Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, mức giảm đang đề xuất là 1.000 đồng/lít với xăng và 500 đồng/lít, kg với dầu, mỡ nhờn đến hết năm 2022 là tích cực, nhưng chưa đủ.
Trả lời Bộ Tài chính về đề nghị góp ý Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/ 12/2022, VCCI thể hiện hai ý lớn.
Một là, VCCI đánh giá cao đề xuất của cơ quan soạn thảo về giảm mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Đề xuất này rất quan trọng và đặc biệt cần thiết trong bối cảnh hiện nay nhằm kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu, nguyên nhiên liệu rất quan trọng đối với hoạt động kinh doanh, góp phần tích cực trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch.
Dự thảo đang đề xuất phương án giảm 1.000 đồng/lít với xăng và 500 đồng/lít, kg với dầu, mỡ nhờn từ 1/4 tới hết năm 2022.
Hai là, phương án trên là tích cực, nhưng theo phản ánh của các doanh nghiệp, hiệp hội thì việc giảm thuế bảo vệ môi trường cần cân nhắc tiến hành mạnh mẽ hơn.
Lý do là giá bán lẻ xăng dầu đã đạt mức cao kỷ lục từ trước đến nay và dự báo tiếp tục tăng cao trong thời gian tới trong bối cảnh xung đột quân sự và trừng phạt kinh tế đang diễn ra căng thẳng tại châu Âu và có xu hướng leo thang.
Giải pháp trợ lực giảm thuế phí từ Nhà nước rất quan trọng trong bối cảnh sức khỏe của doanh nghiệp và cả nền kinh trong giai đoạn này đang yếu ốm, cần hồi phục. Hơn nữa giải pháp này cũng khả thi khi Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ giá xuất khẩu dầu thô tăng và tình hình thu ngân sách 2 tháng đầu năm 2022 rất khả quan.
VCCI đề nghị cân nhắc trình thêm một phương án nữa có mức giảm mạnh hơn. Cụ thể, mức giảm 2.000 đồng/lít với xăng; 1.000 đồng/lít với dầu, mỡ nhờn.
Thời hạn giảm có thể ngắn hơn, chẳng hạn 3-6 tháng nếu giá xăng dầu ổn định trở lại thay vì áp dụng một mức cố định trong cả 8 tháng, đến hết năm 2022.