• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.316,14 +0,99/+0,08%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 1:10:00 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.316,14   +0,99/+0,08%  |   HNX-INDEX   216,32   -1,38/-0,63%  |   UPCOM-INDEX   95,52   -0,17/-0,18%  |   VN30   1.413,63   +6,11/+0,43%  |   HNX30   428,82   -3,99/-0,92%
21 Tháng Năm 2025 1:14:06 CH - Mở cửa
Mong manh cổ phiếu ngành gạo
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 21/05/2025 8:25:22 SA

Gạo Ấn Độ trở lại thị trường khiến giá gạo toàn cầu giảm sâu, tạo sức ép cạnh tranh nặng nề cho các nước xuất khẩu khác, trong đó có Việt Nam. Điều này đã được phản ánh ngay trong kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm của doanh nghiệp gạo trong nước.

Quý đầu năm 2025 được đánh giá là giai đoạn đầy biến động đối với các công ty lúa gạo trên sàn chứng khoán. Nhiều doanh nghiệp phải vật lộn với lợi nhuận sụt giảm hoặc thua lỗ kéo dài, chỉ số ít còn giữ được lợi nhuận.

Doanh nghiệp “ngụp lặn” trong thua lỗ

Theo thống kê, tổng doanh thu thuần của 10 doanh nghiệp gạo niêm yết trên sàn chứng khoán đạt gần 8.700 tỷ đồng trong quý I/2025, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước; trong khi lợi nhuận ròng bình quân giảm 23%, xuống gần 47 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp trung bình cải thiện từ 8,6% lên 9,3%, một phần do không còn doanh nghiệp nào kinh doanh dưới giá vốn như cùng kỳ.

Có 4 đơn vị báo lỗ, 3 doanh nghiệp giảm lãi và chỉ 3 doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận, cho thấy sự phân hóa rõ rệt trong bức tranh chung của ngành.

Theo thống kê, tổng doanh thu thuần của 10 doanh nghiệp gạo niêm yết trên sàn chứng khoán đạt gần 8.700 tỷ đồng trong quý I/2025, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước.

Từng là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong xuất khẩu gạo, CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, mã: AGM) ghi nhận kết quả kinh doanh quý I/2025 với một gam màu trầm trong bức tranh tổng quan đã nhiều mảng màu kém sắc kể từ những lùm xùm sau vụ Louis Holdings.

Theo đó, doanh thu thuần của Angimex đã rơi xuống đáy lịch sử với chưa đầy 21 tỷ đồng, giảm 64% so với cùng kỳ. Công ty báo lỗ gần 19 tỷ đồng, đánh dấu quý lỗ thứ 6 liên tiếp. Tính đến cuối tháng 3/2025, lỗ lũy kế của Angimex lên đến 482 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu âm tới 300 tỷ đồng.

CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TAR) cũng không tránh khỏi khó khăn, với doanh thu 3 tháng đầu năm thấp kỷ lục, chỉ 327 tỷ đồng, giảm tới 63%; giá vốn chiếm tới 97% khiến biên lãi gộp chỉ còn 1%. Kết quả, công ty lỗ ròng 18 tỷ đồng, đánh dấu quý lỗ thứ 4 liên tiếp.

Tương tự, Vinafood II (VSF) và Foodcosa (FCS) cũng rơi vào tình trạng thua lỗ, với lần lượt 5,3 tỷ đồng và 1 tỷ đồng - đảo chiều so với mức lãi khiêm tốn cùng kỳ. Lỗ lũy kế của Foodcosa lên hơn 195 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu còn chưa tới 60 tỷ đồng; còn Vinafood II gánh lỗ lũy kế lên tới 2.794 tỷ đồng, ảnh hưởng từ các sai phạm của lãnh đạo cũ sau cổ phần hóa năm 2018.

Cả 2 doanh nghiệp đều giảm doanh thu. Foodcosa rơi xuống đáy khi giảm 30%, còn 74 tỷ đồng; Vinafood II giảm 6%, còn 4.500 tỷ đồng.

Chiều ngược lại, CTCP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed, mã: NSC) ghi nhận doanh thu 368 tỷ đồng, tăng 5%. Mặc dù lợi nhuận gộp giảm nhẹ nhưng nhờ các khoản chi phí đều được tiết giảm đáng kể, Vinaseed báo lãi 37 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ.

Kigimex (KGM) cũng là một trong số ít doanh nghiệp gạo tăng trưởng lợi nhuận, đạt 3,7 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ; dù doanh thu giảm 15%, còn 1.370 tỷ đồng.

