Trong quý 1/2022, giá xăng dầu trong nước tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái, giúp doanh thu và lợi nhuận của phần lớn các doanh nghiệp nhóm dầu khí đạt mức tăng trưởng hai chữ số.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thị trường xăng dầu thế giới nhiều biến động, đặc biệt trước xung đột giữa Nga và Ukraine. Các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU đối với Nga khiến nguồn cung dầu thô và xăng dầu thành phẩm thiếu hụt trong khi dự trữ tại nhiều nước sụt giảm làm cho giá nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới tăng cao. Theo đó, giá dầu Brent bình quân quý 1/2022 lên tới 96,13 USD/thùng, tăng 28,52% so với tháng 12/2021 và tăng 56,77% so với cùng kỳ năm trước.
Trong nước, 3 tháng đầu năm đã có 7 kỳ điều hành giá xăng dầu, trong đó, giá xăng A95 tăng 5.900 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 5.780 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 6.060 đồng/lít. Bình quân quý 1/2022, giá xăng dầu trong nước tăng 48,81% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới, bình quân quý 1 giá gas tăng 21,04% so với cùng kỳ năm trước.
Giá nhiên liệu tăng cao làm gia tăng chi phí đầu vào của nhiều ngành sản xuất, kinh doanh song lại mang lại tác động tích cực cho nhiều doanh nghiệp họ dầu khí từ nhóm thượng nguồn, trung nguồn đến hạ nguồn.
Giá dầu được dự báo tiếp tục neo ở mức cao do nguồn cung bị ảnh hưởng (Ảnh minh họa)
Đặc biệt, giá dầu tăng cao được đánh giá ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp trung nguồn và hạ nguồn. Theo đó, trong quý 1, Tổng công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS, mã GAS) ghi nhận doanh thu thuần đạt 26.689 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế (LNST) 3.495 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2022, PV GAS đặt kế hoạch doanh thu là 80.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 7.039 tỷ đồng, lần lượt giảm 0,2% và 20,5% so với thực hiện trong năm 2021. Như vậy kết thúc quý 1, công ty đã hoàn thành được 33,4% mục tiêu về doanh thu và 50% mục tiêu lợi nhuận.
Tương tự, công ty con của PV GAS là PV GAS D cũng ghi nhận doanh thu tăng 30% và LNST tăng 104% so với cùng kỳ, lần lượt đạt 2.662 tỷ đồng và 88 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp dầu khí hạ nguồn khác là CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (mã BSR) cũng đạt doanh thu và lợi nhuận cao trong quý 1. Cụ thể, trong kỳ, công ty đạt doanh thu thuần 34.783 tỷ đồng và LNST 2.312 tỷ đồng, lần lượt tăng 65% và 25% so với cùng kỳ. Kết thúc quý 1, BSR đã hoàn thành 38% mục tiêu về doanh thu và vượt 79% mục tiêu LNST của cả năm 2022.
Cũng hoạt động ở khâu hạ nguồn song Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã
PLX) - nhà phân phối và bán lẻ xăng dầu lớn nhất thị trường trong nước - lại chứng kiến LNST giảm gần 40% so với cùng kỳ, đạt 442 tỷ đồng, dù đạt doanh thu quý cao nhất từ trước đến nay, đạt gần 67.020 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Petrolimex, giá vốn hàng bán tăng mạnh cùng nhiều chi phí phát sinh trong quý đã ăn mòn vào lợi nhuận của nhà bán lẻ xăng dầu này.
Trái ngược với Petrolimex, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL, mã
OIL) - đơn vị bán lẻ xăng dầu lớn thứ hai Việt Nam - lại vừa chứng kiến một quý thăng hoa. Cụ thể, PV OIL đạt doanh thu quý 1 tăng gấp đôi cùng kỳ năm ngoái lên 23.288 tỷ đồng và LNST tăng gấp rưỡi lên 283 tỷ đồng, hoàn thành 70% kế hoạch cả năm.
Ở nhóm thượng nguồn, Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC, mã
PVS) và Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVTrans, mã PVT) cũng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng hai chữ số. Trong đó, PTSC ghi nhận doanh thu 3.770 tỷ đồng và LNST 250 tỷ đồng, lần lượt tăng 44% và 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn PVTrans đạt doanh thu gần 2.022 tỷ đồng và LNST 194 tỷ đồng, lần lượt tăng 17,8% và 11,7% so với cùng kỳ.
Hai doanh nghiệp kinh doanh điện thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam là Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power, mã
POW) và công ty con là CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (mã
NT2) cũng có một quý kinh doanh khởi sắc. Trong khi NT2 đạt doanh thu 2.006 tỷ đồng và LNST 160 tỷ đồng, lần lượt tăng 22% và 39% so với cùng kỳ, thì PV Power cũng lãi ròng 803 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ, dù doanh thu giảm 8%, xuống 7.061 tỷ đồng.
