Theo tài liệu đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) của Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB), ngân hàng này đặt mục tiêu năm 2022 lợi nhuận trước phương án cơ cấu lại là 608 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm trước.
NCB là ngân hàng tổ chức ĐHĐCĐ muộn nhất trong khối ngân hàng. Theo tài liệu trình đại hội, NCB đặt mục tiêu đến cuối năm 2022, tổng tài sản dự kiến đạt mức 78.178 tỷ đồng, tăng 6% so với năm trước. Huy động từ khách hàng ước tăng 4,6%, đạt mức 67.551 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 10%, đạt 46.015 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu ở mức không quá 3%.
Năm 2021, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước trích lập dự phòng rủi ro đạt 752 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo cam kết của NCB với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), NCB phải sử dụng toàn bộ lợi nhuận để trích lập các khoản cần xử lý theo phương án cơ cấu lại đã được NHNN phê duyệt, do đó lợi nhuận trước thuế còn lại năm 2021 của NCB là 2,3 tỷ đồng.
Phần lợi nhuận sau thuế 1,4 tỷ đồng là lợi nhuận của Công ty TNHH khai thác và quản lý tài sản NCB (NCB góp vốn 100%), phần này sẽ chuyển toàn bộ về Ngân hàng trong năm 2022 để trích/bù đắp/bổ sung các khoản chi phí thuộc phương án cơ cấu lại.
Ngoài ra, NCB cũng sẽ trình ĐHĐCĐ phương án điều chỉnh giới hạn sở hữu của cổ đông ngoại về 8% (thay vì ngưỡng 30% như hiện tại). Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ tới ngày 7/6 là 9%, tương đương gần 50,4 triệu cổ phần.
Bên cạnh đó, NCB cũng thông báo kết quả chào bán cổ phiếu ra công chúng để tăng vốn điều lệ trong thời gian qua. Tổng số cổ phiếu đã phân phối thành công trong đợt chào bán là 150 triệu cổ phiếu, tương ứng 100% tổng số cổ phiếu chào bán. Tổng số tiền thu được là 1.500 tỷ đồng, nâng mức vốn điều lệ sau đợt chào bán là gần 5.602 tỷ đồng.
Kết thúc quý 1/2022, theo báo cáo tài chính, NCB ghi nhận các chỉ tiêu kinh doanh không mấy tích cực. Thu nhập từ lãi thuần sụt giảm tới 34% về còn gần 260 tỷ đồng. Các nguồn thu ngoài lãi cũng tăng giảm không đồng nhất. Do đó, tổng lợi nhuận trước thuế của NCB giảm hơn 6% còn hơn 25,4 tỷ đồng. Nợ xấu của NCB cũng ở mức khá cao lên tới 3,7%, tăng gần 21% so với cuối năm 2021.
Đặc biệt, tại ĐHĐCĐ sẽ được tổ chức vào ngày 18/6, NCB dự kiến bầu bổ sung 2 nhân sự làm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025. Bao gồm bà Trịnh Thanh Mai – hiện đang là Gám đốc điều hành kinh doanh Tập đoàn Ngân hàng ANZ – Úc (từng giữ chức vụ Giám đốc Tài chính của Sun Group từ 2018-2019) và bà Hoàng Thu Trang – hiện đang là Phó Tổng giám đốc NCB.
Thời gian qua, NCB liên tục có biến động về mặt nhân sự. Trước đó ít ngày, 2 thành viên của HĐQT NCB đã bất ngờ gửi đơn xin từ nhiệm là ông Tamaki Kido và ông Phạm Thế Hiệp, đều là thành viên HĐQT với lý do bận việc cá nhân.
Hồi giữa tháng 5 vừa qua, NCB đã bổ nhiệm có thời hạn 12 tháng Phó Tổng giám đốc Nguyễn Đình Tuấn làm Phó Tổng giám đốc thường trực. Bà Dương Thị Lệ Hà rút từ Quyền Tổng giám đốc xuống làm Phó Tổng giám đốc NCB trong thời hạn 12 tháng.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu
NVB của Ngân hàng NCB đang giao dịch quanh mức 34.000 đồng/cổ phiếu, nhưng cổ phiếu này đã có bước tăng khá mạnh từ đầu năm 2022, có thời điểm tăng lên hơn 40.000 đồng/cổ phiếu.