Trong bối cảnh cổ phiếu SBT giảm về gần sát mệnh giá, ban lãnh đạo CTCP Thành Thành Công Biên Hòa (TTC Sugar, mã SBT) đã đăng ký mua số lượng lớn cổ phiếu.
Ngày 24/11, bà Đặng Huỳnh Ức My – Phó Chủ tịch HĐQT TTC Sugar đăng ký mua vào 5 triệu cổ phiếu. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức 100% khớp lệnh từ 29/11/2022 đến 28/12/2022.
Tính đến thời điểm hiện tại, bà My đang nắm giữ hơn 100 triệu cổ phiếu
SBT, tương đương 15,39% vốn cổ phần. Nếu thực hiện mua thành công toàn bộ 5 triệu cổ phiếu đã đăng ký, bà My sẽ tăng sở hữu tại
SBT lên 105 triệu cổ phiếu, tương ứng 16,15%.
Trước đó, ngày 23/11, bà Huỳnh Bích Ngọc – Chủ tịch HĐQT TTC Sugar đã đăng ký mua vào 2 triệu cổ phiếu, qua đó nâng sở hữu tại
SBT từ 10,71% lên 11,02%. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức khớp lệnh từ 28/11/2022 đến 27/12/2022.
Cũng trong ngày 23/11, ông Hoàng Mạnh Tiến, thành viên độc lập HĐQT đăng ký mua vào 800.000 cổ phiếu, giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức giao dịch thỏa thuận và/hoặc khớp lệnh cũng từ 28/11/2022 đến 27/12/2022. Nếu giao dịch thành công, ông Tiến sẽ nâng sở hữu tại
SBT từ 0,24% lên 0,36%.
Loạt lãnh đạo chủ chốt của
SBT liên tiếp đăng ký mua vào số lượng lớn cổ phiếu trong bối cảnh
SBT vừa trải qua chuỗi giảm sâu. Từ tháng 8 tới nay, cổ phiếu này đã giảm 39%. Còn so với hồi đầu năm,
SBT đã “bốc hơi” 54% giá trị.
Mới đây, ngày 21/11,
SBT thông báo chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 7% (100 cổ phiếu được nhận 07 cổ phiếu mới). Theo đó,
SBT sẽ phát hành hơn 44 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho niên độ 2020-2021; số cổ phiếu này không bao gồm 21,6 triệu cổ phiếu ưu đãi cổ tức có quyền chuyển đổi.
Về hoạt động kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý 1 niên độ 2022-2023 (1/7-30/9/2022),
SBT ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.309 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ, hoàn thành 31% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 262 tỷ, tăng 34% so với cùng kỳ.
Sản lượng tiêu thụ của các kênh bán hàng ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ. Đặc biệt kênh xuất khẩu tăng trưởng vượt bậc khi sản lượng bán hàng tăng 80%, kênh công nghiệp B2B tăng 44% so với cùng kỳ. Đây là một dấu hiệu khởi sắc cho thấy nhu cầu tiêu thụ đường được cải thiện đáng kể trong giai đoạn phục hồi kinh tế.