Chỉ duy nhất bà Lương Thị Cẩm Tú là thành viên HĐQT đương nhiệm có tên trong danh sách 7 ứng cử vào HĐQT Eximbank nhiệm kỳ mới.
Sáng nay 15/2, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - mã
EIB) tiến hành ĐHĐCĐ thường niên 2021 lần thứ 2.
Một trong những nội dung được chú ý tại đại hội lần này là việc bầu nhân sự HĐQT
EIB với số lượng là 7 người (ít nhất 1 thành viên độc lập), nhân sự ban kiểm soát là 3.
Theo tài liệu đại hội cập nhật mới nhất, trong số 7 ứng cử viên bầu vào thành viên HĐQT ngân hàng chỉ duy nhất có bà Lương Thị Cẩm Tú là thành viên đương nhiệm. Bà Tú từng giữ vị trí Chủ tịch ngân hàng vào tháng 3/2019.
6 ứng viên còn lại được đề cử từ nhiều nhóm cổ đông đến từ nhiều doanh nghiệp. Trong đó nhóm cổ đông liên quan tới Tập đoàn Thành Công đề cử hai ứng viên, là bà Lê Hồng Anh và ông Đào Phong Trúc Đại.
Đến 10h, Đại hội có 146 cổ đông tham dự, đại diện cho hơn 1,16 tỷ cổ phiếu, tương đương 94,6% cổ phần có quyền biểu quyết - Ảnh: Huyền Châm
Cụ thể, bà Lê Hồng Anh (SN 1975) là Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính kế toán của CTCP Tập đoàn Thành Công, Chủ tịch HĐQT CTCP Thành Công Phạm Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH TCG Land. Ông Đào Phong Phúc Đại (SN 1975) là Tổng giám đốc CTCP Đầu tư PV-Inconess, được đề cử bởi CTCP Tập đoàn Thành Công, ông Exim Investments và bà Nguyễn Hồng Ngọc.
Nhóm Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) – cổ đông chiến lược, nắm giữ 15% vốn Eximbank đề cử ông Võ Quang Hiển (SN 1969). Ông Hiển là Giám đốc điều hành Bộ phận Tài trợ thương mại toàn cầu – Ngân hàng Sumitomo Mitsui – Chi nhánh Singapore.
Trước thềm đại hội, cổ đông tổ chức này đã chấm dứt trước thời hạn thoả thuận liên minh chiến lược với Eximbank.
Nhóm cổ đông Lafelle Limited, Education Management Holdings Limited và ông Trần Công Cận đề cử ông Nguyễn Hiếu (SN 1973) là thành viên HĐQT CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC). Ông Hiếu còn nhận được đề cử của bà Ngô Thu Thuý, Chủ tịch HĐQT CTCP Âu Lạc.
Danh sách ứng viên cũng có sự góp mặt của ông Nguyễn Thanh Hùng (SN 1978) là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Bamboo Capital (BCG). Ông Hùng được đề cử bởi nhóm cổ đông bao gồm ông Nguyễn Hồ Nam, bà Lê Thị Mai Loan, CTCP Thắng Phương, CTCP Đầu tư và Dịch Helios.
Ứng viên cuối là bà Đỗ Hà Phương (SN 1984), đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành Công ty TNHH VNInvest Partners được đề cử bởi 7 cá nhân gồm ông Dương Tiến Dũng, ông Nguyễn Quốc Toàn, bà Nguyễn Thị Kim Phượng, bà Trương Vũ Họa Mi, bà Lê Mộng Tuyền, ông Trần Ngọc Nhật, bà Lưu Như Trân và 4 tổ chức bao gồm CTCP Rồng Ngọc, CTCP Hoàng Gia ĐL, CTCP Hoàn Vũ Sài Gòn, Công ty TNHH M8.
Trong khi đó, danh sách ứng cử vào ban kiểm soát ngân hàng gồm 5 người, đại hội sẽ bầu ra 3 thành viên.
