Năm 2022, tình hình kinh tế khó khăn khiến Công ty Cổ phần Cảng Cam Ranh không hoàn thành được các chỉ tiêu như kế hoạch đặt ra. Trước thềm năm 2023, Ban Giám đốc Công ty đã đưa ra nhiều giải pháp để tăng doanh thu, lợi nhuận và thu nhập cho người lao động.
Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Cảng Cam Ranh, năm 2022, sản lượng hàng hóa qua cảng đạt 2,4 triệu tấn, doanh thu đạt 150 tỷ đồng, không giảm so với năm 2021, nhưng không đạt so với kế hoạch đề ra. Lợi nhuận của công ty chỉ đạt hơn 20 tỷ đồng, giảm nhiều so với năm 2021. Nguyên nhân là do năm 2021, hàng hóa qua cảng có khối lượng lớn cánh quạt điện gió; sang năm 2022, mặt hàng này không còn do các dự án điện gió đã tạm ngừng thi công. Vì thế, hàng hóa thông qua cảng chủ yếu là các mặt hàng truyền thống, như: Dăm gỗ, đá xây dựng, xi măng… Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng cao đã ảnh hướng rất nhiều đến giá dịch vụ, làm giảm lợi nhuận của công ty.
Hoạt động bốc dỡ hàng hóa tại cảng Cam Ranh.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thắng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cảng Cam Ranh cho biết, năm 2023, dự báo tình hình kinh tế ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung tiếp tục gặp khó khăn. Với tình hình đó, Ban Giám đốc Công ty đã bàn các giải pháp để quyết tâm vượt khó trong năm 2023. Cụ thể, công ty đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp về thị trường và kinh doanh; hợp tác liên kết để phát triển kinh doanh dịch vụ với chuỗi các doanh nghiệp trong cùng tổng công ty; chính sách khách hàng; quản trị và đổi mới doanh nghiệp; tài chính và đầu tư; nguồn nhân lực…
Công ty sẽ ưu tiên khôi phục, duy trì và khai thác hiệu quả thị trường hiện có, mở rộng thị phần để gia tăng lượng hàng thông qua cảng. Trước mắt, công ty sẽ làm việc với các tập đoàn năng lượng, tập đoàn sắt thép để đưa lượng hàng hóa là thiết bị, cấu kiện, sắt thép của các dự án ở khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên thông qua cảng Cam Ranh. Dự kiến, trong năm 2023, công ty sẽ hợp tác với các đối tác như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hòa Phát… để đưa mặt hàng alumina, thiết bị, sắt thép… thông qua cảng.
Cùng với đó, công ty sẽ phát triển hoạt động logistics trên nền tảng phát huy tối đa hệ thống cơ sở vật chất của cảng Cam Ranh và phối hợp chặt chẽ với các đối tác để xây dựng chuỗi dịch vụ, tạo giá trị gia tăng cho khách hàng; tăng cường mối quan hệ, phối hợp với các đơn vị trong hệ thống để học hỏi kinh nghiệm quản lý, khai thác cảng.
Theo ông Thắng, năm 2023, công ty sẽ lập dự án đầu tư mới nâng công suất bến cảng 1 từ 3 vạn tấn/năm lên 5 vạn tấn/năm, bến cảng 2 từ 5 vạn tấn/năm lên 7 vạn tấn/năm. Bên cạnh việc đầu tư về cơ sở vật chất, công nghệ thông tin, công ty còn chú trọng chính sách chăm sóc khách hàng. Cụ thể, công ty sẽ đa dạng hóa kênh kết nối (Facebook, Zalo, Youtube, Email, Chatbot…) nhằm xây dựng cấp độ chuyên nghiệp hơn trong tương tác với khách hàng; thường xuyên khảo sát mức độ hài lòng, kịp thời tiếp nhận những phản ánh của khách hàng để điều chỉnh, hoàn thiện dịch vụ của công ty.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh đã đề ra, Công ty Cổ phần Cảng Cam Ranh kiến nghị Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam và UBND tỉnh quan tâm, hỗ trợ đẩy nhanh thực hiện các thủ tục đầu tư, nâng cấp luồng lạch, cầu bến, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.