Dịch Covid-19 và gần đây là xung đột giữa Nga và Ukraine làm cho cước vận chuyển tăng, giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu tăng cao. Bài toán cần thiết hiện nay của ngành gỗ là cần chủ động được nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào, tiến tới thay thế nguồn gỗ nhập khẩu hiện đang ở con số 5-6 triệu m3 mỗi năm.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyên Phương
Cuối tuần qua tại Bình Định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản tỉnh Bình Định phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến "Phát triển vùng nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp chế biến gỗ, xuất khẩu".
Giá gỗ nhập khẩu tăng từ 36% đến 52%
Ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam đang trải qua những biến động rất lớn trong thời gian vừa qua. Đại dịch Covid-19 và gần đây là xung đột giữa Nga và Ukraine làm cho cước vận chuyển tăng phi mã, giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu tăng cao.
Thống kê gỗ nhập khẩu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm 2022, giá gỗ thông tròn nhập khẩu đã tăng 52%, gỗ thông xẻ nhập khẩu tăng 38%, gỗ sồi xẻ tăng 36%. Bên cạnh đó, thời gian nhập khẩu kéo dài dẫn đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp chậm lại. Các yếu tố này đang trực tiếp làm giảm lợi thế cạnh tranh của ngành.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, mặc dù công tác trồng rừng nguyên liệu đã đạt được những thành tích đáng tự hào, nhưng để cung cấp đủ gỗ nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu đạt 17 tỷ USD vào năm 2022 và 20 tỷ USD vào năm 2025 theo Chiến lược Phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì công tác trồng rừng nguyên liệu còn nhiều hạn chế.
Theo đó, chưa đáp ứng đủ lượng gỗ nguyên liệu cho chế biến, lượng gỗ nhỏ, non chiếm tỷ lệ lớn, không thể sản xuất các sản phẩm gỗ có giá trị gia tăng cao. Lượng gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đáp ứng nhu cầu sản xuất sản phẩm gỗ xuất sang các thị trường chính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu còn thấp.
Ở góc độ hiệp hội, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập nhấn mạnh, bài toán cần thiết hơn bao giờ hết đặt ra cho ngành hiện nay là làm thế nào Việt Nam cần chủ động được nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào, tiến tới thay thế nguồn gỗ nhập khẩu hiện đang ở con số 5-6 triệu m3 mỗi năm như hiện nay. Làm thế nào để Việt Nam có thể phát triển được nguồn gỗ nguyên liệu trong nước là gỗ lớn, có chất lượng, đa dạng về chủng loại loài và bền vững? Đây là những câu hỏi hết sức cấp thiết mà ngành cần phải giải quyết trong thời gian tới nếu chúng ta muốn giữ vững lợi thế cạnh tranh của ngành.
Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản của Việt Nam năm 2021 đạt khoảng 16 tỷ USD, xuất siêu khoảng 13 tỷ USD. Hiện ngành sản xuất, chế biến gỗ và lâm sản của Việt Nam thuộc các thị trường có thứ hạng trên thế giới.
Dẫn con số thống kê của nhóm nghiên cứu của các hiệp hội gỗ và Forest Trends, ông Đõ Xuân Lập cho biết thêm, tính đến hết tháng 3/2022 tổng diện tích rừng trồng là rừng sản xuất có chứng chỉ FSC của Việt Nam đạt gần 180.000 ha, tương đương khoảng 5% trong tổng số diện tích rừng sản xuất của Việt Nam.
Nếu tính cả diện tích rừng đạt chứng chỉ VFCS/PEFC (khoảng 50.000ha cho tới nay), thì tổng diện tích rừng có chứng chỉ bền vững mới chỉ đạt dưới 7% tổng diện tích rừng trồng là rừng sản xuất.
Bên cạnh đó, tỷ trọng gỗ rừng trồng đi vào chế biến đồ gỗ còn thấp, chỉ chiếm 30-40% trong tổng lượng gỗ khai thác. Phần còn lại 60-70% đi vào dăm và viên nén. Năng suất rừng trồng tới nay cũng còn rất hạn chế. Nhiều diện tích mới chỉ đạt 10-15 m3/ha/năm, thấp hơn nhiều so với tiềm năng.
