Áp lực lạm phát rất lớn nhưng tiến sỹ Trần Đình Thiên cho rằng không nên quá sợ lạm phát mà bỏ lỡ các cơ hội tăng trưởng.
PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.
PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, không phủ nhận “bóng ma” lạm phát đang rình rập. Diễn biến căng thẳng trên thị trường thế giới xảy ra từ cuối tháng 2 khi xung đột Nga – Ukraine bùng phát đã khiến giá xăng dầu, giá gas, giá nhiều loại vật tư nguyên liệu và lương thực, thực phẩm tăng cao.
Ở trong nước, giá các loại nguyên vật liệu, nhiên liệu liên tục "leo thang" cũng gây gia tăng lạm phát. Mặc dù chỉ số CPI trong quý II/2022 vẫn được kiểm soát, bình quân quý II/2022 tăng 2,96% so với quý II/2021 và sáu tháng đầu năm tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,25%, song ông Thiên cho rằng, áp lực lạm phát trong sáu tháng cuối năm với nền kinh tế Việt Nam vẫn rất lớn.
Rủi ro gia tăng lạm phát, gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế vĩ mô là điều không thể tránh khỏi, Chính phủ cần hết sức quan tâm đến vấn đề kiểm soát lạm phát, nhưng quan trọng hơn, vị chuyên gia này cho rằng, nền kinh tế không nên "quá sợ lạm phát" mà để tuột mất các cơ hội tăng trưởng.
Theo ông Thiên, Chính phủ cần nhìn lạm phát ở một khía cạnh khác, toàn diện và đầy đủ hơn. Lạm phát trên thế giới và Việt Nam hiện nay chủ yếu ảnh hưởng từ yếu tố khách quan, do cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine khiến giá nhiên liệu tăng cao.
"Điều này là ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ. Chúng ta không có cách nào để chống lại điều đó. Và muốn chống lại cũng không được.
Trong giai đoạn hiện nay khi Chính phủ đang quyết liệt thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, đẩy mạnh đầu tư công để vượt qua những khó khăn do dịch bệnh mang lại, việc cung tiền ra nền kinh tế và vấn đề lạm phát, giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao là điều cần được tính toán một cách thận trọng", ông Thiên nói.
"Tuy nhiên, tính đến không phải để lo sợ lạm phát mà không làm gì cả", ông Thiên nhấn mạnh và cho rằng, sau dịch bệnh là lúc các doanh nghiệp đang rất khó khăn, gần như “kiệt sức”.
Nếu các chính sách tiếp tục bị thắt chặt, không có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, họ sẽ không thể đứng dậy, cả nền kinh tế cũng không thể phát triển vượt qua khủng hoảng.
Những điều Chính phủ cần làm ngay lúc này theo ông Thiên là bằng mọi cách giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp. Đơn cử như việc giá xăng tăng mạnh, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục cắt giảm các loại thuế phí như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu, chứ không chỉ giảm thuế bảo vệ môi trường như vừa qua.
Thứ hai, các biện pháp hỗ trợ lãi suất, giảm lãi suất cho doanh nghiệp cần được đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Chính phủ không nên sợ lạm phát mà thắt chặt việc tiếp cận dòng vốn của doanh nghiệp, bởi lúc này doanh nghiệp đang rất yếu và cần tiền để quay lại hoạt động sản xuất kinh doanh.
"Nhà nước cần có giải pháp làm sao để cung cấp đủ tài chính cho họ", ông Thiên chỉ rõ.
Vị chuyên gia này cho rằng, chương trình phục hồi tăng trưởng phải tích cực bơm tiền ra nền kinh tế ngay lúc này. Nếu chậm trễ, doanh nghiệp “chết” sẽ không còn cơ hội để phục hồi. Việc bơm tiền qua tín dụng, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp phải mạnh mẽ.
Thời gian vừa qua, do gặp phải một số sự cố, dòng vốn này trên thị trường đã bị kiểm soát. Tuy nhiên, lẽ ra chỉ nên kiểm soát những dự án sai phạm, năng lực yếu kém thì đó lại là sự siết chặt chung, đánh đồng tất cả, trong khi, những dự án tốt, hoàn thiện pháp lý vẫn rất cần các kênh huy động vốn để tiếp tục triển khai.
Chính điều này đã gây khó khăn chung cho cả thị trường, để lại hậu quả rất nghiêm trọng, ông Thiên nhấn mạnh.
Thứ ba, giải ngân vốn đầu tư công hiện đang rất chậm và cần được đẩy nhanh trong thời gian tới để tạo lực đẩy giúp tăng trưởng kinh tế.
Thứ tư, Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ an sinh xã hội, chăm lo cho đời sống người lao động. Đây là vấn đề thậm chí còn quan trọng hơn cả việc phát triển các thị trường. Chỉ khi đời sống người dân được ổn định, nền kinh tế mới có thể phát triển một cách bền vững.
Với bốn giải pháp trên, theo ông Thiên, trong bối cảnh kinh tế, xã hội hiện nay, Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện để phục hồi kinh tế, không cần lo sợ lạm phát mà gián đoạn việc triển khai.
Nguy cơ lạm phát là điều khó tránh khỏi nhưng với những điều đã làm được trong sáu tháng đầu năm 2022, việc kiểm soát lạm phát, không để tăng quá cao là khả thi.
Theo đó, mặc dù tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm rất khó đoán định nhưng đa phần các dự báo đều đánh giá triển vọng kinh tế lạc quan. Tăng trưởng kinh tế trong quý II vừa qua rất mạnh, khiến Việt Nam có cơ sở để tin rằng tăng trưởng kinh tế vẫn tốt.
Bên cạnh đó, ở trong nước, dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh đã dần hồi phục, sự đứt gãy chuỗi cung ứng đã được khắc phục, du lịch hàng không mở cửa trở lại… xu hướng phục hồi là rất rõ ràng.
Với thế giới, Việt Nam vẫn giữ được mối quan hệ kinh tế cả về đầu tư, thương mại hàng hoá và xuất nhập khẩu. Với tất cả các yếu tố đó, trong sáu tháng cuối năm, kinh tế Việt Nam sẽ vẫn tiếp đà tăng trưởng, những yếu tố tiêu cực do ảnh hưởng của lạm phát vẫn được kiểm soát.
"Cả nền kinh tế đang có niềm tin, có đà và thế để tăng trưởng tốt, kiểm soát lạm phát để để phục hồi. Việc cẩn trọng với lạm phát để có biện pháp ứng phó kịp thời là cần thiết. Song các cơ quan quản lý nhà nước cần hiểu rất rõ về cấu trúc của lạm phát và tác động của các chúng để có giải pháp phù hợp chứ không phải cứ hô lạm phát rồi cuối cùng như sợ ma. Kết quả là nền kinh tế trì trệ, chậm phát triển", ông Thiên nhấn mạnh.