Nông nghiệp, trải qua nhiều cuộc khủng hoảng, vẫn khẳng định vai trò bệ đỡ. Đồng hành xuyên suốt cùng quá trình đổi mới của nền kinh tế và ngành nông nghiệp là sự hậu thuẫn của Agribank về vốn.
Vốn ngân hàng “chắp cánh” cho đổi mới nền kinh tế
Sau 35 năm đổi mới, bức tranh nông nghiệp, nông thôn đã hoàn toàn thay đổi. Từ chỗ thiếu đói, Việt Nam đã trở thành cường quốc xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới với 10 mặt hàng xuất khẩu hơn 1 tỷ USD. Góp phần không nhỏ tạo nên sự thay đổi đó chính là sự hậu thuẫn, đồng hành xuyên suốt của Agribank.
Thành lập tại thời điểm đất nước bắt đầu bước vào thời kỳ đổi mới, Agribank khi đó có tổng tài sản chưa tới 1.500 tỷ đồng; tổng nguồn vốn 1.056 tỷ đồng (gần 60% là vay từ Ngân hàng Nhà nước), dư nợ cho vay nền kinh tế chỉ hơn 1.100 tỷ đồng…
Thế nhưng, cùng với sự đổi mới của nền kinh tế, Agribank cũng lớn mạnh không ngừng. Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của Agribank đạt 1,68 triệu tỷ đồng, lớn nhất hệ thống; nguồn vốn đạt 1,58 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,31 triệu tỷ đồng. Đặc biệt, với sứ mệnh phục vụ tam nông, có tới 70% tổng dư nợ của Agribank là phục vụ lĩnh vực này. Riêng cho vay nông nghiệp của Agribank đã chiếm tới một nửa tổng dư nợ cho vay nông nghiệp của cả nền kinh tế.
Sau 33 năm đồng hành cùng nền kinh tế đổi mới, quy mô tín dụng của Agribank đã tăng hơn 1.100 lần. Nhờ đồng vốn từ Agribank, nông nghiệp và nông thôn khởi sắc, tín dụng đen từng bước được đẩy lùi, nền nông nghiệp được cơ cấu mạnh mẽ, bộ mặt nông thôn đổi mới, nhiều người dân vươn lên làm giàu. Agribank đã trở thành người bạn đồng hành thân thiết của người nông dân, doanh nghiệp ở nông thôn.
Không chỉ cung cấp tín dụng, Agribank còn là người tư vấn tận tình, mở ra cơ hội cho hàng triệu người nông dân tiếp cận ứng dụng nông nghiệp hàng đầu trên thế giới, góp phần đưa nền nông nghiệp Việt Nam có những bước tiến lớn trong gia nhập “sân chơi” toàn cầu. Đồng thời, với trên 200 sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích và đa dạng kênh phân phối, Agribank là lực lượng chủ lực góp phần hiện đại hóa mạng lưới thanh toán ở khu vực nông thôn.
Cho đến nay, Agribank đang là ngân hàng có quy mô và mạng lưới giao dịch lớn nhất hệ thống và cũng là ngân hàng tích cực nhất trong thực hiện các chương trình tín dụng chính sách. Cụ thể, Agribank có hơn 3 triệu khách hàng đang vay vốn thuộc 7 chương trình tín dụng chính sách, 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Agribank xác định vẫn tiếp tục là ngân hàng đi đầu trong việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ.
Sự đồng hành về vốn và sản phẩm dịch vụ của Agribank đã khẳng định được vai trò chủ đạo của ngân hàng thương mại nhà nước trong phát triển “tam nông”, góp phần đưa nông nghiệp và đất nước tiếp tục đổi mới.
Cùng hỗ trợ phục hồi nền kinh tế
Đại dịch Covid-19 đang tạo ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế. Trong khủng hoảng, ngân hàng thương mại nhà nước, trong đó có Agribank đã thể hiện vai trò tiên phong của mình, không chỉ là chỗ dựa vững chắc cho nền kinh tế, mà còn là lực lượng hàng đầu hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn.
Chỉ tính riêng năm 2021, Agribank đã chủ động cắt giảm chi phí hoạt động 10%, giảm lãi suất cho vay hỗ trợ trên 3,2 triệu khách hàng và giảm, miễn phí dịch vụ thanh toán với tổng mức giảm lãi và phí 6.400 tỷ đồng, đồng thời hỗ trợ công tác phòng, chống dịch 19.500 tỷ đồng.
Trong suốt hơn 33 năm qua, Agribank luôn đi đầu về thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng doanh nghiệp, doanh nhân, hộ sản xuất và cá nhân... Năm 2021, Agribank dành 115.000 tỷ đồng để thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất đối với khách hàng là doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp FDI, xuất nhập khẩu, khách hàng cá nhân vay tiêu dùng… Năm 2022, Agribank sẽ tiếp tục dành nguồn vốn này để triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi nhằm kích thích nền kinh tế, hỗ trợ khách hàng khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Trong giai đoạn phục hồi kinh tế sắp tới, Agribank và 3 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước lớn tiếp tục được kỳ vọng là lực lượng chủ lực triển khai gói hỗ trợ tiền tệ nằm trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội thông qua (trong đó có 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2%).