Do ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Hàng không Việt Nam(Vietnam Airlines, mã: HVN) bị đình trệ và rơi vào trạng thái thâm hụt dòng tiền và âm vốn chủ sở hữu... Các chuyên gia cho rằng, nếu tình trạng âm vốn chủ sở hữu vẫn kéo dài tới cuối năm, hãng hàng không quốc gia có nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc.
Theo Vietnam Airlines, ngày 3/1 và 29/3 vừa qua, hãng đã nhận được lần lượt 30 triệu USD và 4 triệu USD từ nhà đầu tư mua lại phần vốn góp của Vietnam Airlines tại Cambodia Angkor Air (K6). Trước đó, hãng hàng không quốc gia cũng đã nhận đặt cọc 1 triệu USD.
“Bệnh kinh niên” chậm nộp báo cáo tài chính
Như vậy, Vietnam Airlines đã hoàn tất bán 35% vốn góp tại K6 (tương ứng 35 triệu USD), thu về 177 tỷ đồng, giảm tỷ lệ sở hữu từ 49% xuống còn 14%. Theo thỏa thuận giữa hai bên, 14% còn lại cũng sẽ được thanh lý trong năm nay. Thương vụ hoàn tất, K6 không còn là công ty liên kết của Vietnam Airlines. Hiện, Vietnam Airlines chưa tiết lộ thông tin của đối tác mua lại phần vốn tại K6 này.
Kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines.
Được biết, Vietnam Airlines góp 49% vốn và trở thành cổ đông lớn của K6 vào năm 2009. Theo đó, Vietnam Airlines sẽ hợp tác và hỗ trợ tối đa cho K6 trong quá trình triển khai hoạt động mở rộng và phát triển, cũng như thực hiện các công việc bảo dưỡng, sửa chữa, hợp tác thương mại với nhiều ưu đãi đặc biệt.
Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của hãng hàng không, Vietnam Airlines đã lên kế hoạch thoái vốn tại K6 vào năm 2020. Theo báo cáo tài chính riêng lẻ, tính đến đầu năm 2021, giá gốc khoản đầu tư vào K6 của Vietnam Airlines khoảng 868 tỷ đồng, nhưng đến cuối năm chỉ còn khoảng 248 tỷ đồng.
Trong báo cáo tài chính năm 2021, Vietnam Airlines cũng ghi nhận khoản lãi 177 tỷ đồng từ chuyển nhượng vốn góp tại K6. Đồng thời, khoản lãi này cũng giúp đầu tư tài chính dài hạn giảm 692 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2021, Vietnam Airlines cũng bán xong 2 máy bay A321CEO, bổ sung thu nhập 91 tỷ đồng; phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ thêm 7.961 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2021, lỗ lũy kế của Vietnam Airlines là 21.961 tỷ đồng, chỉ kém 183 tỷ đồng so với vốn điều lệ (22.144 tỷ). Vốn chủ sở hữu dương 524 tỷ đồng.
Như vậy, chính nhờ khoản thu nhập đột biến từ thoái vốn công ty liên kết K6 là nguồn thu chính giúp Vietnam Airlines giảm thua lỗ trong năm 2021, giữ cho lỗ lũy kế tại ngày cuối năm thấp hơn vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu là con số dương.
Trường hợp nếu không có khoản thu từ việc thoái vốn nêu trên thì hơn 2,2 tỷ cổ phiếu
HVN có nguy cơ cao bị hủy niêm yết vì âm vốn chủ sở hữu và lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp.
Bởi theo quy định tại Khoản 1e Điều 120 Nghị định 155/2020, cổ phiếu của công ty đại chúng sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc nếu kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục, hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.
Trước đó, trong báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ quý IV/2021 cho thấy, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 31/12/2021 của Vietnam Airlines là âm 21.978 tỷ đồng, gần bằng số vốn điều lệ 22.144 tỷ đồng. Nhưng nếu tính lũy kế cả năm 2020 thì khoản lỗ đã vượt vốn điều lệ (lợi nhuận sau thuế năm 2020 của Vietnam Airlines âm hơn 11.000 tỷ đồng).
Đến thời điểm 30/4/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) vẫn chưa nhận được báo cáo thường niên năm 2021 của Vietnam Airlines. Sau đó, hãng đã có đề nghị xin gia hạn thời gian nhưng bị SSC bác bỏ.
Thời điểm đó, nhiều ý kiến cho rằng đây là động thái “nghi binh”, bởi nếu báo cáo đúng hẹn, Vietnam Airlines khó tránh được kết quả kinh doanh lỗ, dẫn đến thông tin sẽ bị hủy niểm yết khiến cổ phiếu sẽ rất khó giao dịch và dễ rơi vào tình trạng nằm sàn.
