Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp mới đây trình Bộ Tài chính báo cáo giám sát tài chính công ty mẹ - Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT).
Theo báo cáo, trong năm 2021, doanh thu của VNPT đạt 40.748 tỷ đồng, đạt 90,22% kế hoạch được giao. Trong cơ cấu tổng doanh thu, nguồn thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ và bán hàng đạt 36.811 tỷ đồng, giảm 3.833 tỷ đồng so với năm liền trước.
Ngoài ra, doanh thu từ hoạt động tài chính của công ty mẹ đạt 2.740 tỷ đồng, giảm 342 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu khác đạt 1.197 tỷ đồng, tăng 437 tỷ đồng nhờ quá trình rà soát tài sản hư hỏng, lạc hậu để thanh lý, nhượng bán, thu hồi vốn.
Thiệt hại khoảng 3.000 tỷ đồng vì dịch bệnh
Sau khi trừ khoản 400 tỷ đồng ủng hộ quỹ vaccine phòng chống Covid-19 theo diện chi phí sản xuất, lợi nhuận sau thuế của tập đoàn đạt 4.285 tỷ đồng, giảm hơn 200 tỷ đồng so với năm 2020.
Theo báo cáo, nếu loại trừ những ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19, doanh thu của VNPT có thể đạt 43.745 tỷ đồng, tức bằng 96,86% kế hoạch được giao. Điều này đồng nghĩa dịch bệnh đã khiến doanh thu tập đoàn sụt giảm 3.000 tỷ đồng trong năm 2021.
VNPT triển khai hàng loạt chương trình miễn, giảm, tặng cước viễn thông hỗ trợ khách hàng với tổng mức hỗ trợ tương đương 2.997 tỷ đồng. Tập đoàn nộp ngân sách Nhà nước .4.501 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra.
Nhìn chung, VNPT kinh doanh có lãi, các chỉ số sinh lời đều tăng so với năm 2020. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu của VNPT đạt 6,1% và tăng lên 6,6% nếu lợi trừ khoản ủng hộ quỹ vaccine kể trên.
Tính đến cuối năm 2021, vốn chủ sở hữu Nhà nước tại VNPT đạt 67.595 tỷ đồng, tăng 1.221 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Hệ số bảo toàn vốn của công ty mẹ VNPT tăng 1,84%. Tổng tài sản là 86.116 tỷ đồng, giảm 0,9% so với hồi đầu năm 2021.
4/5 khoản đầu tư nước ngoài thua lỗ
Ủy ban Quản lý Nhà nước vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết VNPT có 59 khoản đầu tư vào 24 công ty con, 27 công ty liên kết và 8 khoản đầu tư tài chính khác. Tổng giá trị vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp khoảng 6.962 tỷ đồng.
Trong đó, 3 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước trực thuộc gồm: Tổng công ty Dịch vụ viễn thông - VNPT VinaPhone, Tổng công ty Truyền thông - VNPT Media, Công ty TNHH MTV Cáp quang - FOCAL nhận 4.606 tỷ vốn đầu tư.
Cả 3 doanh nghiệp đều kinh doanh có lãi trong năm 2021 với tổng lợi nhuận trước thuế khoảng 2.229 tỷ đồng, giúp VNPT thu về lợi nhuận khoảng 921 tỷ đồng.
VNPT còn đầu tư 1.253 tỷ đồng vào 21 công ty con dưới 100% vốn điều lệ. Trong đó 20 công ty phát sinh lãi và một công ty báo lỗ.
VNPT có 59 khoản đầu tư ngoài tập đoàn. Ảnh: VNPT.
Ngoài ra, VNPT đầu tư thêm 1.103 tỷ đồng vào nhóm công ty liên doanh, liên kết, đầu tư dài hạn khác. Tuy nhiên, nhóm này ghi nhận 22 doanh nghiệp có lãi, 5 doanh nghiệp thua lỗ và 8 doanh nghiệp chưa gửi báo cáo kinh doanh năm vừa qua.
Một số doanh nghiệp VNPT góp vốn đầu tư đang thua lỗ gồm Công ty Stream Net (VNPT góp 72% vốn) lỗ 189 tỷ đồng; Công ty TNHH VKX (VNPT góp 50% vốn) lỗ 10,6 tỷ đồng; Liên doanh cáp đồng Lào Việt (VNPT góp 50% vốn) lỗ 1,1 tỷ đồng; Công ty CP Phát triển dịch vụ học tập và giải trí trực tuyến (góp 42,93% vốn) lỗ 3 tỷ đồng; Công ty CP truyền thông VMG (vốn góp 28,3%) lỗ 581,9 tỷ đồng…
Lũy kế đến cuối năm 2021, VNPT có 5 khoản đầu tư ra nước ngoài trị giá 13,12 triệu USD song đến nay mới thu được 1,13 triệu USD về nước. VNPT thu được hơn 1,1 triệu USD từ các khoản lợi nhuận sau chia của Công ty ACASIA - Malaysia và công ty VNPT Global HongKong.
Hiện VNPT đang lên kế hoạch thoái vốn khỏi Liên doanh cáp đồng Lào Việt và Công ty Stream Net tại Myanmar để cắt lỗ. Hai doanh nghiệp đã lỗ lũy kế lần lượt 1,18 triệu USD và 4,61 triệu USD.
Đến thời điểm giám sát, các khoản đầu tư ra nước ngoài vào Công ty ATH và Công ty ACASIA chưa nộp báo cáo tài chính về VNPT.
Duy nhất khoản đầu tư trị giá 782.000 USD vào Công ty VNPT-Global Hong Kong có lãi và giúp tập đoàn thu 1,02 triệu USD lũy kế đến cuối năm 2021. Năm vừa qua VNPT-Global HongKong thu về 12,36 triệu USD.