Có thể nhận thấy, khối ngoại gần đây đang "miệt mài" mua ròng dù thị trường tăng hay giảm.
Hôm nay, dù thị trường giảm nhưng khối ngoại vẫn mua ròng hàng nghìn tỷ đồng. Đây cũng là phiên mua ròng thứ 9 liên tiếp của nhà đầu tư nước ngoài.
Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 1.016,51 tỷ đồng trên HOSE; 32,08 tỷ đồng trên HNX và 54,05 tỷ đồng trên UPCOM. Thực tế trước đó, thị trường giảm mạnh trong tháng 11 thì khối ngoại lại mua ròng kỷ lục.
Cụ thể trong tháng 11, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 15.906 tỷ đồng qua khớp lệnh, đây là kỷ lục mua ròng khớp lệnh của khối ngoại kể từ khi thị trường chứng khoán đi vào hoạt động. Cùng đó, khối ngoại mua ròng thỏa thuận hơn 1.005 tỷ đồng.
Tính chung 11tháng năm 2022 , khối ngoại mua ròng 15.904 tỷ đồng. Điều này có được là nhờ đà mua ròng của khối ngoại trong tháng 11, vì trước đó, tính chung 10 tháng năm 2022, khối ngoại bán ròng cổ phiếu.
Tháng 11, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 15.906 tỷ đồng qua khớp lệnh - là kỷ lục mua ròng khớp lệnh của khối ngoại kể từ khi thị trường chứng khoán đi vào hoạt động. Ảnh minh họa: HNX
Tháng 11, khối ngoại mua ròng mạnh nhất tại cổ phiếu VHM, đạt 1.727 tỷ đồng. Tiếp đến là STB và KDH được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng với giá trị lần lượt là 1.320 tỷ đồng và 1.171 tỷ đồng.
Phiên hôm nay, mã được mua ròng mạnh nhất vẫn là VHM với giá trị hơn 211 tỷ đồng. Tiếp đến là STB được mua ròng hơn 145,6 tỷ đồng và MSN được mua ròng gần 106 tỷ đồng.
Cổ phiếu vốn hóa lớn điều chỉnh giảm tạo áp lực rất lớn lên chỉ số VN-Index. Cụ thể, rổ cổ phiếu VN30 có tới 19 mã giảm giá; trong đó, họ Vingroup giảm rất mạnh với VIC giảm 5,2%, VHM và VRE đều giảm 1,8%. Các mã lớn khác như SSI giảm 5,5%, POW giảm 3,9%, GAS giảm 3,4%...
Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng chìm trong sắc đỏ. Theo đó, PVC giảm 8,4%, PVB giảm 3,3%, PVD giảm 3,2%, PVS và POS đều giảm 1,9%, BSR giảm 1,4%. Ở chiều tăng giá có 3 mã là PTV tăng 8,9%, PLC tăng 5,5%, OIL tăng 2,5%.
Các cổ phiếu bất động sản có vốn hóa vừa và nhỏ hôm nay vẫn diễn biến rất tích cực với rất nhiều mã tăng trần. Cùng đó, sắc xanh cũng chiếm ưu thế tại nhóm bảo hiểm.
Nhóm ngân hàng dù sắc xanh chiếm ưu thế, tuy nhiên, các mã ở chiều giảm giá trong nhóm này có mức vốn hóa hàng đầu như: VCB giảm 1,2%, STB giảm 2,5%, CTG giảm 4%, EIB giảm 4,5%, BID giảm 5,1%... Điều này gây ra áp lực giảm điểm rất lớn lên chỉ số.
Chốt phiên giao dịch ngày 1/12, VN-Index giảm 12,14 điểm xuống 1.036,28 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 1,34 tỷ cổ phiếu, tương ứng hơn 21.830,6 tỷ đồng. Toàn sàn có 281 mã tăng giá, 166 mã giảm giá và 75 mã đứng giá.
HNX-Index tăng 2,21 điểm lên 211 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 138,5 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.726 tỷ đồng. Toàn sàn có 141 mã tăng giá, 59 mã giảm giá và 38 mã đứng giá.
UPCOM-Index tăng 0,54 điểm lên 71,41 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 63,5 triệu đơn vị, tương ứng hơn 786 tỷ đồng. Toàn sàn có 196 mã tăng giá, 120 mã giảm giá và 62 mã đứng giá./.