Đây cũng không phải lần đầu Vietnam Airlines chậm trễ nộp báo cáo tài chính. Trước đó, quý III/2021, Vietnam Airlines cũng bị “bêu tên” và xin lùi thời hạn nộp báo cáo tài chính. Không chỉ vậy, cuối tháng 9/2021, Vietnam Airlines còn được “cứu” thoát án hủy niêm yết sau khi phát hành thành công thêm gần 800 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu, hoàn tất việc tăng vốn điều lệ với quy mô gần 8.000 tỷ đồng.
"Án" hủy niêm yết vẫn… treo lơ lửng
Trở lại với việc cổ phiếu
HVN tạm thời thoát án hủy niêm yết. Mặc dù sau khi báo cáo kiểm toán năm 2021 của Vietnam Airlines cho thấy vốn chủ sở hữu là số dương, tuy nhiên trong báo cáo, các kiểm toán viên của Deloitte lưu ý tới 2 vấn đề quan trọng đang ảnh hưởng tới hoạt động của Vietnam Airlines.
Cụ thể, nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn tới 29.838 tỷ đồng, phải trả quá hạn 15.779 tỷ đồng, dòng tiền kinh doanh hợp nhất âm 6.759 tỷ.
“Khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ Việt Nam và việc được gia hạn thanh toán từ các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, khoản phải trả cho các nhà cung cấp và cho thuê", kiểm toán viên lưu ý.
Mặc dù thị trường hàng không phục hồi khá nhanh, song Vietnam Airlines vẫn lỗ nặng trong quý I/2022. (Ảnh: Int)
Đáng chú ý, nguy cơ bị hủy niêm yết của hãng hàng không quốc gia vẫn còn đó, khi khoản lỗ nặng trong quý I/2022 đẩy vốn chủ sở hữu trở về con số âm.
Theo báo cáo tài chính 3 tháng đầu năm, Vietnam Airlines tiếp tục ghi nhận mức lỗ ròng cao hơn dự kiến là 2.686 tỷ đồng so với lỗ 4.900 tỷ đồng vào quý I/2021 và 1.100 tỷ đồng vào quý IV/2021. Đồng thời ghi nhận quý thua lỗ thứ 9 liên tiếp, khiến lỗ lũy kế tại ngày 31/3/2022 đã vượt quy mô vốn điều lệ trong khi vốn chủ sở hữu đã chuyển xuống mức âm hơn 2.160 tỷ đồng.
Theo đại diện của Vietnam Airlines, mặc dù thị trường hàng không phục hồi khá nhanh, song kết quả sản xuất kinh doanh quý I/2022 phản ánh rõ ảnh hưởng nặng nề của đại dịch kéo dài từ 2021 sang đầu năm nay. Hơn nữa, thị trường quốc tế 3 tháng đầu năm gần như vẫn đóng băng, đồng thời do ảnh hưởng tiêu cực xung đột Nga - Ukraine khiến giá nhiên liệu tăng cao, làm cho các hoạt động của hãng khó có thể khởi sắc.
Như vậy, nguy cơ bị hủy niêm yết vẫn tiếp tục “đeo bám” chực chờ Vietnam Airlines. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc cổ phiếu
HVN bị hủy niêm yết là điều hoàn toàn có thể xảy ra. n.
“Do khả năng sinh lời tiếp tục thấp, vốn chủ sở hữu của cổ đông quay về mức âm trong quý I/2022, làm tăng nguy cơ bị hủy niêm yết trên sàn HoSE của Vietnam Airlines (nếu không có thêm vốn mới)”, CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định.
Trước đó, trong một báo cáo hồi cuối năm 2021, VCSC đã đưa ra quan điểm tích cực về ngàng hàng không trong giai đoạn 2022-2026 khi ngành này đã thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Tuy nhiên, VCSC vẫn cho rằng chặng đường phục hồi của Vietnam Airlines sẽ còn dài và có khá nhiều bất ổn.
Dự báo, trong năm 2022 và 2023, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục ghi nhận lỗ 7.500 tỷ đồng và 1.400 tỷ đồng do mảng vận tải quốc tế chưa hồi phục hoàn toàn và hãng hàng không có tỷ lệ đòn bẩy hoạt động cao. Đồng thời, cổ đông của Vietnam Airlines cũng sẽ đối mặt với rủi ro pha loãng cổ phiếu do hãng hàng không có kế hoạch tăng vốn bổ sung.
"Chúng tôi vẫn nhận thấy rủi ro cổ phiếu
HVN sẽ phải chuyển giao dịch sang sàn UPCoM vào năm 2023", báo cáo nêu.