• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.228,33 +11,79/+0,97%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.228,33   +11,79/+0,97%  |   HNX-INDEX   221,76   +0,47/+0,21%  |   UPCOM-INDEX   91,50   +0,41/+0,45%  |   VN30   1.286,67   +14,94/+1,17%  |   HNX30   469,81   +2,48/+0,53%
22 Tháng Mười Một 2024 5:11:45 SA - Mở cửa
Giá lợn hơi tăng nhưng tiểu thương 'kém vui'
Nguồn tin: Báo Công Thương | 18/07/2022 9:00:00 CH
Bước sang tháng 7/2022, giá lợn hơi bật tăng 25-40% so với đầu năm. Song, các tiểu thương, người mua 'kém vui' còn người chăn nuôi chưa yên tâm về mức giá này.
 
Các tiểu thương và cả người mua ‘kém vui’
 
Sau thời gian dài đi ngang và loanh quanh trong ngưỡng giá trên dưới 60.000 đồng/kg thì bước sang tháng 7/2022, giá lợn hơi bất ngờ bật tăng mạnh từ 25 - 40% so với đầu năm, trong đó, có địa phương, giá lợn hơi lên mức 72.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá lợn hơi tăng không khiến những người buôn bán kinh doanh mặt hàng này phấn khởi.
 
 
Người tiêu dùng mua thịt lợn tại chợ truyền thống tại Hà Nội
 
Chị Thu Hòa, tiểu thương chợ Hoàng Mai chia sẻ, hiện giá lợn móc hàm cũng lên đến 95.000 - 100.000 đồng/kg, với mỗi tạ lợn móc hàm, tiểu thương chúng tôi phải trả thêm 1,5 - 2 triệu đồng. Mua vào thì tăng, giá bán ra cũng tăng từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, giá thịt lợn hiện phổ biến trong khoảng từ 110.000 - 150.000 đồng/kg, nhưng chợ búa ế ẩm, đến cuối giờ chợ mà không bán hết, chúng tôi phải bán hòa vốn, thậm chí lỗ vốn cho các cửa hàng cơm bình dân, quán ăn…. Từ hôm giá lợn lên, cũng có ngày cửa hàng của tôi lỗ vài trăm nghìn đồng.
 
Bà Phương Hoa - kinh doanh giò chả tại chợ Kim Liên chia sẻ, giá thịt lợn đắt lên khiến những người làm hàng như chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn. “Với mỗi kg thịt lợn làm hàng (chế biến giò, chả) đắt lên 30.000 đồng. Đầu vào tăng nhưng giá bán cũng chỉ tăng 10.000 - 20.000 đồng/kg tùy loại. Như chúng tôi bán tại chợ này, mỗi kg giò tôi cũng chỉ dám tăng 10.000 đồng. Cửa hàng ở nhà thì tăng giá cao hơn khoảng 20.000 đồng. Chợ búa ế ẩm. Người mua hàng cũng chủ yếu là khách quen. Tăng nhiều khách hàng họ kêu”, bà Phương Hoa chia sẻ.
 
Giá thịt lợn lên cũng sẽ tác động đến túi tiền của mỗi gia đình khi thịt lợn vẫn là thực phẩm chính trong bữa cơm hàng ngày của người tiêu dùng Việt. Lựa chọn chuyển sang thực phẩm khác cũng là cách được nhiều người lựa chọn. Chị Mai Thanh Thúy (phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, thịt lợn đắt lên, do đó, chị chuyển sang các loại thực phẩm khác như ngan, thịt vịt, cá, tôm…
 
Ông Nguyễn Văn Trọng - nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - nhận định, đà tăng của giá lợn hơi vẫn khá chậm và có thể chỉ tăng 5-10% nữa (tương đương 3.000 - 6.000 đồng/kg) trong quý III/2022 này.
 
“Nhu cầu tiêu thụ chững lại vì thời tiết nắng nóng, thu nhập của người dân chưa phục hồi sau Covid-19 cũng là một trong những yếu tố khiến giá lợn hơi đi ngang trong suốt 6 tháng đầu năm. Mặt khác, dịch Covid-19 đã thay đổi thói quen của người tiêu dùng, họ vẫn hạn chế với các hoạt động ăn uống ngoài gia đình nên lượng tiêu thụ thịt vẫn khó tăng nhanh”, ông Nguyễn Văn Trọng chia sẻ.
 
