Với mức giao dịch bình quân 20 phiên chỉ còn khoảng 2,8 triệu cổ phiếu, KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc đã được xem về đáy và đang gặp khó trong nỗ lực vượt kháng cự cứng ở vùng 35.000 đồng/cổ phiếu.
Tuần vừa qua, cổ phiếu KBC chỉ giảm 1,4% trong khi VN-Index giảm 2,3%. Với một mã có tính thị trường cao như KBC, đây là hiện tượng khá bất thường cho thấy việc biến động giá đã không còn nhạy cảm với chỉ số.
Cổ phiếu về lại mặt bằng thanh khoản trước COVID-19
Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến KBC đã bớt đi sự "thị trường" đó là thanh khoản của KBC hiện đã về lại mức thanh khoản trước khi cả đại dịch COVID-19 xảy ra. Theo thống kê, khối lượng giao dịch bình quân 20 phiên của KBC cuối tuần vừa qua chỉ khoảng 2,8 triệu cổ phiếu, xấp xỉ giai đoạn cuối năm 2019 và đầu năm 2020.
Đây là dấu hiệu sự cạn kiệt thanh khoản của cổ phiếu và cũng đang là sự cản trở cho các nỗ lực vượt vùng giá 35.000 đồng/cổ phiếu trong thời gian qua. Đã có không dưới 4 lần, KBC thử sức vượt qua kháng cự 35.000 đồng/cổ phiếu nhưng đều thất bại. Thực tế đây cũng là kháng cự mà KBC phải mất gần một năm mới vượt qua trong năm 2021.
Cổ phiếu này sẽ chỉ có thể bứt phát khi có dòng tiền cải thiện. Nhóm nhà đầu tư trung và dài hạn sẽ là phù hợp với KBC trong khi nhóm lướt sóng sẽ chỉ chủ yếu đặt mã này trong danh sách theo dõi.
Tràng Cát vẫn là trọng điểm nhưng đan xen nhiều chướng ngại trong ngắn hạn
ĐHCĐ năm 2022, KBC giữ nguyên kế hoạch doanh thu và LNST năm 2022 ở mức lần lượt là 9,8 nghìn tỷ đồng (tăng 122% so với cùng kỳ) và 4,5 nghìn tỷ đồng (tăng 372% so với cùng kỳ), không thay đổi so với kế hoạch đã được thông qua tại ĐHCĐ bất thường tổ chức vào tháng Hai.
Kế hoạch đầy tham vọng này là dựa trên cơ sở sẽ bàn giao 102 ha đất công nghiệp tại KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh (Bắc Ninh), KCN Tân Phú Trung (TP Hồ Chí Minh) và 44 ha đất khu dân cư tại Phúc Ninh (Bắc Ninh), Tràng Duệ (Hải Phòng) và Tràng Cát (Hải Phòng).
Tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 phụ thuộc vào việc bàn giao khu đô thị Tràng Cát, nơi được kỳ vọng đóng góp tới 55% tổng doanh thu. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh chính là cho thuê đất công nghiệp, vốn thường chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu hàng năm, dự kiến chỉ đóng góp 24% vào doanh thu năm nay.
Tại ĐHCĐ, Ban lãnh đạo cũng cho biết KBC đang đàm phán với nhiều nhà đầu tư tiềm năng. Nếu các giao dịch này thành công, sẽ có tổng diện tích khoảng 150ha có thể được bàn giao tại KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh và KCN Quang Châu, giúp tạo ra thu nhập đáng kể cho KBC sau này.
SSI kỳ vọng hoạt động cho thuê đất tại KCN Quang Châu, KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, KCN Tân Phú Trung và bán hàng tại Khu đô thị Tràng Cát sẽ là động lực tăng trưởng lợi nhuận cho KBC. Do đó, ước tính doanh thu của SSI cho hoạt động kinh doanh chính của công ty là 9,0 nghìn tỷ đồng (tăng 112% so với cùng kỳ), và LNST ước tính đạt 3,0 nghìn tỷ đồng (tăng 210% so với cùng kỳ). Dự báo của SSI thấp hơn so với kế hoạch của công ty do thận trọng hơn trong giả định về việc giao đất.
Đối với năm 2023, các khu công nghiệp sẽ tiếp tục là nguồn thu chính, đồng thời giai đoạn 3 của KCN Tràng Duệ và các KCN ở Long An cũng có thể bắt đầu tạo ra thu nhập. Ngoài ra, SSI kỳ vọng rằng KBC sẽ tiếp tục bán một phần KĐT Tràng Cát cho các chủ đầu tư thứ cấp. Do đó, doanh thu của KBC có thể đạt tới con số 11,4 nghìn tỷ đồng (tăng 26% so với cùng kỳ) và LNST đạt 3,7 nghìn tỷ đồng (tăng 25% so với cùng kỳ).
Mặc dù lo ngại về rủi ro pha loãng cổ phiếu và áp lực giảm giá cổ phiếu do phát hành riêng lẻ, SSI vẫn giữ quan điểm tích cực đối với mảng bất động sản KCN trong dài hạn. Giá mục tiêu của SSI là 40.300 đồng/cổ phiếu, tương đương tiềm năng tăng giá là 27%.
Trong ngắn hạn, rủi ro là kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm có thể không đạt mức tăng trưởng tích cực và 192 triệu cổ phiếu thưởng có thể bắt đầu giao dịch từ khoảng cuối tháng 7 tạo ra áp lực bán đối với cổ phiếu.