• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.265,05 +5,42/+0,43%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.265,05   +5,42/+0,43%  |   HNX-INDEX   223,01   +0,34/+0,15%  |   UPCOM-INDEX   94,30   +0,42/+0,45%  |   VN30   1.337,59   +5,05/+0,38%  |   HNX30   463,85   -0,44/-0,09%
26 Tháng Giêng 2025 1:32:52 CH - Mở cửa
BMI: Động lực từ thoái vốn và tham vọng giành lại vị trí thứ 3 về thị phần bảo hiểm phi nhân thọ
Nguồn tin: BizLive | 09/04/2022 2:52:37 CH
Từng nhiều năm xếp thứ 3 về thị phần bảo hiểm phi nhân thọ, sau BVH và PVI nhưng 4 năm trở lại đây, BMI đã để PTI vượt mặt. Liệu động lực từ thoái vốn và tái cấu trúc có thể giúp BMI giành lại vị trí thứ 3 trong một thị trường đầy cạnh tranh?

 
Trụ sở của BMI tại TP.HCM
 
Đặt kế hoạch LNTT tăng 2 chữ số dù một số đối thủ "cài số lùi"
 
Theo tài liệu đại hội đồng cổ đông vừa công bố, Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (mã BMI), năm 2021, công ty đạt tổng doanh thu 5.347,2 tỷ đồng, tăng trưởng 6,41% so với năm 2020; lợi nhuận trước thuế đạt 306,3 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 255 tỷ đồng, lần lượt tăng 31,34% và 30,7% so với năm 2020.
 
Đáng chú ý, năm 2021, lợi nhuận hoạt động tài chính của BMI tăng trưởng mạnh do diễn biến thuận lợi của thị trường chứng khoán. Cụ thể, lợi nhuận kinh doanh cổ phiếu tăng 53 tỷ đồng so với năm trước, trong khi lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm cũng đóng góp 27,6 tỷ đồng.

 
Doanh thu và lợi nhuận của BMI tăng trưởng khá trong bối cảnh hoạt động của hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm đều ổn định trong năm 2021 dù chịu tác động của dịch COVID-19. Theo số liệu ước tính của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, năm 2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường đạt 217.338 tỷ đồng, tăng 16,71% so với năm 2020, trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ đạt 57.880 tỷ đồng, tăng 3,98% so với năm 2020.
 
Xét về thị phần, trong số khoảng 30 doanh nghiệp đang kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam, BMI xếp thứ tư với mức tăng trưởng năm 2021 là 6,36%, thị phần là 7,75%. Trong suốt nhiều năm, BMI luôn duy trì được vị trí thứ ba về thị phần bảo hiểm phi nhân thọ, sau Tập đoàn Bảo Việt (BVH) và CTCP PVI (PVI), nhưng 4 năm trở lại đây, BMI đã để Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu Điện (PTI) vượt lên. Trong top 6 doanh nghiệp đứng đầu về thị phần bảo hiểm phi nhân thọ, BMI đang xếp trên Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC) và Tổng công ty Bảo hiểm PJICO (PGI).

 
Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2025, BMI đặt mục tiêu giữ vững vị trí thứ 4 và từng bước lấy lại vị trí thứ 3 trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ. Công ty cũng đặt ra mục tiêu đạt mức tăng trưởng tổng doanh thu bình quân 5 năm hơn 7% và lợi nhuận trước thuế bình quân 5 năm là 17,76%.
 
Đáng chú ý, năm 2022, trong khi PVI, PTI đặt mục tiêu tăng trưởng chỉ vài phần trăm hoặc đi ngang, thậm chí lợi nhuận đi lùi thì BMI vẫn lên kế hoạch doanh thu năm 2022 tăng tối thiểu bằng mức tăng của GDP 2022. Theo đó, công ty đặt mục tiêu đạt doanh thu 5.700 tỷ đồng, tăng 6,7% so với năm 2021, lợi nhuận trước thuế tăng 11%, đạt 340 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 6,63%, lên 272 tỷ đồng.

 
Dự kiến tăng trưởng doanh thu năm 2022 của các nhóm nghiệp vụ chính - Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ 2022 của BMI
 
Để đạt được mục tiêu, năm 2022, bên cạnh việc duy trì doanh thu đầu tư tài chính và cho thuê bất động sản ngang mức năm 2021 đạt được, BMI cũng lên kế hoạch đẩy mạnh tăng trưởng quy mô doanh thu phí bảo hiểm và doanh thu tái bảo hiểm với mức tăng lần lượt 7,2% và 6% so với năm ngoái. Điều này cũng sẽ giúp BMI giành lại thị phần, tuy nhiên thách thức với BMI là các doanh nghiệp bảo hiểm đối thủ như MIC hay PJICO cũng có chiến lược tương tự.

 
Chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận giai đoạn 2021-2025 của BMI - Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ 2022 của BMI
Nhìn nhận về cơ sở tăng trưởng của BMI, trong dự thảo chiến lược kinh doanh giai đoạn 2021- 2025 dự kiến trình đại hội đồng cổ đông tới đây, lãnh đạo BMI nhận định doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi khi thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ước tính sẽ tăng trưởng ở mức tối thiểu bằng mức tăng trưởng của GDP trong 5 năm tới (7%), đánh dấu sự hồi phục của thị trường sau ảnh hưởng của COVID- 19.
 
