Hiện nay, cát được khai thác bán chủ yếu mới tính công khai thác vận chuyển, sử dụng quá mức dẫn đến cạn kiệt, cần trả lại đúng giá trị cho hạt cát ở ĐBSCL.
Đó là ý kiến được nêu ra tại Tọa đàm với chủ đề “Quản lý Cát bền vững ở ĐBSCL và Giải pháp nào cho tình trạng khan hiếm cát dưới góc nhìn chuyên gia và truyền thông”, do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) phối hợp với Văn phòng đại diện Báo Nông nghiệp Việt Nam tại ĐBSCL tổ chức tại TP Cần Thơ, sáng 19/12.
Giá trị hạt cát không chỉ trong xây dựng
Ông Hà Huy Anh, Quản lý Quốc gia Dự án Quản lý Cát Bền vững của WWF-Việt Nam nêu thực trạng, những tháng gần đây, trên diễn đàn quốc hội và trên truyền thông đều nêu tình trạng thiếu cát trầm trọng cho các công trình trọng điểm quốc gia, giao thông ở ĐBSCL. Trong khi xu hướng lượng cát đổ về ĐBSCL ngày càng giảm, trung bình mỗi năm ước khoảng 7 triệu m3 nhưng khai thac lên tới 27 - 30 triệu m3/năm và thoát ra biển 5 triệu m3/năm. Hiện nay giảm chỉ còn khoảng 4,5 triệu m3/năm, trong đó chỉ khoảng 10% trầm tích là cát.
Tọa đàm với chủ đề “Quản lý Cát bền vững ở ĐBSCL và Giải pháp nào cho tình trạng khan hiếm cát dưới góc nhìn chuyên gia và truyền thông”, do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) phối hợp với Văn phòng đại diện Báo Nông nghiệp Việt Nam tại ĐBSCL tổ chức tại TP Cần Thơ. Ảnh: Hoàng Vũ.
Việc khai thác cát quá mức làm giảm lượng dự trữ ở các sông lớn, làm gia tăng sụt lún. Thiếu cát dẫn đến sói mòn đáy sông, sạt lở bờ sông, gây mất đất sản xuất, thiệt hại lớn đến công trình hạ tầng, tài sản của người dân… Thiếu cát đổ ra biển dẫn đến vùng ven biển sâu hơn, sóng sẽ đánh mạnh vào bờ, gây sạt bờ biển. Lòng sông hạ thấp kéo theo mực nước mùa khô thấp, gia tăng xâm nhậm mặn vào nội đồng.
“Qua khảo sát cho thấy, ở sông Tiền gần cầu Mỹ Thuận có những hố sâu do khai thác cát trên lòng sông lên tới 50m, đe dọa đến sự an toàn của công trình. Sạt lở xảy ra ngày càng nhiều, làm trôi nhà cửa, đường giao thông, đất sản xuất. Có những hộ sổ đỏ vẫn còn nhưng đất thỉ đã mất do sạt lở”, ông Hà Huy Anh cảnh báo.
Trước thực trạng cát không về và ngày cang khan hiếm thì vấn đề cấp bách hiện nay là phải tìm vật liệu thay thế cát là gì, nhất là trong xây dựng công trình. Đã có những nghiên cứu vật liệu thay thế, tái chế… cát nhân tạo được nghiền từ đá, tro sỉ. Giải pháp công trình xây dựng ít sử dụng cát, làm sàn rỗng giảm lượng bê tông, sàn nhẹ. ĐBSCL có nhiều tro trấu, tro bã mía, sỉ đáy lò, tro bay có tiềm năng có thể thay thế cát khoảng 30% khi làm bê tông mà không ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
Các đại biểu đề xuất, nên khai thác cát dựa vào ngân hàng cát (tức là nguồn đổ về) chứ không phải trữ lượng cát hiện có dưới lòng sông. Nhà nước cũng nên có định mức tỷ lệ sử dụng vật liệu thay thế trong các công trình công.
Khai thác cát tại ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ,
Sớm có giải pháp về vật liệu thay thế cát
Tiến sĩ Nguyễn Nghĩa Hùng, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cho rằng, dòng sông là một cơ thể sống, tác động của thượng nguồn, nhất là đập thủy điện sẽ làm cho những dòng sông ở hạ nguồn trở nên "đói" cát… Khai thác cát quá mức làm hạ độ sâu lòng sông, gây ra rất nhiều hệ lụy, mà tác hại rõ nhất là tình trạng sạt lở xảy ra ngày càng nhiều.
Ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về Hệ sinh thái ĐBSCL khẳng định, cát chỉ về ĐBSCL vào những năm có lũ lớn và chỉ di chuyển khoảng 3 tháng trong năm. Đập thủy điện như những bức tường, làm giảm dòng chảy và ngăn cát không thể khởi nguồn nên cát sông sẽ không về ĐBSCL nữa. Thiếu cát sẽ làm sâu lòng sông, đe dọa sự an toàn của những cây cầu lớn vượt sông Tiền, sông Hậu khi những hố sâu xuất hiện gần chân cầu. Ông Thiện đề xuất, quản lý cát phải có tính liên kết vùng, chứ không thể quản lý theo đơn vị hành chính cấp tỉnh, bên này cấm mà bên kia lại cho khai thác thì cát vẫn hết.
