Việc xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính sẽ được Việt Nam thực hiện thí điểm tại 1 nhóm doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất xi măng, từ năm 2023.
Năm 2023, Việt Nam sẽ tăng cường chính sách và năng lực kỹ thuật quốc gia cho thực hiện kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính. Trong đó, việc xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính sẽ được thực hiện thí điểm tại 1 nhóm doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất xi măng - vốn có phát thải lớn trong quá trình sản xuất.
Thông tin trên được đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra tại hội thảo khởi động dự án “Nâng cao năng lực quản lý dữ liệu và thông tin báo cáo phù hợp với yêu cầu Khung minh bạch tăng cường (CBIT) của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu” do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UNDP tổ chức sáng 21/12, tại Hà Nội.
Dự án trên do Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) triển khai trong thời gian 4 năm (từ năm 2022-2026) với sự hỗ trợ tài chính từ Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) thông qua Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP).
Mục tiêu cụ thể của dự án là hoàn thiện các hướng dẫn kỹ thuật; đào tạo chuyên môn thúc đẩy triển khai thực hiện các quy định về kiểm kê khí nhà kính, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; theo dõi nguồn lực hỗ trợ tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu, tuân thủ các quy định về minh bạch tăng cường của Thỏa thuận Paris.
Dự án bao gồm 3 hợp phần. Trong đó, tại hợp phần 1 với tiêu đề “Tăng cường chính sách và năng lực kỹ thuật quốc gia cho thực hiện kiểm kê và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính,” Cục Biến đổi khí hậu sẽ tập trung xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật, xác định và khai thông các điểm nghẽn trong vận hành hệ thống kiểm kê khí nhà kính quốc gia từ Trung ương đến các cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.
Cùng với đó, dự án sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo để các cơ sở có thể thực hiện kiểm kê, xây dựng kế hoạch thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo yêu cầu minh bạch tăng cường, tuân thủ Thỏa thuận Paris và Bộ Quy tắc hướng dẫn thi hành.
Trên cơ sở đó, dự án kỳ vọng khung kiểm kê khí nhà kính quốc gia hiệu quả và bền vững sẽ được thiết lập; hiệu quả công tác giám sát kiểm kê phát thải khí nhà kính từ các nguồn phát thải lớn được nâng cao; các vấn đề bình đẳng giới được lồng ghép trong hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm tra về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Đặc biệt, trong năm 2023, dự án sẽ xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thực hiện thí điểm tại 1 nhóm doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất xi măng.
Tại hợp phần 2 về tăng cường hệ thống quốc gia về theo dõi và giám sát nguồn lực trong nước và quốc tế, dự án sẽ giúp củng cố hệ thống quốc gia để theo dõi các nguồn lực tài chính quốc gia và quốc tế hỗ trợ cho thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đối với hợp phần 3, dự án sẽ giám sát đánh giá và phổ biến các thực hành tốt ở cấp quốc gia và quốc tế theo hướng: Giám sát thực hiện dự án nhằm đảm bảo tầm nhìn của dự án và chia sẻ các bài học kinh nghiệm ở cấp quốc gia và quốc tế./.