Thảo luận ở tổ chiều 3/6, các đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Dầu khí (sửa đổi) và cho rằng nội dung dự thảo Luật phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013; tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Bắc Ninh) cho rằng, sản lượng khai thác dầu thô đã giảm dần trong giai đoạn 2016 - 2020; hệ số bù trữ lượng dầu khí suy giảm ở mức báo động; trữ lượng các mỏ hiện hữu đã vào giai đoạn giảm sâu. Chính vì vậy, cần có cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư cũng như cơ sở pháp lý để đẩy mạnh các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí.
Bên cạnh đó, thời gian qua, nhiều chính sách, luật mới được ban hành có liên quan đến hoạt động dầu khí như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng và các luật khác. Do đó, việc sửa đổi Luật Dầu khí để đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật là hết sức cần thiết.
Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh Trần Hoàng Ngân trả lời phỏng vấn báo chí sáng 31/5/2022. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, Luật Dầu khí được ban hành năm 1993, đã qua mấy lần sửa đổi, nhờ có luật mà hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí Việt Nam phát triển, góp phần vào phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, những năm gần dây, sản lượng khai thác dầu khí của Việt Nam đang trên đà suy giảm: từ mức 17 triệu tấn năm 2016, năm 2021 chỉ còn 11 triệu tấn. Hiện, muốn khai thác tiếp phải khai thác, thăm dò ở vùng nước sâu, xa bờ, có điều kiện thi công phức tạp, do đó cần những cơ chế, chính sách cho ngành Dầu khí.
Theo đại biểu, những năm gần đây, khi có những cú sốc xăng dầu như xung đột Nga - Ukraine, nhiều quốc gia có chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực xăng dầu. “Chúng ta có những quy định, chính sách hỗ trợ cho ngành Dầu khí nhưng chưa được luật hóa. Do đó, tôi ủng hộ sửa đổi Luật Dầu khí”, đại biểu nhấn mạnh. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, những quốc gia khai thác dầu mỏ, người dân phải được thụ hưởng từ việc khai thác đó. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, không có lý do gì mà không sử dụng các công cụ để giảm giá xăng dầu nhằm chia sẻ khó khăn với người dân.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân phân tích, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp rất nhiều thách thức. Đời sống người lao động, người dân, người nghèo đang gặp nhiều khó khăn do giá cả xăng dầu và một số mặt hàng tăng cao. Bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp, căng thẳng địa chính trị ngày càng tăng đã làm gia tăng khủng hoảng năng lượng, xăng dầu, khí đốt, khủng hoảng nhân đạo và đe dọa an ninh lương thực toàn cầu, gây áp lực đến lạm phát toàn thế giới. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần xây dựng hệ thống các giải pháp đồng bộ từ ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, thích ứng với các kịch bản, trong đó lưu ý đến hai biến số quan trọng, đó là giá xăng dầu và giá lương thực.
Chính phủ nên sớm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng, trong đó mặt hàng quan trọng nhất là mặt hàng xăng dầu, vì để giá xăng dầu tăng cao sẽ dẫn đến giá cả các mặt hàng khác tăng theo.
Đại biểu Lê Thanh Phong (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, nội dung cơ bản và tinh thần của Luật Dầu khí cần xác định rõ mục đích là nhằm thu hút sự khai thác, thăm dò tiềm năng dầu khí trên các thềm lục địa của lãnh thổ Việt Nam đồng thời giữ gìn biển đảo, hải đảo, vùng lãnh hải của Việt Nam. Đó là mục tiêu chính để ban hành Luật này.
Dầu khí là sở hữu toàn dân; chính vì thế, trong Luật phải có điều khoản để thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thăm dò, khai thác. Khi khai thác được, phân chia sản phẩm, phải lấy quyền lợi trong nước của người dân làm trọng. Theo đại biểu, cần quy định sản lượng dầu khí khai thác được phải phục vụ trước hết ở thị trường trong nước, tránh tình trạng như vừa qua, khi giá xăng dầu tăng, các cửa hàng xăng đóng cửa không bán cho dân. Trong bối cảnh giả cả bất ổn hiện nay, đại biểu đề nghị phải bảo đảm việc chủ động an ninh năng lượng quốc gia, có chính sách để bảo hộ với mặt hàng xăng dầu.
Liên quan đến việc điều tra cơ bản về dầu khí (các khoản 2, 3 và 5 Điều 5, các khoản 1, 2, 3 và 5 Điều 6, Điều 9 và Chương II dự thảo Luật), các đại biểu đề nghị báo cáo rõ về trường hợp cơ quan quản lý nhà nước thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí, khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan này và nghiên cứu, bổ sung quy định rõ ràng, đầy đủ về: cơ chế thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí; các tiêu chí, điều kiện xác định trường hợp cơ quan quản lý nhà nước, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí; cơ chế thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia; hình thức ghi nhận sự thỏa thuận giữa Nhà nước và tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị quy định những nội dung cụ thể giao Chính phủ quy định chi tiết về tổ chức thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí.