• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,11 +6,75/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,11   +6,75/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,48   +1,64/+0,74%  |   UPCOM-INDEX   93,11   +0,69/+0,75%  |   VN30   1.313,48   +10,23/+0,78%  |   HNX30   462,19   +6,15/+1,35%
19 Tháng Giêng 2025 11:00:32 CH - Mở cửa
'Thực thi Thuế tối thiểu toàn cầu - không nhường quyền thu thuế cho quốc gia cư trú'
Nguồn tin: Nhà đầu tư | 29/06/2022 8:02:42 SA
Đánh giá về tác động của Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu, chuyên gia KPMG khuyến nghị, khi các chính sách về ưu đãi thuế TNDN không còn là một trong các yếu tố cạnh tranh để thu hút FDI, Việt Nam cần có cơ chế nội luật hoá tránh "nhường" quyền thu thuế cho quốc gia cư trú của công ty mẹ.
 
 
Quy tắc IIR sẽ bắt đầu có hiệu lực ở cấp độ toàn cầu vào năm 2023. Ảnh: Trọng Hiếu
 
Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn vừa tổ chức Hội thảo "Thuế tối thiểu toàn cầu và những vấn đề đặt ra với Việt Nam" nhằm đánh giá tác động của Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu (Trụ cột 2) nằm trong khuôn khổ chương trình hành động chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) sẽ ảnh hưởng như thế nào tới môi trường đầu tư của Việt Nam; cùng với đó là tìm lời giải cho câu hỏi "Làm thế nào để Việt Nam vừa thực thi Quy tắc theo cam kết, vừa đảm bảo được sức cạnh tranh và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, tiếp tục thu hút được các dự án quy mô lớn, công nghệ cao phục vụ công cuộc Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá đất nước?"
 
Cũng nhằm mục đích trên, Nhadautu.vn đã có cuộc phỏng vấn với đại diện KPMG - một trong các đơn vị kiểm toán hàng đầu Việt Nam. Tham gia trả lời là các Phó TGĐ phụ trách 4 bộ phận chuyên môn thuộc KPMG gồm: Ông Hoàng Thùy Dương, Trưởng Bộ phận Thuế; bà Lê Thị Kiều Nga, Trưởng Bộ phận Thuế doanh Nghiệp; bà Nguyễn Thu Hường, Trưởng Bộ phận giải quyết tranh chấp & bất đồng về thuế; bà Trần Thị Thúy Hà, Trưởng Bộ phận tư vấn giá giao dịch liên kết.
 
Với tư cách là đại diện một đơn vị tư vấn về thuế, xin ông/bà cho biết đánh giá về tác động của Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu đến môi trường đầu tư của Việt Nam khi Thoả thuận này được thực thi?
 
Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ có tác động nhất định đối với Việt Nam về mặt chính sách và môi trường đầu tư cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn.
 
Cùng với các ưu đãi đầu tư khác, Việt Nam hiện đã và đang áp dụng các chính sách ưu đãi thuế Thu nhập doanh nghiệp để thu hút và khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Do đó, mức thuế suất hiệu quả của các công ty đang được hưởng ưu đãi thuế có khả năng lớn sẽ thấp hơn mức Thuế suất tối thiểu toàn cầu 15%. 
 
Nếu quy định về mức Thuế suất tối thiểu toàn cầu bắt đầu có hiệu lực, các tập đoàn đa quốc gia thuộc phạm vi điều chỉnh có thể sẽ phải đóng thêm thuế tại quốc gia cư trú của công ty mẹ tối cao, nếu các tập đoàn này có các công ty con đang hoạt động tại Việt Nam mà các công ty con này hiện đang đóng thuế tại mức thuế suất hiệu quả (ETR) thấp hơn mức Thuế suất tối thiểu toàn cầu (trong trường hợp Việt Nam không nội luật hóa thỏa thuận này), hoặc các công ty con tại Việt Nam sẽ phải đóng phần thuế chênh lệch này tại Việt Nam (trong trường hợp Việt Nam nội luật hóa thỏa thuận này).
 
Như vậy, về dài hạn, các chính sách về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) có thể không còn là một trong các yếu tố cạnh tranh để thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn. Điều này đặt ra các nhu cầu cấp thiết về việc xây dựng các chính sách và giải pháp mang tính đồng bộ nhằm khai thác các lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu để gia tăng năng lực cạnh tranh, duy trì khả năng thu hút đầu tư nước ngoài.
 
Đứng trên khía cạnh xuất khẩu vốn, Việt Nam đã, đang và sẽ có các tập đoàn đầu tư ra nước ngoài có thể thuộc đối tượng áp dụng của Thỏa thuận này, và do đó có thể được hưởng lợi từ thỏa thuận. Tuy nhiên tác động cụ thể tùy thuộc vào dự án và việc áp dụng chính sách ưu đãi thuế của nước sở tại nơi có dự án đầu tư.
 
Xin ông/bà cho biết lộ trình thực thi Quy tắc này?
 
Thỏa thuận về Thuế tối thiểu toàn cầu bao gồm hai quy tắc nội luật mang tính bổ trợ cho nhau bao gồm: Quy tắc thuế suất tối thiểu (Income Inclusion Rule - IIR) và quy tắc đối với các khoản thanh toán chịu thuế dưới mức tối thiểu (Undertaxed Payment Rule - UTPR).
 
Quy tắc thuế suất tối thiểu (Income Inclusion Rule - IIR) cho phép quốc gia nơi đặt trụ sở của công ty mẹ tối cao được đánh thuế công ty mẹ đối với thu nhập của công ty con chịu thuế ở dưới mức Thuế tối thiểu toàn cầu.
 
Quy tắc đối với khoản thanh toán chịu thuế dưới mức tối thiểu (Undertaxed Payment Rule - UTPR) bổ sung cho Quy tắc IIR nêu trên, áp dụng trong trường hợp công ty con đang chịu thuế ở mức thấp hơn mức tối thiểu nhưng chưa bị đánh thuế bổ sung đối với phần thu nhập của công ty con theo Quy tắc IIR. 
 
Theo lộ trình dự kiến, Quy tắc IIR sẽ bắt đầu có hiệu lực ở cấp độ toàn cầu vào năm 2023, và Quy tắc UTPR sẽ bắt đầu có hiệu lực ở cấp độ toàn cầu vào năm 2024. 
 
Gần đây, các quốc gia EU và Anh đã thông báo áp dụng Quy tắc IIR vào ngày 31/12/2023.
 
Hiện nay đã có hơn 140 quốc gia tham gia vào BEPS. Vậy cho tới thời điểm hiện tại, các nước đang ứng xử ra sao để thực thi quy tắc, vừa tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là những nước đang phát triển như Việt Nam?
 
Hiện nay, các quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển, nơi mà ưu đãi thuế vẫn còn là một trong những công cụ quan trọng để thu hút đầu tư nước ngoài, cũng đang tiến hành rà soát và đánh giá tác động của Thuế tối thiểu toàn cầu đối với các công ty đa quốc gia của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như bắt đầu nghiên cứu các giải pháp ưu đãi ngoài thuế khác, phát triển các năng lực cạnh tranh khác ngoài thuế để đảm bảo duy trì và nâng cao khả năng thu hút đầu tư ngoài nước. 
 
Các quốc gia đang phát triển, bao gồm cả Việt Nam cũng đang cân nhắc đàm phán một điều khoản chuyển tiếp, giãn khoảng thời gian Quy tắc này có hiệu lực thêm 2-3 năm để có thời gian thêm chuẩn bị cho việc nội luật hóa Quy tắc này và giảm thiểu tác động của thỏa thuận đến chính sách và môi trường đầu tư.
 
Cuối cùng, ông/bà có khuyến nghị nào với Việt Nam để vừa thực thi Quy tắc theo đúng cam kết, vừa có môi trường đầu tư hấp dẫn với các doanh nghiệp FDI lớn?
 
Chúng tôi được biết Chính Phủ Việt Nam, Bộ Tài Chính cùng các Bộ ban ngành đang khẩn trương thực hiện các bước bao gồm: Đánh giá một cách toàn diện tác động của Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu đối với các tập đoàn đa quốc giathuộc phạm viáp dụng; và cân nhắc nội luật hóa cơ chế thu phần thuế chênh lệch giữa mức Thuế suất tối thiểu toàn cầu và mức thuế suất hiệu quả (Domestic Minimum Top-Up Tax, Cơ Chế DMT) cho các tập đoàn/ công ty thuộc đối tượng áp dụng để đảm bảo quyền đánh thuế của Việt Nam. Chúng tôi xin lưu ý một số điểm liên quan đến việc chuẩn bị lộ trình thực thi này như sau:
 
Do Thuế tối thiểu toàn cầu được tính trên cơ sở cấp quốc gia, tác động của Thuế tối thiểu toàn cầu có thể là không lớn nếu như các tập đoàn đa quốc gia có cả các công ty đang hưởng thuế suất phổ thông tại Việt Nam (ví dụ: Công ty thương mại), ngoài các công ty đang hưởng ưu đãi.
 
Do đó, các bộ, ngành liên quan nên xem xét triển khai việc rà soát và đánh giá một cách toàn diện tác động thực tế của Thuế tối thiểu toàn cầu đối với các dự án đầu tư tại Việt Nam theo lộ trình ưu đãi thuế TNDN mà Việt Nam đã và đang cam kết, và trên cơ sở đó thực hiện xây dựng và đánh giá các giải pháp "bù đắp" cho các công ty bị ảnh hưởng bởi Thuế tối thiểu toàn cầu, nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh về sức hút đầu tư của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. 
 
Các bộ ngành cũng nên cân nhắc lấy ý kiến và đề xuất từ các địa phương vì mỗi địa phương khác nhau có thể có thế mạnh cung cấp được ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài khác nhau.
 
Cần rà soát, phân tích các thế mạnh, giá trị cốt lõi của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu để có các chính sách thu hút đầu tư phù hợp tập trung vào các thế mạnh, giá trị cốt lõi đó.
 
Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu cũng cho phép quốc gia thành viên được quyền thu phần thuế chênh lệch nêu trên thông qua Cơ chế DMT nếu như cơ chế này được nội luật hóa bởi quốc gia thành viên. Việc nội luật hóa Cơ chế DMT sẽ bảo đảm Việt Nam vẫn giữ được quyền thu phần thuế chênh lệch thay vì "nhường" quyền thu thuế này cho quốc gia cư trú của công ty mẹ tối cao. Từ đó, vẫn đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước để cân đối với các chính sách, giải pháp thay thế nhằm "bù đắp" cho các nhà đầu tư nước ngoài bị tác động bởi Thuế tối thiểu toàn cầu.
 
Nhằm tránh các tác động của việc nội luật hóa đến toàn bộ chính sách thuế của Việt Nam, phạm vi/ đối tượng áp dụng của việc nội luật hóa này chỉ nên dành cho các tập đoàn/công ty thuộc đối tượng áp dụng của quy tắc này.
 
Chúng tôi, trên cương vị là đơn vị tư vấn chuyên nghiệp toàn cầu cho nhiều tập đoàn đa quốc gia đồng thời là nhà đầu tư lớn tại Việt Nam với nhiều dự án lớn, trọng điểm, rất sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ trong quá trình chuẩn bị nêu trên. 
 
Xin cảm ơn ông, bà!