Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Thông tư quy định chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch.
Ảnh minh họa (nguồn: TL).
Dự thảo nêu rõ danh mục tài sản, thời gian sử dụng và tỷ lệ tính hao mòn, khấu hao. Đối với tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch nông thôn tập trung: Hệ thống công trình cấp nước bơm dẫn (công trình cấp nước và công trình phụ trợ có liên quan): Khung thời gian sử dụng từ 15-20 năm, khung tỷ lệ khấu hao/hao mòn là 5-6,67%.
Hệ thống công trình cấp nước tự chảy, hồ treo (công trình cấp nước và công trình phụ trợ có liên quan): Khung thời gian sử dụng từ 10-15 năm, khung tỷ lệ khấu hao/hao mòn là 6,67-10%.
Đối với tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch đô thị: Hệ thống công trình cấp nước bơm dẫn (công trình cấp nước và công trình phụ trợ có liên quan): Khung thời gian sử dụng từ 15-20 năm, khung tỷ lệ khấu hao/hao mòn là 6,67-5%.
Phương pháp tính hao mòn, khấu hao
Theo dự thảo, đối với tài sản kết cấu hạ tầng nước sạch được tính hao mòn cho toàn bộ thời gian sử dụng thì mức hao mòn hàng năm của từng tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch được tính theo công thức:
Mức hao mòn hàng năm của từng tài sản = Nguyên giá của tài sản x Tỷ lệ hao mòn (%/năm)
Đối với tài sản kết cấu hạ tầng nước sạch được trích khấu hao cho toàn bộ thời gian sử dụng thì mức trích khấu hao hàng tháng của từng tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch được tính theo công thức:
Mức khấu hao hàng tháng của từng tài sản = Nguyên giá của tài sản x Tỷ lệ khấu hao (%/năm) 12 tháng
Mức tính hao mòn, khấu hao cho năm cuối cùng của thời gian sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch được xác định là hiệu số giữa nguyên giá tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch và số hao mòn lũy kế, tổng số khấu hao đã trích của tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch đó.