Theo số liệu từ Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, giá trị nhập khẩu cà phê của nước này đạt 1,19 tỷ USD trong 11 tháng của năm 2022, tăng 45,1% so với cùng kỳ năm trước đó.
Cà phê đang ngày càng được ưa chuộng ở Hàn Quốc và số liệu thống kê mới công bố ngày 2022 cho thấy lượng nhập khẩu cà phê của Hàn Quốc từ tháng 1-11/2022 đã tăng hơn 45% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo số liệu từ Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, giá trị nhập khẩu cà phê của nước này đạt 1,19 tỷ USD trong 11 tháng của năm 2022, tăng 45,1% so với cùng kỳ năm trước đó.
Đây là lần đầu tiên kim ngạch nhập khẩu cà phê hằng năm của Hàn Quốc vượt 1 tỷ USD, tăng 16,7 lần so với thời điểm 20 năm trước.
Tính về khối lượng, nhập khẩu cà phê của Hàn Quốc trong 11 tháng của năm 2022 đạt khoảng 187.790 tấn, tăng so với mức 171.990 tấn của một năm trước đó. Nhập khẩu cà phê của Hàn Quốc đã tăng ổn định kể từ năm 2018 do ngày càng nhiều người Hàn Quốc ưa chuộng và sử dụng thường xuyên đồ uống này.
Với việc tiêu thụ cà phê tăng mạnh ở nền kinh tế lớn thứ tư châu Á, số lượng cửa hàng cà phê ở Hàn Quốc cũng tăng lên nhanh chóng.
Số liệu thống kê cho biết tính đến cuối tháng 12/2022, số cửa hàng cà phê và đồ uống trên toàn quốc là 99.000, tăng 17,4% so với một năm trước đó và là mức cao nhất từ trước đến nay.
So với bốn năm trước, con số cửa hàng cà phê ở Hàn Quốc đã tăng 102,1%, tương đương 50.000 cửa hàng, cao hơn nhiều so với mức tăng 80,9% ở các nước phương Tây, 76,4% đối với Nhật Bản.
Nhìn vào kim ngạch nhập khẩu cà phê theo quốc gia, năm 2022, Thụy Sỹ có thị phần lớn nhất với 130,12 triệu USD, tiếp theo là Colombia với 128,15 triệu USD, Brazil đạt 115,68 triệu USD, Mỹ đạt 112,17 triệu USD, Ethiopia đạt 75,65 triệu USD. Việt Nam đứng thứ 6 với kim ngạch 62,28 triệu USD.
Tuy nhiên, nếu tính về lượng nhập khẩu, Brazil đứng đầu với 39.884 tấn, tiếp theo là Việt Nam với 36.469 tấn, Colombia đứng vị trí thứ ba với 30.40 tấn, Ethiopia thứ tư với 16.667 tấn, Mỹ đứng thứ 5 với 10.655 tấn.
Các thương hiệu cà phê phổ biến ở Hàn Quốc phải kể đến là Starbucks, Ediya Coffee, Twosome Place, MegaMGC Coffee. Đối với trường hợp của Starbucks Hàn Quốc, kể từ khi thương hiệu này mở cửa hàng đầu tiên ở Đại học Nữ sinh Ewha vào năm 1999, đến nay, hãng này đã có 1.639 cửa hàng tại Hàn Quốc.
Ediya Coffee đã khai trương chi nhánh thứ 3.500 tại quận Deokyang ở thành phố Goyang vào tháng 9/2022. Như vậy sau 20 năm thương hiệu này đã mở rộng rất mạnh tại Hàn Quốc.
Theo hệ thống cung cấp thông tin doanh nghiệp thuộc Ủy ban Thương mại Công bằng, tính đến cuối năm 2019, trong số các thương hiệu nhượng quyền cà phê, Ediya Coffee có nhiều chi nhánh thương hiệu nhượng quyền nhất với 2.651 điểm, tiếp đến là Twosome Place với 1.097 chi nhánh, MegaMGC Coffee có 798 chi nhánh, Evanhada có 688 chi nhánh./.