuất vào mùa cao điểm cuối năm là dòng tiền trở nên bí bách, khó tiếp cận vốn vay. Một khi dòng tiền ngưng lại, không trữ được nguyên liệu, sản xuất càng đình đốn, tâm lý người tiêu dùng càng lo lắng. Cho nên, các doanh nghiệp hy vọng dòng tiền khơi thông thì mọi việc sẽ ổn định hơn.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP. HCM (FFA) cho biết, với ngành hàng chế biến thực phẩm vào thời điểm cuối năm này phải dự trữ nhiều nguyên vật liệu để phục vụ dịp lễ tết trong nước, và khi ký hợp đồng lớn với các đối tác nước ngoài thì cũng phải chuẩn bị đủ nguồn nguyên vật liệu để không bị tăng giá đột ngột.
Lo thiếu vốn nhập nguyên liệu
Tuy nhiên, như lưu ý của bà Chi, mặc dù Chính phủ có ý kiến là ưu tiên cho các ngành sản xuất công nghiệp, đơn cử như ngành hàng chủ lực là chế biến thực phẩm, vậy mà hiện tại vẫn bị cắt room tín dụng. Các ngân hàng không có thanh khoản thì lấy gì để doanh nghiệp (DN) tiếp tục có dòng vốn vay để tích trữ nguyên vật liệu?
“Đây là khó khăn chung của các DN sản xuất, chúng tôi đã có kiến nghị đến Ngân hàng Nhà nước để có giải pháp cho vấn đề này”, bà Chi chia sẻ.
Các DN trong mảng chế biến thực phẩm đang gặp bí bách về dòng tiền để nhập nguyên liệu trong mùa cao điểm cuối năm.
Về nguồn cung nguyên vật liệu của ngành chế biến thực phẩm, theo PGs.Ts. Lê Nguyễn Đoan Duy thuộc Hiệp hội Khoa học Công nghệ Thực phẩm Việt Nam (VAFoST), đa phần phải nhập khẩu, thậm chí có những mảng hàng với tỷ lệ nhập khẩu lên đến hơn 90%.
Trước những biến động, nỗi lo đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn thế giới, khủng hoảng năng lượng…, theo ông Duy, các công ty thực phẩm rất muốn có nguồn cung ổn định.
Để nhập nguyên liệu, các DN trong ngành mỗi năm phải chi nhiều tỷ USD. Trong khi đó, nền giá vốn sản xuất của ngành này đã tăng một nửa do áp lực nguyên nhiên phụ liệu. Trước đây, các DN chỉ cần nguồn vốn khoảng 100-200 tỷ đồng đã đủ sản xuất ổn định, nay số tiền trên phải tăng lên 50-60%.
Trên thực tế, nhiều DN thực phẩm tìm đến vay ngân hàng lại không có tài sản để thế chấp. Chưa kể, có tài sản thế chấp rồi, DN vẫn khó vay được vì hệ thống tín dụng đang cạn room tín dụng.
Như chia sẻ mới đây từ phía Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep), trong thời điểm hiện tại, nhiều chi nhánh của các ngân hàng thương mại tại các địa phương đã cắt giảm mạnh tín dụng với các DN thủy sản mặc dù hạn mức tín dụng của nhiều DN mới chỉ giải ngân được 60-80% nhưng không được giải ngân.
Điều này khiến nhiều DN lớn có nhu cầu vốn nhiều nhưng không đủ tiền để thu mua nguyên liệu thủy sản, vật tư cho sản xuất, DN phải hoạt động cầm chừng, ảnh hưởng đến tăng trưởng và xuất khẩu của ngành. Thậm chí có DN đang triển khai các dự án sản xuất thủy sản đã phải ngừng thi công.
Bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký Vasep cho biết, có nhiều DN trong ngành chỉ giải ngân nhiều lắm là 60%. Với những DN vừa và nhỏ lẽ ra trong tháng 10, 11, 12/2022 là mùa cao điểm của năm nhưng không có đơn hàng là vì vậy. Và dự báo rất xấu cho những DN này là có thể dẫn tới chuyện phá sản khi khó khăn về dòng tiền.
