• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,55 +0,44/+0,04%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,55   +0,44/+0,04%  |   HNX-INDEX   221,69   -0,79/-0,35%  |   UPCOM-INDEX   92,80   -0,31/-0,33%  |   VN30   1.316,95   +3,47/+0,26%  |   HNX30   460,25   -1,94/-0,42%
20 Tháng Giêng 2025 6:57:26 CH - Mở cửa
Nhiều nhà đầu tư điện gió ngoài khơi lo lắng vì cơ chế chưa rõ ràng
Nguồn tin: VietNam+ | 09/06/2022 7:35:00 SA
Khung chính sách, lộ trình xây dựng và ban hành cơ chế chính sách giá cho các dự án điện gió ngoài khơi đến nay chưa được chuẩn bị, thiếu các chỉ dẫn cụ thể và rõ ràng.
 
 
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó tổng giám đốc Tập đoàn T&T. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
 
Ngày 9/6, tại Hà Nội, Hiệp hội Điện gió toàn cầu (GWEC) phối hợp với Viện Năng lượng - Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo “Lộ trình hiện thực hóa điện gió ngoài khơi tại Việt Nam: Hướng đến mục tiêu Quy hoạch Điện VIII và cam kết Net Zero”. Nhiều khó khăn đã được các nhà đầu tư điện gió ngoài khơi chia sẻ tại Hội thảo này.
 
*Nút thắt ở cơ chế
 
Hiện nay, dự thảo Quy hoạch Điện VIII đã được Bộ Công Thương trình Chính phủ xem xét, phê duyệt. Dự kiến đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu 7.000 MW điện gió ngoài khơi. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn T&T cho rằng, quá trình phê duyệt dự án, lựa chọn nhà đầu tư kéo dài sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển điện gió ngoài khơi vào năm 2030 với 7.000 MW hoặc cao hơn khi điều kiện cho phép.
 
Sau khi Quy hoạch Điện VIII được phê duyệt, Bộ Công Thương mới dự kiến tiếp tục xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch, làm cơ sở để xác định quy mô công suất các dự án phân theo từng địa phương, tiếp đó mới đến công tác lựa chọn nhà đầu tư… Do vậy, nếu việc phê duyệt quy hoạch, lựạ chọn dự án, lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án điện gió ngoài khơi không sớm được đẩy nhanh theo các trình tự thủ tục mục tiêu đến 2030 là rất khó khả thi.
 
Về khung chính sách, lộ trình xây dựng và ban hành cơ chế chính sách giá cho các dự án điện gió ngoài khơi đến nay chưa được chuẩn bị, thiếu các chỉ dẫn cụ thể và rõ ràng. Đặc biệt, quy định như thế nào được gọi là dự án điện gió ngoài khơi cũng là những khó khăn cho phát triển các dự án, bà Bình nêu quan điểm.
 
Cụ thể, ở Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, Quyết định này chỉ đưa ra quy định điện gió trên bờ và ngoài khơi, trong khi Dự thảo Quy hoạch Điện VIII đề cập đến điện gió trên bờ, gần bờ và điện gió ngoài khơi.
 
Lãnh đạo Tập đoàn T&T cũng bày tỏ lo ngại về cơ chế đấu thầu, đấu giá đang được đề xuất dự kiến sẽ áp dụng cho các dự án điện năng lượng tái tạo.
 
“Nếu áp dụng ngay cho điện gió ngoài khơi có thể sẽ có nhiều rủi ro và hệ lụy cho cả các nhà đầu tư “thực” lẫn mục tiêu phát triển của Quy hoạch Điện VIII cần đạt được. Điện gió ngoài khơi là lĩnh vực đầu tư còn rất mới mẻ đối với Việt Nam, trong khi có thể một số nhà đầu tư chỉ tham gia hoạt động theo hướng phát triển dự án. Vì thế, việc tham gia thầu, bỏ giá thầu trong trường hợp này có thể dẫn đến tình trạng nhiễu thị trường và sau đó là bỏ thầu…", bà Bình phân tích.
 
Cùng quan điểm, ông Mark Hutchinson, đại diện Hiệp hội điện gió toàn cầu (GWEC) cho rằng, doanh nghiệp phải đầu tư hàng tỷ USD cho một dự án điện gió ngoài khơi, dù là dự án nhỏ nên cần sự rõ ràng về chính sách. Thời gian để hoàn thành một dự án điện gió ngoài khơi từ khâu chuẩn bị đến khi vận hành thương mại mất 8 năm và rất nhiều việc cấp bách cần thực hiện.
 
