Tại huyện miền núi Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng, mô hình trồng điều sạch, điều hữu cơ đang được nhân rộng đã tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc.
Đạ Tẻh là huyện miền núi của tỉnh Lâm Đồng có 4 buôn của cộng đồng dân tộc thiểu số Tây Nguyên sinh sống. Vài năm trở lại đây, diện tích sản xuất điều theo hướng hữu cơ tại Đạ Tẻh phát triển mạnh với sự liên kết của các doanh nghiệp, trong đó có Công ty Cổ phần Visimex Sài Gòn.
Theo Công ty Cổ phần Visimex Sài Gòn, việc liên kết xây dựng vùng nguyên liệu cho sản phẩm điều hữu cơ tại huyện Đạ Tẻh đã trở thành mục tiêu chiến lược của công ty. Ngay từ năm 2020, công ty đã triển khai chương trình chuyển đổi canh tác điều theo hướng hữu cơ tại các xã Đạ Lây, Đạ Pal, Mỹ Đức, Triệu Hải, Quốc Oai của huyện Đạ Tẻh.
Tham gia mô hình sản xuất điều hữu cơ, bà con được huyện hỗ trợ đầu tư tái canh vườn điều, ghép giống điều chất lượng cao. Đồng thời được đội ngũ kỹ sư Công ty Cổ phần Visimex Sài Gòn “cầm tay chỉ việc”, tận tình hướng dẫn chăm sóc, bón phân theo quy trình hữu cơ; phân, thuốc đều là vi sinh nên năng suất vườn điều tăng từng năm. Bà con được hướng dẫn ghi chép sổ sách theo quy trình quản lý canh tác hữu cơ; cách thức thiết lập vùng đệm, hàng rào sinh học, loại bỏ các nguồn lây nhiễm như bao phân hóa học, bao bì thuốc bảo vệ thực vật ra khỏi vườn cây…
Sơ chế điều xuất khẩu
Đến nay, Công ty Cổ phần Visimex Sài Gòn đã hướng dẫn cho 350 hộ nông dân tham gia mô hình trên địa bàn các xã áp dụng quy trình trồng điều hữu cơ. Đồng thời, khoanh vùng, ký kết hợp đồng bao tiêu, thu mua sản phẩm vùng điều tại các xã tham gia mô hình. Điều có chứng nhận hữu cơ được công ty thu mua giá cao hơn 3.000 - 4.000 đồng/kg so với giá thị trường.
Sản xuất điều hữu cơ theo tiêu chuẩn Organic đòi hỏi quy trình kỹ thuật khắt khe, khác hẳn với tập quán canh tác lạc hậu trước đây. Điều đáng mừng là các hộ liên kết là đồng bào dân tộc thiểu số không còn tư tưởng ỷ lại “được hay mất mùa nhờ trời” mà chủ động chăm sóc điều theo hướng hữu cơ với quy trình nghiêm ngặt và được giám sát bởi đội ngũ kỹ sư của công ty. Hằng năm, đoàn kiểm tra đến lấy mẫu đất, nước và hạt điều tại các vườn điều bất kỳ để phân tích, kết quả đều đạt độ an toàn cho phép.
Trong năm 2022, Công ty Cổ phần Visimex Sài Gòn tiếp tục phối hợp với huyện Đạ Tẻh hỗ trợ bà con chuyển đổi khoảng 500 - 750 ha canh tác điều hữu cơ và bao tiêu sản phẩm cho bà con tham gia mô hình tại các xã Đạ Lây, Đạ Pal, Mỹ Đức, Triệu Hải, Quốc Oai và xã Đạ Kho.
Với những kết quả ban đầu của mô hình sản xuất điều hữu cơ, huyện Đạ Tẻh đã từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm cho cây điều. Đơn cử như sản phẩm hạt điều rang muối của Công ty TNHH MTV Chánh Thu (xã Đạ Lây, huyện Đạ Tẻh) đã đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Hằng năm, công ty thu mua khoảng 30% điều của huyện Đạ Tẻh với hơn 1.000 tấn tươi.
Điều rang muối là đặc sản của huyện Đạ Tẻh
Ngoài xuất khẩu hàng thô, Công ty TNHH MTV Chánh Thu còn sản xuất hạt điều rang muối theo quy trình hữu cơ, đảm bảo “4 không”: Không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, không hương thơm nhân tạo, không chất tạo màu, không chất bảo quản. Quy trình sản xuất đảm bảo khép kín, tạo ra những hạt điều rang muối thơm ngon, chất lượng, trở thành một trong những đặc sản của huyện Đạ Tẻh.
Huyện Đạ Tẻh đang tích cực vận động người dân mạnh dạn chặt bỏ, trồng mới hoặc ghép cải tạo tất cả các diện tích điều giống cũ và già cỗi sang trồng các giống mới cho năng suất và chất lượng tốt hơn. Đồng thời, khuyến khích bà con cải tạo và thâm canh vườn điều, trồng theo hướng hữu cơ. Bên cạnh đó, huyện Đạ Tẻh định hướng phát triển theo hướng liên kết, gắn sản xuất với sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để tạo dựng thương hiệu điều mang lợi thế đặc trưng nổi trội của địa phương.
Trong đó, quan trọng hơn là kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến điều; liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm giữa người dân trồng điều với các doanh nghiệp... Có như vậy, cây điều mới từng bước phát triển bền vững, trở thành một trong những cây trồng chủ lực góp phần tăng thu nhập, ổn định kinh tế cho đồng bào.
Nông nghiệp hữu cơ là xu hướng phát triển tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững. Nông nghiệp hữu cơ đảm bảo nâng cao chất lượng nông sản, tạo ra sản phẩm sạch, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa giúp nâng cao hiệu quả kinh tế và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.