Theo ông Nguyễn Xuân Diện - Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), năm 2021, cả nước có gần 14,68 triệu ha rừng. Nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng tập trung phục vụ chế biến gỗ được khai thác từ 3,69 triệu ha rừng trồng sản xuất. Về phát triển rừng trồng gỗ lớn, cả nước có 489.016 ha rừng trồng gỗ lớn. Gỗ nguyên liệu trong nước đáp ứng gần 80% nhu cầu nguyên liệu, tuy nhiên, gần 70% là gỗ có kích thước nhỏ, sản xuất các sản phẩm như dăm gỗ, các loại ván nhân tạo.
Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trồng rừng gỗ lớn
Bàn giải pháp phát triển vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu, ông Nguyễn Tiến Lâm - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ Nghệ An cho biết, mỗi năm Việt Nam trồng mới 1,5 triệu ha rừng nhưng chỉ 10% trong số đó là gỗ lớn phục vụ chế biến, còn lại là phục vụ làm dăm gỗ, viên nén... giá trị thấp và rất thấp. Theo ông Lâm, nhu cầu của doanh nghiệp về gỗ lớn rất lớn nhưng hiện nay, tại các vùng trồng rừng ở Việt Nam lại không đáp ứng được.
"Để giải được bài toán về nhu cầu gỗ lớn, Nhà nước cần đặt hàng các nhà khoa học nghiên cứu tạo ra được các loại giống cây gỗ lớn chất lượng cao để cung cấp cho các doanh nghiệp trồng và nhân rộng diện tích. Cùng với đó, đưa ra quy trình trồng gỗ lớn hiệu quả cao nhất, có thể trồng dược liệu dưới tán cây gỗ lớn..." - ông Nguyễn Tiến Lâm kiến nghị.
Bà Đỗ Thị Bạch Tuyết – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Woodsland Tuyên Quang cho hay, đến nay, Woodsland đã và đang liên kết, hợp tác để thực hiện phương án quản lý rừng bền vững và được cấp chứng chỉ rừng từ 2015 đến nay là 28.051,51 ha (gồm 4 công ty lâm nghiệp và 10 nhóm hộ)... Tuy nhiên, hiện việc duy trì cũng như phát triển vùng nguyên liệu gỗ lớn với chu kỳ rừng trồng 7 năm trở xuống của Woodsland còn gặp rất nhiều khó khăn, nguyên nhân chủ yếu là vốn đầu tư giữ lại rừng hiện đang rất khó khăn đối với cả các công ty lâm nghiệp và hộ gia đình; chất lượng giống hiện nay đang bị thoái hóa, sâu bệnh trên diện rộng, tới năm thứ 3, 4 thì hiện tượng chết đứng đối với loài cây keo xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản lượng thu hoạch của các chủ rừng...
Theo đó, bà Tuyết kiến nghị Nhà nước cần có chính sách tín dụng ưu đãi cho người trồng rừng, có cơ chế cho vay vốn cho các công ty lâm nghiệp và hộ gia đình để trồng rừng gỗ lớn; quản lý chặt chẽ hành trình, nguồn gốc giống cây lâm nghiệp trước khi đưa vào ươm giống xuất bán ngoài thị trường; chính quyền địa phương cần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa tới người trồng rừng về lợi ích của việc trồng rừng gỗ lớn...
Để phát triển vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu hiệu quả, ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định cho hay, việc trồng rừng cây gỗ lớn rất khó khăn, phát triển rừng gỗ lớn cần thời gian dài từ 10 năm đến 15 năm. Vì vậy, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để có thể phát triển cả chuỗi từ trồng rừng, thu mua, chế biến và xuất khẩu.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhận định, ngành sản xuất chế biến gỗ và lâm sản của Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển trong thời gian tới. Vì thế, theo ông Lê Quốc Doanh, nhu cầu sử dụng nguồn nguyên liệu từ gỗ rừng trồng ngày một tăng về số lượng cũng như chất lượng, đòi hỏi chúng ta phải có sự chuẩn bị kỹ càng cũng như đề ra các giải pháp phù hợp để xây dựng vùng nguyên liệu ngay từ bây giờ nhằm đáp ứng cho sản xuất, chế biến.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có 5.580 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản, bao gồm 4.760 doanh nghiệp chế biến gỗ; 820 doanh nghiệp sản xuất ván nhân tạo; 55 doanh nghiệp pallet; 25 doanh nghiệp sản xuất viên nén gỗ, 188 doanh nghiệp sản xuất dăm gỗ. Trong đó, số lượng doanh nghiệp trong nước 4.813 doanh nghiệp; 767 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu khoảng 2.600 doanh nghiệp.