Ảnh hưởng bởi giá gạo giảm sâu

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 3 tháng đầu năm 2025, Việt Nam xuất khẩu gần 2,31 triệu tấn gạo, thu về 1,21 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2024, sản lượng tăng 5,82% nhưng giá trị lại giảm tới 15,5%. Giá xuất khẩu bình quân chỉ đạt khoảng 522 USD/tấn, giảm mạnh 20,18% – mức giảm sâu gây lo ngại trong toàn ngành.

Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn cung gạo tại châu Á đang dồi dào trở lại. Đặc biệt, Ấn Độ - quốc gia từng hạn chế xuất khẩu, đã quay trở lại thị trường với lượng dự trữ kỷ lục, khiến giá gạo toàn cầu giảm sâu, tạo sức ép cạnh tranh nặng nề cho các nước xuất khẩu khác, trong đó có Việt Nam.

Hơn nữa, khi Ấn Độ đẩy mạnh xuất khẩu để giảm tồn kho kỷ lục, giá gạo toàn cầu dự kiến sẽ duy trì ở mức thấp. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ cho các nhà xuất khẩu của Việt Nam trong nỗ lực duy trì lợi nhuận, thị phần.

Trong bối cảnh đó, quý I/2025, nhiều doanh nghiệp ngành gạo ghi nhận doanh thu sụt giảm và thua lỗ kéo dài.

Trên thị trường, cổ phiếu ngành gạo cũng chênh vênh không kém. Chẳng hạn, cổ phiếu TAR bị hủy niêm yết, cổ phiếu AGM đang bị kiểm soát và chưa được giao dịch ký quỹ, cổ phiếu LTG của CTCP Tập đoàn Lộc Trời về dưới mệnh giá, không xuất hiện giao dịch thời gian dài…

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng tác động từ việc Ấn Độ trở lại thị trường chỉ là tạm thời, vì gạo Việt Nam chủ yếu nhắm vào phân khúc chất lượng cao. Thêm vào đó, nguồn cung trong nước hạn chế đã ngăn chặn sự sụp đổ giá, và dự kiến nhu cầu nhập khẩu tăng từ nhiều thị trường có thể hỗ trợ sự phục hồi giá trong quý 2/2025.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo giảm trước đó phần nhiều là do tình trạng tranh bán nên các khách hàng vin vào đó để làm giảm thêm giá gạo Việt. Sau khi có chỉ đạo từ Chính phủ, tình trạng giảm giá gạo đã được chặn lại và giá liên tục nhích lên từ giữa tháng 3/2025.

Từ đầu tháng 4/2025 đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang hồi phục. So sánh trong các nước xuất khẩu gạo hàng đầu, giá gạo tẻ thường tiêu chuẩn 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đang ở vị trí dẫn đầu, với 396 USD/tấn, trong khi của Thái Lan là 395 USD/tấn, Pakistan là 387 USD/tấn và Ấn Độ là 376 USD/tấn.

Mặt khác, giá gạo tại Nhật Bản tăng kỷ lục do khủng hoảng nguồn cung buộc nước này đẩy mạnh nhập khẩu. Đây được cho là "cơ hội vàng" để gạo Việt Nam - với chất lượng ổn định và giá cả cạnh tranh - mở rộng thị phần tại một trong những thị trường khó tính nhất thế giới.

Theo Japannews, Công ty Kanematsu Corp., một doanh nghiệp thương mại tổng hợp lớn, đang cân nhắc tăng lượng gạo nhập khẩu hằng năm từ 10.000 tấn lên 20.000 tấn, không chỉ từ Mỹ mà còn từ Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch VFA đánh giá: “Gạo Việt Nam đang ở phân khúc trung bình cao và đang tiến lên phân khúc cao cấp hơn, với giá trị và thương hiệu ngày càng rõ nét. Ở phân khúc này, nhu cầu hiện rất lớn, đặc biệt tại các thị trường như Nhật Bản, Mỹ và EU. Cơn sốt giá gạo chưa từng có ở Nhật kéo dài từ cuối năm ngoái đến nay chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt. Đây là dư địa rất lớn để Việt Nam mở rộng sản xuất và xuất khẩu các loại gạo thơm, gạo đặc sản”.

Một số chuyên gia đánh giá, trước mắt, doanh nghiệp ngành gạo vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, khó có thể “trở mình” trong một sớm một chiều. Nhưng với những thông tin tích cực, kỳ vọng “sức khỏe” doanh nghiệp có thể cải thiện ít nhiều trong giai đoạn cuối năm, từ đó giúp cổ phiếu ngành này sớm được “cởi trói” để nhà đầu tư tin tưởng “xuống tiền”.

Hải Giang-Link gốc