Không dừng lại ở mong muốn đưa sản phẩm ra thị trường thế giới thông qua xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp còn ôm tham vọng mở rộng thị trường thông qua phương thức mua bán và sáp nhập (M&A), đầu tư xây dựng nhà máy tại chính thị trường tiềm năng đó để “chiếm lĩnh” hiệu quả hơn.
“Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”
Mới đây, đại diện Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hoà (TTC Sugar) - một thành viên của Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group) cho biết, Công ty đang tiếp tục thực hiện chiến lược mở rộng thị trường thông qua phương thức M&A và đầu tư xây dựng nhà máy. Do đó, TTC Sugar sẽ nâng cao sản lượng bằng cách mua lại doanh nghiệp đường Ấn Độ ở Campuchia. Bên cạnh các thị trường truyền thống như Việt Nam, Lào, Campuchia, Singapores, TTC Sugar đang có kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất đường ở Australia.
Lũy kế đến ngày 20/6, Việt Nam đã có 1.569 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn hơn 21,56 tỷ USD.
Trước đó, TTC Sugar đã từng mua lại nhà máy của Hoàng Anh Gia Lai ở Lào. Nhờ những động thái mở rộng này, TTC Sugar đang chiếm khoảng 50% thị phần ngành đường ở Việt Nam, sở hữu 65.000ha nguyên liệu ở ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia, với sản lượng 1,16 triệu tấn năm 2021. 9 tháng đầu niên độ 2021-2022, công ty có 12.818 tỷ đồng doanh thu và 802 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương ứng tăng trưởng 19% và 46% so với cùng kỳ.
Tương tự, để tạo đà tăng trưởng cho giai đoạn mới, hồi tháng 7/2021, Vinamilk đã công bố công ty liên doanh tại Philippines là Del Monte-Vinamilk, để kết hợp thế mạnh của Vinamilk trong khâu sản xuất và Del Monte về khâu phân phối. Theo báo cáo thường niên năm 2021, hiện Vinamilk có 4 công ty con ở nước ngoài, trong đó Vinamilk sở hữu 100% vốn tại Driftwood Dairy (Mỹ), Angkor Dairy (Campuchia), Vinamilk Europe Spólka Z Ograniczona Odpowiedzialnoscia (Ba Lan), sở hữu 85,54% vốn tại Lao-Jagro Development XiengKhouang (Lào); 2 công ty liên kết nước ngoài là Miraka Holdings (New Zealand) với tỷ lệ sở hữu 22,81% và Del Monte (Philippines) với tỷ lệ sở hữu 50%.
Trong báo cáo phân tích doanh nghiệp mới đây, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, động lực tăng trưởng của Vinamilk vẫn nằm ở hoạt động kinh doanh cốt lõi là sữa nhưng ở thị trường nước ngoài. Cụ thể, Vinamilk đang nhắm đến một công ty sữa ở Indonesia để mua lại. Kế hoạch nói trên nếu trở thành hiện thực có thể mang lại cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ cho Vinamilk trong vài năm tới.
Tại ĐHĐCĐ vừa tổ chức, trong giai đoạn 2022-2026, HĐQT Vinamilk cho biết sẽ khai thác cơ hội kinh doanh tại các thị trường mới thông qua các hoạt động M&A hoặc đầu tư mạo hiểm; tiếp tục củng cố các thị trường xuất khẩu truyền thống và tìm kiếm cơ hội chuyển dịch đầu tư sản xuất tại chỗ…
Lợi ích từ M&A
Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm nay, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt hơn 345,8 triệu USD, bằng 63,2% với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, có 57 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 300,88 triệu USD, tăng gấp 2,1 lần so với cùng kỳ. Vốn đầu tư ra nước ngoài cấp mới tăng mạnh so với cùng kỳ do có 5 dự án lớn mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là dự án Công ty Cổ phần Giải pháp năng lượng Vines sang Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Hà Lan với tổng vốn đầu tư mỗi dự án hơn 34,68 triệu USD.
Ngoài ra, có 14 lượt dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn đầu tư tăng thêm trên 44,9 triệu USD, bằng 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn đầu tư điều chỉnh tăng mạnh do trong 6 tháng năm 2021 có nhiều dự án lớn điều chỉnh tăng vốn như dự án của Tập đoàn Vingroup tại Mỹ điều chỉnh tăng 300 triệu USD, dự án Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển cao su Đông Dương tại Campuchia tăng 76 triệu USD và một dự án của Vinfast tại Đức tăng 32 triệu USD. Lũy kế đến ngày 20/6, Việt Nam đã có 1.569 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn hơn 21,56 tỷ USD.
Mặc dù có kết quả tăng trưởng đầy khả quan, nhưng khó khăn, thách thức trong hoạt động đầu tư ở nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều. Tại ĐHĐCĐ được tổ chức vào giữa tháng 6/2022, lãnh đạo Viettel Global cho biết, hoạt động đầu tư nước ngoài được dự báo sẽ đối mặt với các thách thức từ biến động chính trị tại các nước đầu tư, biến động tỷ giá, khan hiếm ngoại tệ hay các chính sách mới ràng buộc nhà cung cấp viễn thông. Tuy nhiên, công ty sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu vốn đầu tư tại các công ty ở nước ngoài. Ở thị trường nào có lợi nhuận tốt doanh nghiệp sẽ vay nội địa để tránh những rủi ro về tỷ giá. Còn những thị trường chưa có kết quả tốt thì Viettel Global sẽ tiến hành M&A, có thể thoái vốn một phần hoặc toàn phần.
Theo đánh giá của các chuyên gia PwC, các thương vụ M&A trên quy mô toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ tiếp tục sôi động. Nhưng để duy trì lợi thế cạnh tranh, các nhà giao dịch thương vụ nên đề phòng những yếu tố tiềm ẩn trong giao dịch như sự biến động của thị trường tài chính và nền kinh tế vĩ mô. Thị trường nội địa được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt, mang đến nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư trong nước, tạo nhiều triển vọng tích cực để các tập đoàn Việt Nam cạnh tranh hiệu quả trên quy mô lớn hơn.