Nhơn Trạch 3&4 là hai dự án nhiệt điện đầu tiên sử dụng nhiên liệu khí LNG của Việt Nam, do Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) thực hiện, với không ít khó khăn.
Lễ ký kết hợp đồng EPC Dự án Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4
Bước chân người tiên phong
Giữa tháng 3/2022, PV Power và liên danh nhà thầu Samsung C&T Corporation - Lilama chính thức ký Hợp đồng EPC Dự án điện Nhơn Trạch 3&4 cùng các thỏa thuận liên quan. Đây là một cột mốc đáng chú ý của hai dự án nhiệt điện sử dụng nhiên liệu khí LNG đầu tiên của Việt Nam.
Với công suất 1.500 MW, các dự án Nhơn Trạch 3&4 có tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD và là dự án trọng điểm trong Quy hoạch Điện VII. Đi tiên phong xây dựng nhà máy điện khí thiên nhiên đồng nghĩa với nhiều việc “chưa từng”. Chưa từng có doanh nghiệp nào tại Việt Nam đầu tư xây dựng, vận hành các nhà máy điện sử dụng LNG trước đây. Kinh nghiệm mua khí LNG trên thị trường quốc tế - nguyên liệu đầu vào chính của nhà máy - cũng chưa từng có.
Mặc dù với PV Power việc xây dựng kho cảng LNG cho Dự án Nhơn Trạch 3& 4 không gặp khó khăn gì do mua luôn nguồn khí từ PV Gas cũng cấp nhưng với nhiều dự án điện khí LNG khác, việc lựa chọn vị trí xây kho cảng LNG cũng rất khó khăn và mất nhiều thời gian. Chưa kể phải bỏ ra chi phí không nhỏ trong nghiên cứu với các yêu cầu cảng nước sâu, luồng tầu.
Với công suất 1.500 MW, các Dự án Nhơn Trạch 3&4 có tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD và là Dự án trọng điểm trong Quy hoạch Điện VII.
Cũng giống như nhiều dự án khác, với hợp đồng mua bán điện (PPA), khung giá phát điện cho dự án điện sử dụng khí LNG hiện chưa ban hành. Giá bán điện được xây dựng với điều kiện cho phép chuyển ngang chi phí nhiên liệu khí từ hợp đồng mua bán khí sang hợp đồng mua bán điện. Bởi vậy, một cơ chế về bao tiêu sản lượng điện phát hàng năm để đảm bảo hiệu quả đầu tư, công tác thu xếp vốn, kêu gọi và thu hút đầu tư cũng là điều được PV Power và các chuyên gia cho rằng rất cần thiết và phải sớm được đưa ra.
Bên cạnh đó, việc thu xếp vốn cho các dự án cũng không dễ dàng, bởi các dự án điện độc lập (IPP) hiện không có bảo lãnh Chính phủ. Các tổ chức tài chính khi cho vay yêu cầu dự án phải đáp ứng các yêu cầu về môi trường hoặc tương đương với tiêu chuẩn quốc tế.
Chưa kể, tương tự các dự án điện khác, hoạt động của nhà máy điện còn phụ thuộc vào kế hoạch xây dựng đường dây truyền tải để giải tỏa công suất, hay công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và thủ tục bàn giao đất cho chủ đầu tư mất nhiều thời gian do các thủ tục phức tạp ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Dẫu vậy, lĩnh vực mới này cũng có nhiều lợi thế. Các nhà máy điện khí sử dụng nhiên liệu sạch, giảm thiểu phát thải CO2 và khí nhà kính, sử dụng công nghệ có hiệu suất cao, vận hành linh hoạt với khả năng thay đổi tải nhanh. Chưa kể, trong bối cảnh hiện nay, thủy điện không còn nhiều tiềm năng phát triển, điện than bị cắt giảm do ô nhiễm môi trường, nên cơ hội cho phát triển điện khí là rất lớn.
Một lợi thế khác đến từ nội lực của PV Power. Với 4 nhà máy điện khí đang vận hành, hơn 15 năm kinh nghiệm đầu tư và vận hành các dự án điện cùng đội ngũ nhân sự kinh nghiệm trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng và vận hành nhà máy điện là thuận lợi chủ đầu tư này.
Sẵn sàng nguồn lực tài chính
Chuẩn bị cho hai dự án lớn là Nhơn Trạch 3&4 đang triển khai, việc thu xếp vốn cho dự án đã được PV Power cấp tập thực hiện suốt thời gian qua. Đến nay, chủ đầu tư khẳng định đã đảm bảo thu xếp đầy đủ vốn cho dự án. Trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm 25% và 75% còn lại là các khoản vốn vay, gồm tín dụng xuất khẩu - ECA (600 triệu USD), vay thương mại nước ngoài (300 triệu USD), vay trong nước (4.000 tỷ đồng).
Nhằm hiện thực hóa các khoản vốn vay, PV Power cũng thực hiện ký kết gia hạn Thư ủy quyền cho tổ hợp ngân hàng Citi (Mỹ) & ING (Hà Lan) điều phối, thu xếp vốn tín dụng xuất khẩu cho các dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4.
Đến thời điểm cuối năm 2021, quy mô tài sản của PV Power xấp xỉ 52.980 tỷ đồng. Tình hình tài chính được cải thiện, cơ cấu nguồn vốn đang ngày càng lành mạnh hơn khi tỷ trọng vay nợ giảm đều qua các năm. Tỷ lệ nợ vay từ mức gần 54% hồi cuối năm 2018 đã lần lượt giảm còn 47% (năm 2019); 42,15% (năm 2020) và 41,25% (năm 2021). Nguồn vốn tự có của doanh nghiệp vào cuối năm 2021 đạt 31.125 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ xấp xỉ 23.419 tỷ đồng (1 tỷ USD).
Nhu cầu phụ tải tăng trưởng thấp cùng hoạt động sản xuất điện chịu ảnh hưởng của đại dịch cùng sự biến động mạnh của giá đầu vào đã tác động mạnh đến kết quả kinh doanh của PV Power năm 2021. Tổng công ty thu về 24.560 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính và 2.052 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Với sự biến động mạnh giá nguyên liệu trên thế giới vừa qua, các yếu tố đầu vào tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của PV Power.
Theo PV Power, trong khi nguồn điện khí tương đối ổn định do giá đã được quy định trước, thì nhà máy điện than của Tổng công ty lại chịu tác động đáng kể. Bên cạnh nguồn than chính do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cung cấp, PV Power cũng lên phương án chủ động nhập khẩu. Giá than nhập khẩu có thời điểm gần 300 USD/tấn, trong khi nhu cầu than của Ấn Độ và Trung Quốc đang rất lớn, nên việc nhập khẩu khó khăn, ảnh hưởng đến sản lượng điện sản xuất của Công ty. Tuy nhiên, theo đại diện PV Power, giá than và giá dầu được kỳ vọng sẽ sớm giảm nhiệt và giai đoạn khó khăn vì giá đầu vào này sẽ qua đi.