Ngành logistics Việt Nam vẫn tiếp tục thu hút đầu tư từ các các công ty đa quốc gia vì thế giới đang xem Việt Nam như một trung tâm sản xuất mới để giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng từ Trung quốc.
Hình phối cảnh siêu cảng ICD Vĩnh Phúc. Ảnh: T&T Group
Trung tâm Logistics 83 ha tại Vĩnh Phúc
Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022 tại Hải Phòng cuối tuần qua, T&Y SuperPort Vĩnh Phúc – liên danh giữa tập đoàn T&T Việt Nam và YCH của Singapore – và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) ký biên bản ghi nhớ nhằm khai thác lợi thế của siêu cảng khô Vĩnh Phúc để phát triển dịch vụ vận tải đa phương thức, góp phần nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng cho ngành logistics Việt Nam.
Theo thỏa thuận này tác, T&Y SuperPort Vĩnh Phúc (T&Y) và VIMC sẽ cùng nhau phát triển các sản phẩm và dịch vụ tổng hợp cho cảng cạn (ICD) và kho gom hàng lẻ để đáp ứng lượng hàng hóa đường biển ngày càng tăng trong các khu công nghiệp gần Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc đang được T&Y xây dựng.
T&Y và VIMC cũng sẽ hợp tác khai thác dự án ICD Vĩnh Phúc (vốn đầu tư trên 200 triệu USD) với vai trò trung tâm trung chuyển tại Việt Nam và khu vực ĐNÁ. YCH hy vọng dự án logistics lớn này cũng sẽ giúp VIMC tăng dịch vụ vận chuyển hàng cho khách hàng của YCH ở Việt Nam và những nước YCH đang hoạt động.
Tổng Giám đốc T&Y, bà Chan Yoke Ping, nhấn mạnh: “Hợp tác với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đánh dấu bước phát triển mới cho siêu cảng ICD Vĩnh Phúc. Nằm gần 20 khu công nghiệp, và với khả năng vận tải đa phương thức như hàng không, đường biển, đường bộ và đường sắt, dự án này sẽ hỗ trợ xuất khẩu, giúp tạo ra những đột phá trong logistics của Việt Nam”.
VIMC đang sở hữu và khai thác đội tàu khoảng 60 chiếc có mặt tại 16 cảng biển trên khắp Việt Nam. Trong khi đó, ICD Vĩnh Phúc rộng 83 ha là dự án đầu tiên được triển khai cho Mạng lưới Logistics Thông minh ASEAN (ASLN- Asean Smart Logistics Network) trong Kế hoạch Tổng thể Kết nối ASEAN 2025.
Tháng 8/2022, T&Y đã bắt tay hợp tác với Vietnam Airlines và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) để kết nối siêu cảng ICD Vĩnh Phúc với những mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng. Như vậy, dự án ICD Vĩnh Phúc đã hợp tác với ngành hàng không, đường sắt, và vận tải biển của Việt Nam.
Hiện nay, Công ty Tài chính Thế giới (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới đang hỗ trợ liên danh T&Y thực hiện dự án Vĩnh Phúc về cả tài chính lẫn chuyên môn logistics thông qua các đối tác toàn cầu của IFC.
Các ông lớn không muốn chậm chân
DHL Express, công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới về chuyển phát nhanh, khánh thành Trung tâm Dịch vụ Tây Hà Nội (trung tâm mới nhất của DHL Express tại Việt Nam) tại quận Bắc Từ Liêm hồi đầu tháng 11/2022. Trung tâm Tây Hà Nội được đầu tư khoảng hai triệu Euro, có diện tích 2.600 m2.
Trong báo cáo “What’s Next in E-Commerce” (Những gì sắp tới trong thương mại điện tử) ra cuối tháng 9/2022, FedEx Express – một công ty hàng đầu khác trong ngành chuyển phát nhanh toàn cầu – cho biết các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam, Ấn Độ, Malaysia, và Philippines nằm trong số những DN lạc quan nhất về khả năng phát triển thương mại điện tử trong 3 năm tới; và người tiêu dùng ở 4 thị trường này cũng trả lời tương tự cho khảo sát của FedEx Express. Theo khảo sát trên, thương mại điện tử hiện nay chiếm chưa đến 6% tổng doanh số bán lẻ ở từng thị trường này.
Theo ông Hardy Diec, Giám đốc Điều hành FedEx Express khu vực Đông Dương, FedEx Express đang nỗ lực thâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam vì nhìn nhận thương mại điện tử sẽ tiếp tục bùng nổ ở Việt Nam.
Ngày 25/11, VinFast xuất khẩu lô hàng xe điện đầu tiên (999 xe) sang Mỹ, thị trường xuất khẩu đầu tiên của VinFast. Các thị trường quốc tế khác của VinFast gồm Canada, Đức, Pháp và Hà Lan. Chỉ 1 ngày trước đó, VinFast và công ty Inform Software (trụ sở tại Đức) công bố hợp tác chiến lược toàn cầu về quản lý logistics xe điện cho VinFast trên toàn cầu.
Hợp tác này giúp VinFast theo dõi sát tình trạng của xe điện từ quá trình sản xuất đến vận chuyển, và bàn giao tới khách hàng. Theo thỏa thuận, Inform sẽ cung cấp các phần mềm quản lý logistics tiên tiến cho VinFast để VinFast theo dõi quá trình vận chuyển xe điện, tối ưu hóa các quy trình từ đặt xe, bàn giao xe hoặc triệu hồi xe để xử lý lỗi.
Maersk, tập đoàn logistics lớn nhất thế giới, trong tháng 8 năm nay chi tới 3,6 tỷ USD để mua lại LF Logistics, một công ty logistics lớn ở Hong Kong. Ông Ditlev Blicher, Giám đốc Điều hành khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Maersk, cho biết nhờ bổ sung LF Logistics vào hệ sinh thái Maersk, người “khổng lồ” Đan Mạch đã tăng cường mạnh mẽ khả năng phục vụ các thị trường tiêu dùng đang phát triển nhanh ở Châu Á, gồm Việt Nam.
Tàu container của hãng Maersk. Ảnh: Maersk
Ông Hoan Đặng, Giám đốc Quản lý đơn hàng đa kênh của Maersk Việt Nam và Campuchia, LF Logistics mạnh trong dịch vụ hàng đa kênh, nhờ đó Maersk sẽ xử lý đơn hàng nhanh hơn và hiệu quả hơn tại Việt Nam.
Google, Temasek và Bain & Company vừa công bố báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á, trong đó ước tính tổng giá trị hàng hóa nền kinh tế số Việt Nam năm 2022 sẽ đạt 23 tỉ USD, tăng khoảng 28% so với kết quả của năm 2021 (18 tỉ USD), dẫn đầu Đông Nam Á.
Theo báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á 2022 do 3 bên Google, Temasek và Bain & Company công bố cuối tháng 10, Việt Nam là nền kinh tế kỹ thuật số phát triển nhanh nhất ở khu vực trong năm. Theo báo cáo, ước tính tổng giá trị hàng hóa nền kinh tế số Việt Nam năm 2022 đạt 23 tỉ USD, tăng khoảng 28% so với năm 2021 (18 tỉ USD). Kết quả này nhờ vào mức tăng trưởng khoảng 26% hằng năm của thương mại điện tử.