3 thành viên ban kiểm soát hiện tại của Eximbank tiếp tục được đề cử bao gồm ông Trần Ngọc Dũng (SN 1966), bà Phạm Thị Mai Phương (SN 1982) và ông Trịnh Bảo Quốc.
2 ứng cử còn lại gồm bà Nguyễn Thị Hiền Ngọc (SN 1969) là Kế toán trưởng Tập đoàn Thành Công và ông Ngô Tony (SN 1971) được đề cử bởi nhóm cổ đông bao gồm ông Nguyễn Hồ Nam, bà Lê Thị Mai Loan, CTCP Thắng Phương, CTCP Đầu tư và Dịch Helios.
Trước đó, vào cuối tháng 7/2021, Eximbank đã lên kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2021 lần thứ 2 và một cuộc họp bất thường nhưng không tiến hành được do ảnh hưởng từ dịch COVID-19.
Theo tài liệu của cuộc họp bất thường nói trên, một nhóm cổ đông trình đại hội đề nghị miễn nhiệm 5 thành viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2015 - 2020 bao gồm ông Yasuhiro Saitoh, ông Lê Minh Quốc, ông Cao Xuân Ninh, ông Lê Văn Quyết và ông Ngô Thanh Tùng.
Tại kỳ ĐHĐCĐ thường niên lần thứ 2 này, ngân hàng đề ra mục tiêu huy động vốn 2022 dự kiến đạt 147.600 tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2021; dư nợ cấp tín dụng tăng 13,5% đạt 115.700 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế năm 2022 dự kiến là 2.500 tỷ đồng, tăng 127% so với năm 2021. Thu nhập ngoài lãi tăng 216 tỷ lên 1.159 tỷ đồng. Tổng tài sản năm 2022 đạt 179.000 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ.
Kết thúc năm 2021, tổng tài sản ngân hàng đạt 166.000 tỷ đồng; huy động vốn đạt 138.600 tỷ đồng; dư nợ cấp tín dụng đạt 115.790 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu nội bảng duy trì dưới 2%. Lợi nhuận trước thuế năm 2021 của ngân hàng ước đạt 1.100 tỷ đồng, giảm gần 18% so với lợi nhuận trước thuế năm 2020 là 1.340 tỷ đồng. Thu nhập ngoài lãi cả năm dự kiến đạt 943 tỷ đồng.
Ngân hàng cũng trình cổ đông dự án xây trụ sở ngân hàng tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm, quận 1. Dự án có tên Tháp Eximbank được xây trên khu đất có diện tích 3.513,7m2. Dự án có chức năng văn phòng, khách sạn, căn hộ cao 40 tầng.
Ngân hàng trình cổ đông chấp thuận phương án
EIB góp giá trị quyền sử dụng đất, nhà đầu tư xây dựng tòa nhà văn phòng và thực hiện phân chia sản phẩm phù hợp với quy định pháp luật. Tuy nhiên hiện NHNN vẫn chưa cho ý kiến. Vì vậy trong trường hợp NHNN không đồng ý phương án này thì chấp thuận cho
EIB đầu tư bằng nguồn vốn của ngân hàng, phần diện tích không sử dụng hết sẽ cho thuê theo quy định…
Cập nhật đến 10h, Đại hội có 146 cổ đông tham dự, đại diện cho hơn 1,16 tỷ cổ phiếu, tương đương 94,6% cổ phần có quyền biểu quyết.
Lúc 10 giờ 25 phút Chủ tịch
EIB Yasuhiro Saitoh chủ trì đại hội. Ông Yasuhiro Saitoh giới thiệu hai thành viên đoàn chủ tọa là ông Trần Ngọc Dũng và ông Trần Tấn Lộc. Với tỷ lệ hơn 60%, đại hội đã thông qua chương trình đại hội.
10 giờ 55, ông Yasuhiro Saitoh Chủ tịch
EIB phát biểu khai mạc đại hội.
