Đại hội đồng cổ đông VTP năm 2022 đã thông qua tờ trình về việc sửa đổi, loại bỏ ngành nghề kinh doanh nhằm duy trì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa 49%. Hiện, các cổ đông nước ngoài sở hữu 21,6% cổ phần của VTP.
Sáng 23/4, Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post, mã
VTP) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) năm 2022. Tại đại hội, cổ đông đã thông qua tờ trình về hoạt động của công ty, trong đó đáng chú ý là việc sửa đổi, loại bỏ ngành nghề kinh doanh để duy trì tỷ lệ sở hữu nước ngoài (SHNN) tối đa là 49%.
VTP cho biết, với kế hoạch chuyển niêm yết sang sàn HOSE đã được cổ đông thông qua tại ĐHĐCĐ năm 2021,
VTP phải thực hiện thông báo tỷ lệ SHNN tối đa khi nộp hồ sơ niêm yết. Tại thời điểm chốt danh sách cổ đông ngày 28/3/2022, các cổ đông nước ngoài sở hữu 21,6% số cổ phần của
VTP, góp phần đem lại giá trị lớn, ổn định về giá cổ phiếu của Viettel Post.
Do đó,
VTP xác định việc duy trì tỷ lệ SHNN tối đa 49% là điều cần thiết. Điều này giúp cổ phiếu của Viettel Post thu hút dòng tiền từ các nhà đầu tư nước ngoài, tăng giá trị cho cổ phiếu và trở thành một kênh huy động vốn ổn định trong tương lai.
ĐHĐCĐ Viettel Post
ĐẶT MỤC TIÊU DOANH THU 25.722 TỶ ĐỒNG, LNST 498 TỶ ĐỒNG
VTP cũng đặt mục tiêu doanh thu đạt 25.722 tỷ đồng, tăng trưởng 19,34% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 498,41 tỷ đồng, tăng 68,44%. Tỷ suất lợi nhuận vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 46%.
Trong đó, công ty mẹ đặt mục tiêu doanh thu 22.024 tỷ đồng, tăng trưởng 17%. Lợi nhuận sau thuế đạt 490,41 tỷ đồng, tăng 67,58%, ROE 44%.
Đại hội cũng thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2021 bằng 24,33% vốn điều lệ. Trong đó, trả cổ tức bằng tiền mặt 15% và bằng cổ phiếu 9,33%.
Đại hội cũng thông qua phương án tăng vốn điều lệ bằng hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021. Số lượng cổ phần dự kiến phát hành là 9.671.518 cổ phần, nâng tổng số cổ phần của
VTP sau khi phát hành lên 113.230.010 cổ phần.
ĐẦU TƯ 17 TRUNG TÂM LOGISTICS LỚN
Cũng tại ĐHĐCĐ năm 2022, Tổng Giám đốc Viettel Post, ông Trần Trung Hưng cũng chia sẻ về kế hoạch mở 17 trung tâm logistics tại nhiều tỉnh, thành phố từ Bắc vào Nam. Hiện công ty đã thông qua nghị quyết 11 vị trí còn 6 vị trí đang trong giai đoạn khảo sát.
Tổng số vốn để mở 17 trung tâm logistics này được ước tính tới 3.400 tỷ đồng và được triển khai trong giai đoạn năm 2022, 2023.
Theo ông Nguyễn Thanh Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị
VTP, việc đưa vào áp dụng 17 trung tâm logistics sẽ giúp Viettel Post tối ưu 30% công suất, từ đó nâng cao biên lợi nhuận.
Đồng thời, ông cũng chia sẻ về kế hoạch hợp tác với trang thương mại điện tử JD.com của Trung Quốc. Theo đó, Viettel Post sẽ là đơn vị vận chuyển và cung cấp dịch vụ ecommerce fullfiment (dịch vụ hoàn tất đơn hàng và vận chuyển).
VTP cũng đã ký hợp tác với Tân Cảng Sài Gòn và đầu tư 10% vào một công ty con của IPP Group (Tập đoàn Liên Thái Bình Dương) nhằm tối ưu lợi thế cả về vận chuyển bộ, đường biển và đường hàng không.
Từ ngày 1/7/2022,
VTP cũng sẽ đưa vào sử dụng 3 nền tảng công nghệ mới để nâng cao năng suất dây chuyền. Bên cạnh đó,
VTP cũng đưa vào một trung tâm chia chọn hàng hoá tại Đài Tư, Long Biên với công nghệ hiện đại nhất Việt Nam.