Bên cạnh đó, với nền kinh tế phục hồi sau COVID-19, Việt Nam đang nổi lên như một thị trường điểm đến hấp dẫn cho nguồn vốn đầu tư nước ngoài nói chung và nguồn vốn đầu tư cho doanh nghiệp bảo hiểm nói riêng.
 
Ngoài ra, việc Bộ Tài chính đang thực hiện hoàn thiện, trình Quốc hội Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành; đơn giản hóa các thủ tục hành chính; tăng cường kết nối với các cơ quan quản lý, hội nhập, hợp tác quốc tế cũng sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm phát triển.
 
Nhưng xét đến cùng, những thuận lợi trên không phải là cơ hội cho riêng ai mà cho tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm nói chung. Vì thế, để có thể hoàn thành kế hoạch và giành giật thị phần với các "ông lớn" bảo hiểm phi nhân thọ khác, BMI cần có “câu chuyện riêng” – thoái vốn.
 
Chờ "cú huých" từ thương vụ thoái vốn trong năm 2022
 
Với các doanh nghiệp có vốn nhà nước, thoái vốn luôn là một “câu chuyện” hấp dẫn nhà đầu tư. Thực tế, từ cuối tháng 10 năm ngoái, thông tin Bộ Tài chính có văn bản gửi Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) về việc tập trung thoái vốn tại hai doanh nghiệp bảo hiểm đầu ngành là BVH và BMI trước ngày 20/12/2021 đã thu hút được đông đảo sự chú ý, bởi SCIC đang nắm giữ 22,15 triệu cổ phiếu BVH (tỷ lệ 2,98%) và 55,44 triệu cổ phiếu BMI (tỷ lệ 50,7%).
 
Sau khi thông tin được công bố, các mã cổ phiếu BVH, BMI ngay lập tức tăng trần trong phiên 25/10/2021. Thậm chí cổ phiếu BMI còn tăng liên tục và thiết lập mức đỉnh 48.900 đồng/cổ phiếu (ngày 16/11).

 
Thông tin thoái vốn đã hỗ trợ tích cực cho đà tăng của cổ phiếu BMI trong nửa năm qua
 
Tuy nhiên, khi kế hoạch của SCIC lỡ hẹn trong năm 2021, hai cổ phiếu này đã có nhịp giảm sâu và chỉ tăng lại kể từ cuối tháng 1/2022, khi lãnh đạo SCIC cho biết cơ quan này đã hoàn thành mọi quy trình và báo cáo Bộ Tài chính về việc thoái vốn tại BVH và BMI.
 
Với BMI, lãnh đạo SCIC cho hay, mọi quy trình đã xong nhưng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài đang chờ Bộ Tài chính phê duyệt. SCIC muốn mở rộng đối tượng tham gia mua lô cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nên BMI vẫn đang chờ mở room để tối đa hoá lợi ích bán vốn. Hiện Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký văn bản báo cáo Thủ tướng trong vấn đề cân đối ngân sách, nếu bán sẽ bán trong năm 2022.
 
Đánh giá về triển vọng thoái vốn tại BMI, BSC Research cho rằng, BMI đã thông qua kế hoạch nới room ngoại lên 100% nhằm mở đường cho việc thoái toàn bộ vốn nhà nước tại doanh nghiệp và đã trình Bộ Tài chính phương án nới room này.
 
Hiện cơ cấu cổ đông của BMI gồm có SCIC sở hữu xấp xỉ 51%, Tập đoàn AXA (Pháp) và cổ đông lớn nước ngoài khác sở hữu trên 20%. Nếu nguồn vốn của BMI được chuyển nhượng thành công cho nhà đầu tư ngoại, đây sẽ là thương vụ đầu tiên một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có sự tham gia với quyền chi phối vốn của doanh nghiệp nước ngoài.
 
 
 
Cơ cấu cổ đông của BMI - Nguồn: BMI, BSC Research
 
BSC đánh giá, khả năng thương vụ này được thực hiện trong năm 2022 là khá lớn và nếu thoái vốn thành công, BMI sẽ có tiềm năng được đánh giá lại trong ngắn hạn. Còn về dài hạn, với việc có khối tư nhân, đặc biệt là nhà đầu tư ngoại nắm quyền chi phối, BMI được kỳ vọng sẽ có sự cải thiện về khâu quản lý điều hành, cũng như hiệu quả hoạt động tốt hơn.
 
BSC cũng nhận định, dù cạnh tranh trong ngành sẽ ngày càng trở nên gay gắt hơn trong thời gian tới, nhưng thị phần của BMI trong năm 2022 vẫn sẽ được duy trì ổn định quanh mức 7% nhờ mạng lưới chi nhánh phủ rộng khắp toàn quốc với 62 công ty trực thuộc, và hơn 3.700 đại lý bán bảo hiểm chuyên nghiệp.
 
Ngoài ra, công ty chứng khoán này cho rằng doanh thu phí bảo hiểm của BMI và toàn ngành sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2022. Ngành bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam vẫn có nhiều tiềm năng tăng trưởng do cơ cấu dân số độ tuổi lao động chiếm gần 70% và tăng trưởng GDP 6-7%/năm, tỷ lệ sử dụng bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam ở mức khá thấp (0,9% so với mức trung bình 3-4% trong khu vực). BSC kỳ vọng, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ dự báo sẽ quay trở lại mức 9-10% trong năm giai đoạn 2022-2025.