Theo ông Thiện, cần nhìn nhận đúng vai trò của cát, đó không chỉ là vật liệu xây dựng, mà còn có vai trò duy trì lãnh thổ (chống sạt lở), vai trò sinh thái, cát hoặc đất pha cát sẽ là môi trường sinh sống của nhiều loài cây, con đặc hữu…
Khi quy hoạch xây dựng các khu đô thị, không thể bơm cát tạo mặt bằng như trước đây nữa, mà cần cân bằng tại chỗ bằng cách tạo hồ, rạch trong đô thị để lấy đất tạo nền xây dựng. Mạnh dạn làm những hồ lớn ở ĐBSCL vừa tạo không gian tích trữ nước phục vụ dân sinh, vừa tạo quỹ đất để san lấp.
Phóng viên Đình Tuyển, Báo Thanh Niên cho rằng, khai thác cát trái phép là vấn đề nhức nhối ở ĐBSCL khi vẫn còn đó những góc khuất thiếu minh bạch trong quản lý, trong khi nhu cầu về cát ngày càng cao. Đã có những vụ án được cơ quan chức năng phá án về “hóa đơn ma” mua bán lậu tới hàng triệu m3 cát. Nên cần có những giải pháp khuyến khích sử dụng vật liệu thay thế trong các công trình để gảm bớt nhu cầu về cát. Ưu tiên tìm kiếm những giải pháp mới, sử dụng tiết kiệm nguyên liệu và đưa vật liệu thay thế vào xây dựng.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Thắng, Trưởng Văn phòng đại diện Báo Nông nghiệp Việt Nam tại ĐBSCL gợi ý thành lập câu lạc bộ truyền thông về cát, tập hợp đầy đủ số liệu về ngân hàng cát, ý kiến chuyên gia, các mô hình sử dụng vật liệu thay thế cát… Ảnh: Hoàng Vũ.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Thắng, Trưởng Văn phòng đại diện Báo Nông nghiệp Việt Nam tại ĐBSCL gợi ý thành lập câu lạc bộ truyền thông về cát, tập hợp đầy đủ số liệu về ngân hàng cát, ý kiến chuyên gia, các mô hình sử dụng vật liệu thay thế cát…
Tham dự tọa đàm, TS Dương Văn Ni cho biết, dân ĐBSCL gọi con sông chứ không phải dòng sông, người dân hiểu nó như là cơ thể sống, cần có cái ăn mới sống, có phù sa bồi đắp, mà cát là nguồn năng lượng, có nhiều thì tích tụ lại, mất cát thì trước hết là sẽ mất dần các cồn, cù lao, bãi bồi ven sông do sạt lở… Cát như là đôi chân của ĐBSCL, chính cát giúp cho đất đai lấn dần ra biển, khai thác cát sông quá mức, khai thác cát biển là cắt đứt đôi chân này.
Hiện nay chúng ta đang bán công khai thác, vận chuyển cát chứ không phải bán giá trị của hạt cát… Bán dưới giá trị, cát bị tận dụng để san lấp ặt bằng nhiều gấp 10 lần so với lượng cát dùng cho xây dựng. Trong khi đó, xây dựng công trình hoàn toàn có thể dùng sàn bê tông mà không cần phải tốn kém nguồn cát rất lớn để tôn cao nền.
Theo ông Hoàng Việt, Giám đốc dự án Quản lý Cát kiêm Quản lý chương trình Nước ngọt, WWF-Việt Nam thì chúng ta đang gặp khó khăn rất nhiều về cát và cần có những giải pháp thay thế. Hiện nay ngân hàng cát đang bị âm do khai thác qúa mức. Do đó, truyền thông cần lên tiếng mạnh mẽ để đánh động đến những nhà ra chính sách có giải pháp quản lý cát hiệu quả hơn. Đồng thời, cần kết nối những nhà khoa học, chuyên môn và những bên liên quan, truyền tải những thông điệp về tình trạng khan hiếm cát hiện nay.
Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng công trình xanh, đồng thời đánh giá sự tác động của biến đổi khí hậu trên thế giới. Hơn 15 năm qua, tổ chức của chúng tôi đã nghiên cứu nhiều chương trình, dự án thích ứng biến đổi khí hậu đảm bảo về môi trường trường xanh.
Chúng tôi thấy rằng trong tài liệu quan trọng của ngành xây dựng, liên quan vật liệu xây dựng đó là cát, và vấn đề khai thác cát bền vững, đang được quan tâm hiện nay. Cho nên chúng tôi phối hợp với các chuyên gia, nhà nghiên cứu xây dựng nhiều chương trình để đảm bảo nguồn tài nguyên cát trên thế giới. Qua đó, chúng ta thầy cần phải có giải pháp, kiểm soát khai thác cát, chính sách về thuế, cấm khai thác cát ven biển.
Đồng thời, giảm lượng cát đối với các dầm, cột bê tông, thay thế hình thức bê tông kiểu nhẹ rỗng, hay sử dụng vật liệu tường nhẹ như thạch cao.
Ông Douglas Snyder - Giám đốc điều hành, Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC)