Ngày 12-12, Bộ Ngoại giao phối hợp với các đơn vị liên quan và một số doanh nghiệp, địa phương tổ chức tọa đàm trực tuyến Hợp tác thương mại hạt điều với châu Phi và các giải pháp đảm bảo nguồn cung điều nguyên liệu cho Việt Nam.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng phát biểu tại điểm cầu Đồng Nai
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu chủ trì tọa đàm. Tham dự điểm cầu Đồng Nai có Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cùng lãnh đạo một số sở, ngành.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, doanh nghiệp nhận định ngành chế biến điều đang gặp áp lực thiếu nguồn cung nguyên liệu. 70% nguồn nguyên liệu chế biến điều phải nhập khẩu, trong đó châu Phi là thị trường nhập khẩu nguyên liệu hạt điều lớn bên cạnh một số nước châu Á, Campuchia. Tuy nhiên, hiện một số nước châu Phi chuyển hướng chú trọng đầu tư sản xuất nội địa, cấm xuất khẩu điều thô để đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến trong nước. Bên cạnh đó, việc nhập khẩu điều thô từ châu Phi về sau đó lại xuất khẩu thành phẩm đến châu Âu, châu Mỹ cũng khiến cho chi phí thêm đội lên.
Để phát triển bền vững ngành điều, Việt Nam cần tăng năng suất, sản lượng điều trên diện tích hiện hữu, đồng thời tính toán hợp lý nguồn nguyên liệu từ nhập khẩu. Đối với thị trường châu Phi, việc hợp tác cấp Chính phủ giữa Việt Nam và các nước là rất quan trọng. Doanh nghiệp cần nghiên cứu đầu tư cơ sở, nhà máy chế biến ngay tại châu Phi, sau đó xuất khẩu trực tiếp đến các thị trường ở châu lục khác nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí vận tải, giảm giá thành cho sản phẩm hạt điều.
Đồng Nai có trên 30 ngàn ha diện tích đất trồng điều với năng suất bình quân 1,5 tấn/ha. Điều là một trong những cây trồng chủ lực của Đồng Nai. Tỉnh đang triển khai các giải pháp nhằm tăng năng suất điều trên các vườn cây của người dân. Thời gian tới, địa phương sẽ tuyển chọn một số giống điều có năng suất cao, thay thế giống điều già cỗi, dự báo tốt thị trường thế giới để các doanh nghiệp có hướng đầu tư, sản xuất phù hợp.