Sau khi tăng đột biến vào tháng 9/2022, gấp 40 lần so với cùng kỳ, xuất khẩu (XK) cá ngừ của Việt Nam sang Italy trong tháng 10 lại "lao dốc".
Chế biến cá ngừ tại Công ty CP Thủy sản Bình Định. Ảnh: T.H
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam, sau phục hồi trong tháng 9/2022, tăng gấp 40 lần so với cùng kỳ, XK cá ngừ của Việt Nam sang Italy trong tháng 10 lại tiếp tục lao dốc mạnh.
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, trị giá XK cá ngừ sang thị trường Italy trong tháng 10/2022 giảm 88% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 225 nghìn USD. Tính luỹ kế 10 tháng đầu năm 2022, XK cá ngừ của Việt Nam sang Italy đạt 7,6 triệu USD, giảm 72% so với cùng kỳ năm trước.
Sự sụt giảm này đã khiến Italy từ vị trí là thị trường NK cá ngừ lớn nhất của Việt Nam trong khối EU năm 2021 đã tụt xuống vị trí thứ 7 trong 10 tháng đầu năm 2022.
Hiện có 11 doanh nghiệp đang XK cá ngừ sang Italy, trong đó Nha Trang Bay, Dragon Waves và Thanh Dung Canning Co.,Ltd là 3 công ty XK nhiều nhất cá ngừ sang thị trường này, chiếm 68% tổng giá trị XK sang thị trường này.
Theo số liệu thống kê của Eurostat, Việt Nam hiện đang là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 7 cho thị trường Italy, chiếm 3% tổng NK cá ngừ của Italy.
Năm nay, việc Italy dỡ bỏ các hạn chế nhằm ngăn chặn sự bùng phát của đại dịch Covid-19 và mở cửa nhà hàng, quán cafe trở lại, cũng như du lịch phục hồi đã làm tăng lượng cá ngừ tiêu thụ tại nước này. Italy hiện đang nhập khẩu rất nhiều cá ngừ chế biến và đóng hộp. Hiện cứ 3 người Italy thì có 1 người tiêu thụ cá ngừ đóng hộp ít nhất 2 đến 3 lần mỗi tuần.
Tuy nhiên, do tác động kép của đại dịch Covid-19 và ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga – Ukraine đã khiến cho lạm phát tại Italy trong nửa cuối năm 2022 có xu hướng gia tăng. Giá tiêu dùng các sản phẩm cá ngừ và hải sản tại Italy đã tăng 8,8% trong 10 tháng đầu năm 2022. Điều này đã làm kìm hãm NK và ảnh hưởng tới tiêu thụ cá ngừ tại nước này. Và các nhà nhập khẩu Italy có xu hướng lựa chọn các nguồn cung cá ngừ được hưởng nhiều ưu đãi, giảm thuế hay giá rẻ như Ecuador, Colombia hay Bờ Biển Ngà. Bên cạnh đó, Italy có xu hướng gia tăng nhập khẩu từ các nguồn cung trong nội khối như từ Tây Ban Nha hay Hy Lạp.