Cần khơi thông dòng tiền nhằm tránh hệ luỵ xấu
“Các DN trong ngành nông nghiệp vốn mang rất nhiều ngoại tệ về cho đất nước nhờ xuất khẩu, vì vậy, với bất cập về room tín dụng cho những DN ngành này, Chính phủ sẽ cần điều chỉnh lại dòng tiền, chẳng hạn như dòng tiền rót vào bất động sản có thể chuyển sang ngành nông nghiệp”, bà Lan nhấn mạnh.
Không chỉ với các DN trong ngành nông sản thực phẩm đối mặt bất ổn nguồn cung vì thiếu vốn, nhiều DN trong các lĩnh vực sản xuất cũng đang gặp những khó khăn tương tự khi vừa thiếu hụt dòng tiền vừa thiếu nguyên liệu đầu vào giữa mùa cao điểm cuối năm.
Ngoài vấn đề khó khăn về vốn vay dẫn đến khó khăn trong nhập khẩu nguyên liệu, theo giới chuyên gia, bất ổn nguồn cung nguyên liệu cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của người tiêu dùng.
Theo đó, khi nguồn cung nguyên liệu bị đình đốn, các DN sẽ chậm sản xuất, giảm công suất, có nguy cơ kéo dài thời gian sản xuất, chậm giao hàng…Về phía người tiêu dùng, khi thiếu hụt nguồn hàng mà họ cần cho mùa tiêu dùng cuối năm thì tâm lý lại càng lo lắng và càng muốn tìm mua được hàng ngay lập tức. Và theo quy luật cung cầu, cầu tăng và cung giảm thì giá sẽ tăng.
Bài học về ổn định nguồn cung và tâm lý của người tiêu dùng cũng có thể thấy rõ trong chuyện bất ổn thị trường xăng dầu như thời gian gần đây. Ghi nhận của VnBusiness trong 1 - 2 ngày gần đây ở Tp.HCM cho thấy thị trường xăng tạm thời đã có sự ổn định trở lại, người tiêu dùng dễ dàng mua xăng tại các cây xăng tư nhân.
Điều này được cho là nhờ nguồn cung xăng dầu đã có sự cải thiện phần nào và đang tiếp tục chờ thêm động thái từ khâu chính sách. Còn theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giải pháp căn cơ, lâu dài để ổn định nguồn cung xăng dầu là phải thay đổi cơ chế quản lý từ phía DN và từ các cơ quan quản lý.
Như trong vấn đề về quản lý dòng tiền của các DN đầu mối xăng dầu, theo đánh giá của ông Thịnh là vẫn còn rất kém. DN kêu không có tiền nhưng thực tế cho thấy phía ngân hàng vẫn có vốn nghìn tỷ đồng dành riêng cho xăng dầu. Kể cả khi ngân hàng giải ngân cho vay thì DN cũng không đáp ứng đủ các điều kiện để được vay.
Trở lại với tình hình bí bách về dòng tiền của các DN hiện nay, dưới góc độ của một nhà xuất nhập khẩu nông sản, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group, bày tỏ mối lo lắng nếu dòng tiền ngưng lại, không trữ hàng được. Cho nên, hy vọng dòng tiền khơi thông thì mọi việc sẽ ổn định hơn.
“Trong tình hình hiện nay, với các DN nhập khẩu chịu ảnh hưởng bởi biến động tỷ giá, còn đối với DN xuất khẩu thì có lợi về mặt tỷ giá, thế nhưng không có dòng tiền là không có đơn hàng. Cho nên dòng tiền với các DN là điều bức bách hiện nay”, ông Tùng chia sẻ.
Xét cho cùng, điều mong mỏi của các DN sản xuất kinh doanh vào thời điểm này là dòng tiền cần được khơi thông kịp thời, đúng lúc, tháo gỡ điểm nghẽn vốn vay, “bơm” vào đúng đối tượng ưu tiên. Có như vậy sẽ tránh những hệ luỵ xấu từ chuyện bất ổn nguồn cung nguyên liệu.