Tính chung trong 2 tuần đầu tháng 7/2022, giá lợn hơi đã tăng mạnh từ 12-15% so với mức giá bình quân trong tháng 6/2022, đặc biệt tại một số tỉnh khu vực miền Bắc.
 
Theo phân tích của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), giá lợn hơi trong năm 2022 sẽ dao động ở mức 60.000 - 70.000 đồng/kg khi nhu cầu ăn uống ổn định, trong khi nguồn cung thịt lợn giảm do tỷ lệ tái đàn đầu năm 2022 ở mức thấp vì liên quan đến các yếu tố như dịch tả lợn châu Phi, giá cám cao tác động tiêu cực tới tâm lý của các hộ chăn nuôi.
 
Liệu đà tăng giá lợn hơi có bền vững?
 
Giá lợn hơi nhích lên là tin vui với người chăn nuôi nhưng điều họ lo lắng rằng liệu đà tăng này có thực sự bền vững? Ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai - cho biết, giá lợn ba miền sẽ dao động quanh mức 70.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khó có thể lên cao hơn nữa.
 
Trong thời gian ngắn sắp tới, thị trường lợn hơi của Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ thị trường Trung Quốc, vì đàn lợn nái của Trung Quốc đang có xu hướng giảm, nếu thị trường này tăng mua, nhập khẩu lợn Việt Nam qua đường tiểu ngạch thì có thể tiêu thụ một lượng lớn đàn lợn, kích thích giá lợn hơi trong nước tăng bền vững hơn.
 
Mặc dù có thông tin mới đây, Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc đang cân nhắc xả kho dự trữ thịt lợn chiến lược nhằm kiềm chế đà tăng giá của loại thực phẩm chủ lực này. Nhưng kho dự trữ chỉ chứa được một lượng nhất định, xả kho cũng chỉ có thể giải quyết được một phần nhu cầu tiêu thụ của thị trường tỷ dân.
 
Trong bối cảnh Ngoài động lực đến từ thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Trí Công cho rằng, giá lợn Việt Nam đang đi lên theo mặt bằng chung của các nước trong khu vực. Hiện, giá lợn của Thái Lan, Lào, Campuchia cũng dao động ở mức 68.000 - 70.000 đồng/kg.
 
Đánh giá về cung - cầu nội địa, đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, hiện tổng đàn lợn của cả nước đang khoảng 28,2 triệu con, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ trong nước, thậm chí có dư thừa một chút trong bối cảnh sức mua còn yếu.
 
Trước áp lực giá nguyên liệu đầu vào tăng phi mã, giá lợn đã nhỉnh lên, cân bằng giá thành và giá bán. Ông Nguyễn Trí Công nhận định, giá lợn ổn định trong mức 65.000 đồng/kg là hợp lý và người chăn nuôi bắt đầu có lãi.
 
Dù giá lợn hơi bắt đầu khởi sắc, nhưng những người nông dân vẫn chưa thể yên tâm vì ngành chăn nuôi luôn bấp bênh. Kể từ đầu năm 2021 đến nay, chăn nuôi lợn gần như không có lãi vì dịch bệnh Covid-19 và dịch tả lợn châu Phi, kèm theo đó là gánh nặng chi phí, thức ăn chăn nuôi ngày càng nhiều.
 
Nuôi cầm chừng, thu hẹp quy mô trang trại là cách nhiều nông dân lựa chọn để đối phó với cơn bão giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, chờ giá lợn hơi lên. Và ngay cả khi giá lợn bắt đầu khởi sắc, nhiều người chăn nuôi vẫn hoài nghi về sự bền vững của đà tăng và thăm dò tình hình trước khi quyết định có tăng đàn cho quý IV này.
 
Thịt lợn là sản phẩm chăn nuôi tự cung - tự cấp, tỷ lệ xuất nhập khẩu mặt hàng này của nước ta rất nhỏ. 6 tháng đầu năm, tổng đàn lợn của cả nước khoảng 28,2 triệu con, dự kiến cung cấp khoảng 3,8 - 4 triệu tấn thịt lợn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân trong nước.