“Cuối cùng chúng ta đã tổ chức được đại hội sau bao ngày mong đợi. Tôi được biết tôi là người nước ngoài đầu tiên làm chủ tịch ngân hàng tại Việt Nam. Không chỉ Eximbank mà còn nhiều ngân hàng khác đề cử tôi tham gia HĐQT. Tôi đã sống TP.HCM 12 năm”, ông Yasuhiro Saitoh mở đầu phần phát biểu.
Vị này cho biết, 2021 là năm đầy thách thức với nền kinh tế thế giới và Việt Nam. Giai đoạn đầu dịch COVID lần thứ tư diễn biến nhanh hơn nhiều so dự kiến, vaccine không đủ do dân số đông, chính quyền phải giãn cách. Tuy nhiên, chiến lược tiêm chủng của Việt Nam đã phát huy hiệu quả, vượt qua tỷ lệ của Mỹ và Anh là 2 quốc gia sản xuất vaccine.
“Những người nước ngoài sống ở Việt Nam như chúng tôi thực sự thấy may mắn khi sống ở tại đây”, ông Yasuhiro Saitoh nói.
Theo chia sẻ của Chủ tịch
EIB, việc giãn cách khiến một số chi nhánh, phòng giao dịch phải đóng cửa. Nhân viên bị buộc làm việc ở luôn chỗ làm. Ông đánh giá cao việc họ đã đóng góp công sức to lớn cho vận hành ngân hàng.
“Cuối cùng TP.HCM đã khống chế thành công. Một lần nữa chúng tôi đánh giá cao hành động của chính phủ, chính quyền địa phương”, Chủ tịch
EIB cho biết.
Ông Yasuhiro Saitoh cho biết,
EIB đã 3 năm không tổ chức ĐHĐCĐ, nguyên nhân do sự thiếu giao thiệp thấu hiểu giữa các nhóm cổ đông lớn.
“Chúng tôi hiểu tất cả mục tiêu định hướng của cổ đông là giống nhau, nên tôi chân thành đề nghị cổ đông hợp tác, thấu hiểu lẫn nhau. Tôi vui mừng khi chúng ta đã triệu tập được đại hội hôm nay để có thể bầu thành viên HĐQT, BKS mới”, ông Yasuhiro Saitoh phát biểu.
Ông Yasuhiro Saitoh chia sẻ, qua thời gian khó khăn,
EIB có thay đổi nhân sự, hoạt động kinh doanh khởi sắc trở lại, tổng tài sản, thu nhập bắt đầu tăng, nhận được các giải thưởng như Nhà kiến tạo thị trường tốt nhất, Khối lượng giao nhiều nhất…
Về SMBC, Chủ tịch
EIB thông tin, đầu năm nay, SMBC không còn là đối tác chiến lược tuy nhiên vẫn là cổ đông của
EIB. Như báo chí đề cập, SMBC vẫn còn là cổ đông trong thời gian hiện tại.
Điểm nhấn cuối cùng, ông Yasuhiro Saitoh cho biết, năm nay
EIB thỏa mãn điều kiện để chia cổ tức đó là xử lý các khoản nợ xấu. Lần gần nhất ngân hàng chia cổ tức 4% năm 2013.
EIB đã không chia cổ tức trong 9 năm qua.
“Năm nay
EIB có thể chia cổ tức và tùy vào HĐQT mới, cổ tức có thể lên đến 2 con số bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu, tùy thuộc vào chỉ đạo của NHNN. Như vậy, cuối cùng chúng ta có thể đưa
EIB trở lại hoạt động bình thường. Ngân hàng phải tăng tốc thúc đẩy kinh doanh mạnh mẽ hơn và tin rằng chúng ta có thể làm được. Chúng tôi cần sự hỗ trợ của quý vị, đặc biệt HĐQT và BKS mới được bầu”, Chủ tịch Eximbank chia sẻ với đại hội.