Ông Mark Hutchinson cũng cho biết, các ngân hàng trong nước giới hạn khoản vay nên cần những đơn vị nước ngoài đầu tư. Qua tham vấn, ngân hàng nước ngoài sẽ phải tính toán được rủi ro và dự toán tài chính thông qua cơ chế giá và những điều khoản ở hợp đồng mua bán điện thể hiện điều khoản về giảm công suất…
 
 
Ông Mark Hutchinson, đại diện GWEC . Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
 
* Cần cơ chế chuyển tiếp trước đấu thầu
 
Theo các nhà đầu tư dự án, Việt Nam đang nghiên cứu và đưa ra phương án đấu thầu dự án; trong đó, có điện gió ngoài khơi. Tuy nhiên, cần có cơ chế chuyển tiếp trước khi thực hiện đấu thầu bởi không chỉ thời gian chờ đợi cơ chế mà thực tế kinh nghiệm các nước cho thấy đây là giải pháp hợp lý.
 
Ông Mark Hutchinson nhấn mạnh, không thị trường nào trên thế giới huy động được 3 GW điện gió ngoài khơi trong giai đoạn đầu tiên thông qua đấu thầu. Do đó, cần thực hiện cơ chế chuyển tiếp với giá cố định cho 4 GW đầu tiên và sau đó tiến tới đấu thầu cho 3 GW còn lại cho giai đoạn đến năm 2030. Hoặc thực hiện giải pháp lựa chọn nhà đầu tư theo các tiêu chí đặt ra…
 
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình cũng nhấn mạnh: “Đây là giai đoạn đầu khởi động, định hình phát triển một ngành công nghiệp mới, hiện đại ở Việt Nam. Do vậy, Chính phủ có thể xem xét bắt đầu bằng cơ chế lựa chọn nhà đầu tư (không qua đấu thầu) trên cơ sở phải đáp ứng được các tiêu chí rõ ràng, chứng minh được năng lực, kinh nghiệm, tài chính, phát triển công nghiệp phụ trợ trong nước..., đảm bảo rút ngắn giai đoạn lựa chọn nhà đầu tư, các dự án có thể sớm được triển khai, vận hành trước 2030”.
 
 
Trụ tuabin trên biển của Nhà máy điện gió số 5 (xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú). Ảnh: Công Trí-TTXVN
 
Dẫn chứng kinh nghiệm từ các nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản…, bà Thanh Bình cho hay, các nước này cũng áp dụng cơ chế giá ưu đãi (FIT) để thúc đẩy phát triển điện gió ngoài khơi giai đoạn đầu. T&T cũng đang tính toán mức giá bao nhiêu là hợp lý và sẽ có đề xuất với Chính phủ.
 
Ông Stuart Livesey, Giám đốc quốc gia Việt Nam COP - Tổng giám đốc Công ty La Gan cũng nêu lý do phải có giai đoạn chuyển đổi trước khi chuyển ngay sang cơ chế đấu giá. Theo đó, các tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi cần được điều chỉnh bởi khung pháp lý và quy định hiệu quả, từ đó thu hút nhiều nhà phát triển, nhà đầu tư, nhà thầu, nhà cung cấp và tài trợ trên toàn thế giới. Như ở Đài Loan (Trung Quốc), mức giá đối với các hợp đồng mua bán điện cho các dự án điện gió ngoài khơi cho thấy mức giảm đều trong 6 năm qua từ mức giá ưu đãi FIT ban đầu, qua giai đoạn chuyển đổi và hiện tại là đấu giá cạnh tranh, với mức giảm khoảng 60%.
 
"Điểm đầu tiên trong kinh nghiệm phát triển các dự án là Chính phủ chủ động trong việc đánh giá các vị trí tiềm năng, từ đó có kế hoạch dài hạn, mạnh mẽ và nhất quán để tạo cơ hội cho các nhà đầu tư", ông Stuart Livesey nói.
 
Về phía cơ quan quản lý, ông Đoàn Ngọc Dương, Phó Viên trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công thương) cũng bày tỏ, mỗi quốc gia có cơ sở, xuất pháp điểm và pháp luật đầu tư khác nhau. Tuy nhiên, với kinh nghiệm của quốc gia đi trước, để thúc đẩy phát triển giai đoạn đầu, tạo niềm tin cho nhà đầu tư, họ cũng dùng chính sách giá cố định hoặc lựa chọn nhà đầu tư... Do vậy, đây cũng là vấn đề phải cân nhắc./.