Mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh, các Bộ, cơ quan đã trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cắt giảm trên 1.100 quy định (bao gồm các thủ tục, yêu cầu, điều kiện, danh mục kiểm tra chuyên ngành, tiêu chuẩn, quy chuẩn…); có 7 Bộ đã trình phương án để Chính phủ thông qua gần 900 quy định…
Văn phòng Chính phủ vừa chủ trì cuộc họp với đại diện các Bộ, cơ quan ngang Bộ nhằm đôn đốc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025.
Đại diện Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính nhấn mạnh, tính tới 12/5 là tròn 2 năm Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 68-NQ/CP về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025.
Triển khai nghị quyết nêu trên, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với các Bộ, cơ quan triển khai xây dựng đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu Cổng tham vấn quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh (tại địa chỉ http://quydinhkinhdoanh.gov.vn); đã trình Thủ tướng Chính phủ về một số phương án cắt giảm, đơn giản hoá quy định kinh doanh…
Các thủ tục hành chính liên quan đến kinh doanh đang được từng bước cắt giảm, đơn giản hóa
Nhìn lại kết quả triển khai của các Bộ, cơ quan, đại diện Cục Kiểm soát Thủ tục Hành chính cho biết, Nghị quyết 68/NQ-CP có kết quả triển khai đáng mừng ở bước đầu. Theo đó, các Bộ, cơ quan đã thống kê những quy định liên quan hoạt động kinh doanh của ngành, lĩnh vực và đã có trên 7.600 quy định được cập nhật; tuy nhiên mới công khai trên 3.800 quy định.
Thứ hai là đã tạo dựng được công cụ phục vụ cho cải cách, theo dõi được từng ngày, từng giờ biến động của số liệu qua các hoạt động của cải cách. Thứ 3, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh, các Bộ, cơ quan đã trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cắt giảm trên 1.100 quy định (bao gồm các thủ tục, yêu cầu, điều kiện, danh mục kiểm tra chuyên ngành, tiêu chuẩn, quy chuẩn…); có 7 Bộ đã trình phương án để Chính phủ thông qua gần 900 quy định…
Nhiều thủ tục hành chính đã được các Bộ, ngành số hóa, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp
Tuy kết quả bước đầu đáng khích lệ nhưng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính đề nghị các đơn vị thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ cần thống kê, cập nhật đầy đủ số lượng quy định đã cắt giảm năm 2021 vào Cổng tham vấn quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Theo Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 68/NQ-CP, có nhiều nội dung cần thực hiện, đó là: Xây dựng và đưa vào vận hành Cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh (đã thực hiện). Thứ hai là trình Thủ tướng Chính phủ phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Thứ ba là xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo thống kê, về cập nhật quy định hiện hành, tổng số quy định đã được cập nhật trên Cổng tham vấn quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đến hôm nay là 7.600 quy định. Trong đó, mới duyệt công khai 3.872 quy định, còn 2.264 quy định đang thêm mới, mới có 30 quy định sửa đổi, bổ sung, 24 quy định bãi bỏ, 1.397 quy định chờ duyệt công khai, 13 quy định từ chối công khai.
Trao đổi tại cuộc họp, đại diện các Bộ cho biết đang rất tích cực triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP, tích cực cắt giảm các quy định liên quan hoạt động kinh doanh theo các hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ. Trong đó Bộ Y tế, Bộ Xây dựng là những đơn vị đầu tiên trình phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh trình Chính phủ phê duyệt.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết năm 2021 đã cắt giảm 26,11% quy định liên quan điều kiện kinh doanh, năm 2022 theo kế hoạch tiếp tục cắt giảm 5-10% quy định kinh doanh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương… đều cho biết sẽ bảo đảm tiến độ trình Thủ tướng Chính phủ về phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh trước 30/9.
Theo lãnh đạo Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính, ngay sau cuộc họp, Văn phòng Chính phủ sẽ bố trí cán bộ, công chức đến hỗ trợ trực tiếp, giúp các bộ, cơ quan vận hành công cụ này một cách thành thạo, phối hợp chặt chẽ với các bộ để hoàn thành việc nhập liệu các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong tháng 5/2022 trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ chính thức đưa vào vận hành công cụ này.