Đáng chú ý, quán quân về tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận lại thuộc về hai doanh nghiệp phân bón là Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, mã
DPM) và CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã
DCM).
Cụ thể, 3 tháng đầu năm, Đạm Phú Mỹ đạt doanh thu thuần 5.829 tỷ đồng, tăng 200% so với quý 1/2021 và LNST đạt kỷ lục 2.126 tỷ đồng, gấp gần 12 lần so với cùng kỳ. So với kế hoạch doanh thu đạt 11.059 tỷ đồng và LNST đạt 945 tỷ đồng của năm 2022, chỉ sau quý 1, Đạm Phú Mỹ đã thực hiện gần 53% mục tiêu doanh thu và vượt 125% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Trong khi đó, quý 1, Đạm Cà Mau ghi nhận doanh thu thuần 4.074 tỷ đồng cao gấp hơn 2 lần cùng kỳ và LNST 1.515 tỷ đồng, cao gấp 10 lần cùng kỳ. Năm 2022,
DCM đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất là 9.049 tỷ đồng, LNST 513 tỷ đồng. Như vậy, ngay quý đầu tiên,
DCM đã hoàn thành 45% mục tiêu doanh thu và vượt xa mục tiêu về lợi nhuận.
Giá dầu dự báo neo cao, GAS, BSR, DPM,DCM tiếp tục hưởng lợi?
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nâng dự báo giá dầu thô Brent trung bình năm 2022/2023 thêm khoảng 20% từ 70/65 USD/thùng lên 85/80 USD/thùng. Đồng thời, nâng giả định giá dầu Brent cho giai đoạn 2024-2026 từ 65 USD/thùng lên 75 USD/thùng.
VCSC cũng tăng giả định giá dầu nhiên liệu (FO) (thước đo truyền thống cho giá khí đốt trong nước của Việt Nam) trung bình năm 2022 và 2023 tăng thêm 25% lên 500 USD/tấn và 450 USD/tấn; nâng giả định giá FO trung bình giai đoạn 2024- 2026 thêm khoảng 10% từ 360 USD/tấn lên 400 USD/tấn tương ứng dự báo giá dầu cao hơn.
Ngoài ra, dù kỳ vọng giá dầu Brent dài hạn sẽ ổn định ở mức 75 USD/thùng, song VCSC dự báo giá khí trong nước sẽ tăng đáng kể mỗi năm do Việt Nam cạn kiệt nguồn khí giá rẻ trong nước và phải nhập khẩu LNG đắt hơn. VCSC cho rằng, giá khí cao sẽ hỗ trợ giá urê tăng mạnh.
Theo đánh giá của VCSC, giá dầu cao hơn có lợi cho 4 công ty dầu khí và 2 doanh nghiệp sản xuất urê nhưng lại tiêu cực nhẹ đối với các nhà máy điện.
Cụ thể, với GAS, giá dầu thô cao hơn đồng nghĩa với việc giá khí đầu ra của GAS cao hơn do giá khí đầu ra có mối liên hệ chặt chẽ với giá FO, có mối tương quan chặt chẽ với giá dầu thô.
Giá dầu thô đầu vào cao hơn sẽ kéo theo giá đầu ra của các sản phẩm cao hơn và ngược lại. Về lý thuyết, sự thay đổi của giá dầu thô không ảnh hưởng đến BSR, nhưng xu hướng tăng của giá dầu thô thô trước đó đã có tác động tích cực đến BSR nhờ lượng hàng tồn kho giá rẻ và sự gia tăng biên xăng dầu.
Giá dầu cao hơn sẽ ảnh hưởng đến PVS vì có thể làm tăng giá dịch vụ và dẫn đến nhiều hợp đồng được ký hơn. VCSC lưu ý rằng PVS ít phụ thuộc vào giá dầu hơn PVD do danh mục đầu tư đa dạng bao gồm tàu biển, cảng, kho chứa dầu nổi, cơ khí dầu khí (M&C), cùng các lĩnh vực khác.
Với PVD, giá dầu thô cao hơn có thể thúc đẩy các hoạt động thăm dò và sản xuất, đồng thời dẫn đến nhiều việc làm hơn và giá thuê ngày giàn tự nâng cao hơn trong những năm tiếp theo.
Với,
DPM và
DCM do chi phí đầu vào gắn trực tiếp với giá dầu thô, nên sẽ chịu tác động tiêu cực bởi chi phí đầu vào cao hơn do dự báo giá dầu thô cao hơn. Tuy nhiên, giá urê cũng chịu ảnh hưởng gián tiếp từ giá dầu thô nên phần nào bù đắp được tác động của việc tăng chi phí đầu vào.
Ở chiều ngược lại, một số doanh nghiệp ngành điện như
POW,
NT2 sẽ chịu tác động từ việc giá dầu, khí tăng nhưng tác động này không đáng kể do giá khí tăng được chuyển 100% cho EVN trong sản lượng theo hợp đồng (khoảng 80% tổng sản lượng).