Một phần ba doanh nghiệp nước này đã phải giảm công suất hoạt động để tiết kiệm năng lượng cho mùa Đông tới.
Tuy nhiên, nguy cơ cạn kiệt năng lượng vẫn là rất lớn khi khi tỷ lệ lấp đầy các kho dự trữ chiến lược tại Đức mới chỉ ở mức gần 75% trong khi các nguồn cung ngày càng trở nên khó khăn.
Châu Âu phụ thuộc nguồn khí đốt Nga. Ảnh: Getty.
Theo Cơ quan Năng lượng liên bang Đức, tổng mức tiêu thụ năng lượng tại Đức trong tháng 7/2022 đã giảm 21% so với cùng kỳ năm 2021. Mức sụt giảm này phần lớn đến từ việc một phần 3 số doanh nghiệp Đức phải giảm công suất hoạt động để thực thi chính sách tiết kiệm năng lượng của chính phủ. Một số tập đoàn công nghiệp lớn như Mercedes thậm chí phải giảm một nửa nhu cầu năng lượng từ nay cho đến cuối năm 2022 hay Siemens tuyên bố sẽ dừng sử dụng khí đốt từ ngày 11/8.
Tuy nhiên, Đức có nguy cơ lớn rơi vào tình trạng thiếu khí đốt trong mùa Đông tới khi tỷ lệ lấp đầy các kho năng lượng dự trữ chiến lược hiện mới chỉ ở mức gần 75%. Lo ngại này trở nên lớn hơn sau khi Bộ trưởng Kinh tế Đức tuyên bố hợp đồng mua khí tự nhiên hoá lỏng với Qatar hồi tháng 3/2022 đã bị huỷ bỏ. Tiếp đến là việc Nga đang giảm dần nguồn cung năng lượng kể từ giữa tháng 7 và hiện chỉ duy trì 20% công suất so với mức thông thường của đường ống dẫn khí Phương Bắc 1 (Nord Stream 1) cho dù đã hoàn tất việc bảo trì thường niên.
Cơ quan Năng lượng liên bang Đức đã đưa ra kịch bản cực đoan nhưng được coi là cách duy nhất để giúp tránh nguy cơ khủng hoảng năng lượng là duy trì chính sách giảm 20% mức năng lượng tiêu thụ hiện nay, giảm 20% lượng khí đốt mà Đức đang trung chuyển sang các thành viên Liên minh châu Âu khác và cuối cùng là hoàn thành nhà máy chuyển đổi khí tự nhiên hoá lỏng vào tháng 1/2023.
Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh tiết kiệm năng lượng hoá thạch sẽ giúp đảm bảo an ninh cho nước Đức.
"Một điều chắc chắn là việc sử dụng nguồn năng lượng hoá thạch sẽ ngày càng đắt. Chúng ta chỉ có thể giảm mức tiêu thụ các loại năng lượng này bằng các nguồn năng lượng tái tạo đang được thúc đẩy mạnh mẽ và nhờ các công nghệ hiện đại. Điều này sẽ giúp tăng cường an ninh và khả năng của nước Đức trong việc giải quyết các thách thức trong tương lai."
Trước đó, chính phủ Đức đã áp đặt các quy định hạn chế trong việc sử dụng năng lượng như phần lớn các tòa nhà công cộng không được phép đặt hệ thống sưởi trên 19 độ C vào mùa thu và mùa đông, các tòa nhà và tượng đài tại Đức không còn được thắp sáng vào ban đêm và hạn chế đối với quảng cáo chiếu sáng lớn…/.