Đồng Tháp sẽ phát triển đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu mọi đối tượng khách theo xu hướng du lịch mới hậu Covid-19.
UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành Kế hoạch mở cửa lại hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh trong điều kiện bình thường mới.
Đây là nỗ lực của tỉnh nhằm khôi phục lại hoạt động du lịch trong bối cảnh cả nước kiểm soát được đại dịch Covid-19; từng bước phục hồi thị trường khách du lịch quốc tế và nội địa theo hướng linh hoạt, an toàn, góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh thu hút khách du lịch; xây dựng hình ảnh du lịch Đồng Tháp là điểm đến an toàn, hấp dẫn.
Mục tiêu tỉnh Đồng Tháp đặt ra là phấn đấu trong năm 2022 thu hút 3 triệu lượt khách du lịch (bằng 75%); tổng thu từ du lịch đạt 1.000 tỷ đồng (bằng 100% so với năm 2019 – năm cuối trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện).
Đồng Tháp đặt mục tiêu thu hút 3 triệu lượt du khách trong năm 2022
Theo Kế hoạch đề ra, tỉnh Đồng Tháp sẽ triển khai đồng bộ các hoạt động kích cầu, xúc tiến quảng bá du lịch, tạo đòn bẩy khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới thông qua tổ chức chuỗi các sự kiện văn hóa, du lịch, thương mại, lễ hội, chương trình kích cầu du lịch để thu hút du khách trong và ngoài nước.
Các hoạt động điển hình như: Lễ hội Sen Đồng Tháp; Diễn đàn kết nối du lịch TP.HCM và 13 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long; Lễ hội Hoa Sa Đéc; Lễ hội vía Bà Chúa Xứ tại Khu di tích Gò Tháp; Lễ giỗ Ông, Bà Đỗ Công Tường; Lễ giỗ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc; Lễ giỗ Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều tại Khu di tích Gò Tháp...
Đồng thời, tham gia các hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch ngoài tỉnh như: Hội chợ Du lịch quốc tế tại Hà Nội và TP.HCM; Ngày hội Du lịch TP.HCM; Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ tại TP. Cần Thơ; các hoạt động sự kiện Năm Du lịch Quốc gia - Quảng Nam 2022...
Bên cạnh đó, Đồng Tháp sẽ phát triển đa dạng sản phẩm đáp ứng nhu cầu mọi đối tượng khách theo xu hướng du lịch mới hậu Covid-19 như: Tiếp tục đầu tư, nâng cấp các công trình thiết yếu, hoàn thiện sản phẩm du lịch đặc trưng tại các khu di tích, điểm du lịch trọng điểm theo định vị của đề án phát triển du lịch tỉnh; triển khai dự án Làng Văn hóa Du lịch Sa Đéc (sau khi được phê duyệt) gắn với sản phẩm OCOP; làm mới và nâng chất lượng sản phẩm du lịch hiện có tại các điểm tham quan, dịch vụ trải nghiệm, vui chơi giải trí, dịch vụ ăn uống, lưu trú, mua sắm, phương tiện vận chuyển, khu vệ sinh công cộng, bãi đậu xe, bến tàu khách...
Phát triển các sản phẩm dịch vụ mới, đa dạng và chất lượng gắn với từng phân khúc thị trường. Tăng cường sự liên kết giữa các điểm du lịch, giữa các dịch vụ trong chuỗi, liên kết hợp tác công tư. Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ du lịch nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác xây dựng các chuỗi sản phẩm, dịch vụ có tính bổ trợ cho nhau, gia tăng tính hấp dẫn thu hút khách và giá trị sản phẩm.
Triển khai các chương trình liên kết phát triển du lịch giữa TP. HCM và 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Hoàn thiện tuyến du lịch “sắc màu vùng biên” để giới thiệu, quảng bá, đưa vào khai thác phục vụ khách trong thời gian tới. Xây dựng các tour du lịch về làng, các tuyến du lịch đường thủy; phát triển các sản phẩm du lịch gắn với loại hình biểu diễn văn hóa nghệ thuật, các làng nghề truyền thống và ẩm thực Sen…
Theo Cục Thống kê tỉnh Đồng Tháp, trong 3 tháng đầu năm 2022, lượt khách lưu trú tại Đồng Tháp đạt 266,36 ngàn lượt, bằng 65,54% so với cùng kỳ năm trước. Sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, ngành du lịch của tỉnh đã từng bước phục hồi và phát triển trở lại.