Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán DXG) ghi nhận doanh thu thuần quý IV/2021 là 2.263 tỷ đồng, gấp 2,2 lần nhờ nguồn thu từ bán căn hộ và đất nền 1.602 tỷ đồng, gấp nhiều lần mức 85 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Mảng môi giới mang về 505 tỷ đồng, từ hợp đồng xây dựng 129 tỷ đồng giảm so với cùng kỳ, và mảng dịch vụ quản lý, cho thuê và bất động sản đầu tư mang lại hơn 50 tỷ, gấp đôi quý IV/2020.
Trong kỳ, công ty ghi nhận doanh thu tài chính tăng đột biến từ 23,7 tỷ lên 259,7 tỷ đồng, trong đó chủ yếu đến từ khoản 220,2 tỷ đồng lãi thanh lý đầu tư. Chi phí tài chính cũng tăng 58% lên 134,5 tỷ đồng, trong đó hơn phân nửa là chi phí lãi vay. Các chi phí hoạt động cũng cao hơn cùng kỳ do tăng chi phí môi giới, quảng cáo, lương, dự phòng...
Kết quả, Đất Xanh báo lãi sau thuế 245,5 tỷ đồng, cải thiện so với khoản lỗ 21,6 tỷ đồng cùng kỳ. Lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ là hơn 275 tỷ, tăng vọt so với con số lỗ cùng kỳ năm ngoái hơn 107 tỷ đồng.
Theo giải trình của
DXG, quý 4/2020 chưa kịp ghi nhận doanh thu và lợi nhuận từ các dự án công ty đã triển khai bán hàng thành công; trong khi quý cuối năm 2021 bắt đầu bàn giao sản phẩm cho khách và ghi nhận doanh thu.
Cả năm 2021,
DXG ghi nhận doanh thu gấp 3,5 lần đạt hơn 10.083 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế là 1.595 tỷ đồng, cải thiện so với khoản lỗ 174 tỷ đồng của năm trước, hoàn thành 112% kế hoạch doanh thu và 85,7% kế hoạch lợi nhuận. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 1.157 tỷ đồng.
Điểm tích cực là dòng tiền kinh doanh của
DXG dương hơn 1.244 tỷ đồng, trong khi năm 2020 âm 780 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2021,
DXG có hơn 2.737 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, tăng 54% so với đầu kỳ. Đầu tư tài chính ngắn hạn 286 tỷ đồng, gồm 183,8 tỷ tiền gửi có kỳ hạn 3-12 tháng với lãi suất 3,3 - 7,7%/năm và 102 tỷ đồng các loại trái phiếu.
Chiếm tỷ trọng lớn là hàng tồn kho cũng tăng 16% lên 11.852 tỷ đồng, 80% số đó là bất động sản dở dang. Khoản phải thu hơn 10.182 tỷ đồng, tăng 41% so với đầu kỳ, trong đó phải thu ngắn hạn khác tăng mạnh hơn 2.378 tỷ đồng, lên 6.679,8 tỷ đồng.
Trong cơ cấu tổng nguồn vốn, người mua trả tiền trước ngắn hạn giảm từ 2.922 tỷ xuống 2.187 tỷ đồng. Nợ vay tài chính cuối kỳ là 4.479 tỷ đồng, giảm 25%. Trong đó, nợ ngắn hạn tăng 48% lên 2.962 tỷ đồng, nợ dài hạn giảm 61% xuống 1.517 tỷ. Hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu là 34%.