Chỉ trong 2 ngày gần đây, giá thép tại một số doanh nghiệp tiếp tục được điều chỉnh tăng cao, có doanh nghiệp cho biết đã nhận được đơn hàng tới tháng 5/2022.
Ngoài các mặt hàng xăng dầu, khí đốt, gas tăng giá, thép cũng là một mặt hàng đang tăng nóng trong thời gian gần đây. Chỉ trong 2 ngày, nhiều công ty đã công bố mức giá mới cho các sản phẩm thép.
Cụ thể, ngày 07/3, CTCP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) công bố tăng thêm từ 800 nghìn đồng - 1 triệu đồng/tấn các loại thép bán tại nhà máy. Sau khi tăng giá, thép thanh vằn CB400, CB500 D10 (đường kính 10mm) có giá 18,2 triệu đồng một tấn (chưa gồm thuế VAT); thép vằn CB400, CB500 D12 có giá 18,05 triệu đồng mỗi tấn và thép cuộn CB240, thép vằn CB300 D10 có giá 18 triệu đồng một tấn,...
Ngoài TISCO, nhà máy sản xuất thép khác như: Kyoei cũng tăng thêm 800.000 đồng mỗi tấn với thép thanh vằn CB300 D10, lên 18,02 triệu đồng; thép cuộn CB240 D10 lên 18,2 triệu đồng, tăng 1,2 triệu đồng mỗi tấn so với tháng trước. Thép Việt Đức báo giá 17,7 triệu đồng, tăng 700.000 đồng với mặt hàng thép cuộn CB240; thép vằn CB300 D10 cũng được tăng lên 18,02 triệu đồng một tấn.
Chỉ sau 2 ngày, đến sáng nay (09/3) hàng loạt doanh nghiệp lại tăng giá thép lên mức mới, cao hơn cả đỉnh của năm 2021.
Cụ thể, Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên (Tập đoàn Hoà Phát) tăng giá thép cây, thép cuộn xây dựng ở mức 600.000 đồng/tấn. CTCP sản xuất thép Việt Đức và Kyoei cũng công bố tăng giá từ ngày 9/3 cho đến khi có thông báo mới với mức tăng là 600 đồng/kg.
Nguyên nhân của đợt tăng giá này theo các doanh nghiệp là do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao khiến giá bán tăng.
Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia, căng thẳng Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt do Mỹ hay EU áp dụng với Nga đã đẩy giá bán nhiều mặt hàng nguyên, vật liệu tại thị trường thế giới tăng cao trong đó có mặt hàng thép.
Nguyên nhân của đợt tăng giá này theo các doanh nghiệp là do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao khiến giá bán tăng.
TIÊU THỤ TRONG NƯỚC VÀ XUẤT KHẨU ĐỀU TĂNG
Theo thông tin từ Tập đoàn Hoà Phát, trong tháng 02/2022, sản lượng sản xuất thép thô của Tập đoàn Hòa Phát đạt 693.000 tấn, tăng 10% so với cùng kỳ 2021. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 708.000 tấn, tăng 39% so với cùng kỳ. Lượng thép cuộn cán nóng đã cung cấp cho thị trường trong tháng qua là gần 240.000 tấn, tăng 5% so với tháng 01/2022 và 36% so với cùng kỳ 2021.
Đầu tháng 02/2022, Hòa Phát đã ký hợp đồng xuất khẩu lô thép cuộn cán nóng (HRC) đầu tiên tới Ý với khối lượng 35.000 tấn. Đơn hàng đi Châu Âu mở ra thị trường tiêu thụ rộng lớn cho sản phẩm của Tập đoàn Hòa Phát. Ngày 26/02 vừa qua, toàn bộ lô hàng đã được giao cho đối tác tại cảng Hòa Phát Dung Quất. Đơn vị này cũng cho biết đã nhận được những đơn đặt hàng đến tháng 5/2022.
Còn theo theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, tổng lượng tiêu thụ thép xây dựng toàn thị trường trong tháng đầu năm cũng đạt trên 1 triệu tấn, tăng 1,55% so với tháng trước và tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu mặt hàng này trong tháng 1 đạt 231.892 tấn, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2021.