• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.252,62 +3,51/+0,28%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 10:54:59 SA

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.252,62   +3,51/+0,28%  |   HNX-INDEX   222,67   +0,19/+0,09%  |   UPCOM-INDEX   93,14   +0,03/+0,03%  |   VN30   1.318,12   +4,64/+0,35%  |   HNX30   463,03   +0,84/+0,18%
20 Tháng Giêng 2025 10:56:36 SA - Mở cửa
Khơi thông dòng vốn phát triển bất động sản công nghiệp
Nguồn tin: Thời báo Tài chính VN | 24/05/2022 7:44:56 CH
Ngày 24/5, Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam 2022 với chủ đề “Gỡ điểm nghẽn, đón dòng vốn mới” đã khai mạc tại TP. Hồ Chí Minh. Sự kiện do Báo Đầu tư phối hợp với Công ty BW Industrial tổ chức, đã thu hút trên 200 khách mời là các chuyên gia, giới đầu tư trong và ngoài nước tham dự.
 
Thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ bất động sản công nghiệp phát triển
 
Phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Duy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dịch bệnh đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, gián đoạn các hoạt động luân chuyển hàng hóa, làm trì hoãn tiến độ thực hiện các dự án, khiến các tập đoàn, tổng công ty đa quốc gia buộc phải tính toán chiến lược đầu tư, các nước đều phải nghiên cứu thay đổi chính sách thu hút đầu tư cho phù hợp với bối cảnh mới.
 
Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn là điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các nhà đầu tư đến từ châu Á, châu Âu, Hoa Kỳ và ASEAN tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ những giải pháp rất hiệu quả của cả Chính phủ, doanh nghiệp (DN) và người dân trong việc kiểm soát linh hoạt, hiệu quả dịch Covid-19 để thúc đẩy sản xuất - kinh doanh và phục hồi phát triển kinh tế.
 
Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục tập trung thực hiện biện pháp phát triển các ngành dịch vụ theo chiều sâu; tăng năng suất khu vực dịch vụ và khu vực sản xuất kinh doanh, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; bổ sung chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ; bổ sung các chính sách nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư FDI hiệu quả, chất lượng cao.
 
 
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu tại diễn đàn. Ảnh Lê Toàn
 
Đồng thời, sự phát triển theo cấp số nhân của thương mại điện tử, đặc biệt là sự gia tăng đột biến của hình thái giao thương hiện đại này trong thời kỳ đại dịch đã thúc đẩy nhu cầu rất lớn về bất động sản kho bãi, dịch vụ logistics… Trong bối cảnh đó, cần có thêm những chính sách, cơ chế để ngành công nghiệp hậu cần và kho bãi trở thành một cấu phần quan trọng của ngành bất động sản công nghiệp…
 
‘‘Việt Nam đã và đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư mới, trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng của thế giới bằng cách tiếp tục hoàn thiện thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng để thu hút có chọn lọc, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường…’’ - Thứ trưởng Trần Duy Đông nói.
 
Gỡ điểm nghẽn, đón dòng vốn mới
 
Theo thống kê, Việt Nam hiện có 260 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động và 75 KCN đang được quy hoạch. Điều này cho thấy mức độ phát triển đang diễn ra ở cả vùng trọng điểm kinh tế phía Nam và phía Bắc. So với Indonesia, Malaysia và Philippines, giá đất công nghiệp Việt Nam vẫn còn tương đối thấp. Các rủi ro đang diễn ra, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư và nhà phát triển tận dụng các chuyển động để tìm cơ hội tham gia vào thị trường.
 
Tại diễn đàn, các diễn giả đã khái quát tiềm năng và xu hướng phát triển bất động sản công nghiệp Việt Nam, đồng thời thảo luận triển vọng các dòng vốn mới vào Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản công nghiệp.
 
Cùng thảo luận, nhận diện các điểm nghẽn và các giải pháp tháo gỡ gồm: tắc nghẽn kết nối hạ tầng giữa các địa phương, chi phí logistics tăng cao do thiếu kho bãi, tàu chở hàng và container; thiếu các tiêu chí cụ thể về môi trường, hình thành KCN sinh thái; chồng chéo, thiếu sự đồng nhất trong phân cấp quản lý - cấp phép phát triển BĐS công nghiệp và đầu tư; thiếu chính sách khuyến khích và các đơn vị tư vấn ESG (môi trường, xã hội và quản trị) chuyên nghiệp; thiếu hụt nhân lực sau dịch…
 
Tiếp đến là những nội dung về cách vận hành chuỗi cung ứng mới đáp ứng nhu cầu của thế giới, triển vọng về một hệ sinh thái chuỗi cung ứng mới hoàn toàn khác biệt sau đại dịch; chiến lược đa dạng hóa cơ sở cung ứng, chiến lược rút ngắn chuỗi cung ứng, quá trình đưa hoạt động sản xuất và một phần hoặc toàn bộ chuỗi cung ứng về gần hơn với người tiêu dùng cuối cùng để đảm bảo chủ động cung ứng hàng hóa trong mọi hoàn cảnh…
 
Các diễn giả cũng chia sẻ kinh nghiệm vận hành quản lý, ứng phó trong và sau đại dịch; đánh giá xu hướng phát triển các sản phẩm chuyên biệt của BĐS công nghiệp như KCN đô thị, KCN xanh, các “Logistic City”; chuyện phát triển nhà xưởng, kho bãi cao tầng, dịch chuyển các kho bãi từ khu vực trung tâm về các đô thị vệ tinh; kinh nghiệm xây dựng, quản lý, vận hành nhà xưởng, KCN theo mô hình phát triển xanh, đón đầu các tiêu chí COP26 (hội nghị của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu)…
 
Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, những ý kiến trao đổi, thảo luận tại diễn đàn sẽ là những thông tin hữu ích để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham khảo trong quá trình trình Chính phủ, tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền định hướng, chiến lược, những giải pháp cụ thể để đón nhận làn sóng chuyển dịch mới của dòng vốn đầu tư toàn cầu.../.